Khôi phục dần hoạt động qua lại tại các cửa khẩu với Trung Quốc

(Dân trí) - Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, hoạt động tại các cửa khẩu biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc đang từng bước được khôi phục trong điều kiện triển khai chặt chẽ biện pháp phòng chống dịch corona…

Thông tin được Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đưa ra tại cuộc họp báo chiều 20/2. Đại diện Bộ Ngoại giao nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc phòng chống dịch corona tại cuộc họp báo.

Khôi phục dần hoạt động qua lại tại các cửa khẩu với Trung Quốc - 1
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt phát ngôn tại cuộc họp báo chiều 20/2.

Không cấp phép nhập cảnh với người trên du thuyền Westerdam

Cụ thể, vấn đề đặt ra là quan điểm của lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đề nghị sớm khôi phục việc đi lại giữa công dân 2 nước khi ông này có cuộc gặp song phương với Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hôm qua, 19/2, trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mê Kông – Lan Thương đang diễn ra tại Lào.

Ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh, để phòng chống, ngăn chặn khả năng dịch bệnh corona lan rộng, thời gian qua, Việt Nam và Trung quốc đã phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý hoạt động giao thương, đi lại giữa 2 nước trên tinh thần kiểm soát dịch bệnh nhưng không gây trở ngại với người dân.

Trên tinh thần đó, đến nay, Việt Nam mới chỉ tạm dừng hoạt động qua lại ở các đường mòn, lối mở không chính thức, còn ở các cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc, không có chuyện dừng mà cơ quan chức năng chỉ thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch như buộc người qua lại biên giới phải cách ly 14 ngày theo quy định.

Ông Việt thông tin thêm: “Các hoạt động của các cửa khẩu biên giới trên đường bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc những ngày qua đã từng bước được khôi phục nhưng với sự kiểm soát chặt chẽ của các biện pháp phòng dịch để đảm bảo sự an toàn cao nhất đối với cộng đồng”.

Tinh thần chung lãnh đạo cơ quan ngoại giao Việt Nam thể hiện tại Hội nghị Mê Kông – Lan Thương là, Việt Nam đặc biệt quan tâm và chia sẻ với Trung Quốc về những khó khăn, thiệt hại phía bạn đang phải trải qua do dịch bệnh Covid-19. Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ, thông tin và chia sẻ về kinh nghiệm kiểm soát, chăn chặn dịch, phương pháp điều trị… đã áp dụng.

“Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Trung Quốc trong việc xử lý dịch bệnh và tin tưởng, với các biện pháp mạnh mẽ đã tiến hành, sự hỗ trợ của quốc tế, nhân dân Trung Quốc sẽ sớm vượt qua đợt dịch bệnh khó khăn này, cộng đồng quốc tế cũng sớm kiểm soát được dịch bệnh nguy hiểm này” – Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Ông Việt cũng nêu rõ, với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cùng cộng đồng các nước ASEAN đã thể hiện sự quan tâm, dành nhiều nỗ lực cho các hoạt động phòng chống, ngăn chặn dịch. Ông dẫn chứng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN trước dịch bệnh Covid-19. Hôm qua, 19/2, tại hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cũng ra tuyên bố về hành động ứng phó dịch bệnh. Tại hội nghị Mê Kông – Lan Thương đang diễn ra, các Bộ trưởng Ngoại giao cũng chia sẻ quan điểm chúng tay chống dịch, thể hiện trong một tuyên bố chung về vấn đề này.

Người phát ngôn tại cuộc họp báo cũng khẳng định, tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam hiện đang đạt kết quả tốt, tiến triển khả quan, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Thông tin mới nhất về tình hình điều trị cho các bệnh nhân nhiễm bệnh từ Bộ Y tế Việt Nam cho thấy, 16/14 người đã khỏi bệnh, được xuất viện, 2 trường hợp còn lại cũng tiến triển rất khả quan.

“Như vậy việc chống dịch bệnh của Việt Nam đã đạt kết quả rất khả quan. Tôi tin bạn bè quốc tế đều nhất trí rằng, Việt Nam hiện vẫn là một điểm đến an toàn” – ông Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh.

Kết quả này chứng tỏ các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh của Việt Nam, trong đó có vấn đề kiểm soát việc đi lại tại các cửa khẩu trên bộ, trên biển cũng như đường hàng không đã đưa ra là cần thiết và hiệu quả.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, các cửa khẩu phía Tây Nam cũng được áp dụng các quy định chung về kiểm soát dịch bệnh như với khu vực biên giới phía Bắc. Theo đó, những người đến từ Trung Quốc hoặc đi qua Trung Quốc trong vòng 14 ngày đều được kiểm tra sức khỏe chặt chẽ ngay khi đặt chân đến các cửa khẩu.

Theo đó, việc đề nghị không cấp phép nhập cảnh với những người nghi nhiễm virus trên du thuyền Westerdam từng dừng ở Campuchia, ông Việt nhận định, các quy trình để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh được áp dụng nghiêm túc, chặt chẽ trong mọi trường hợp.

Chưa xét việc khôi phục đường bay Việt Nam – Trung Quốc

Trao đổi thêm về khả năng Việt Nam tuyên bố hết dịch như các địa phương có dịch như Khánh Hòa, Thanh Hóa, TPHCM đều đang chuẩn bị cho việc tuyên bố hết dịch tại những nơi này, ông Việt cho biết, đây là vấn đề chuyên môn mà quyết định sau cùng phải dựa trên ý kiến của các chuyên gia Y tế cũng như Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông Việt cũng lưu ý, tình hình dịch bệnh của các nước trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp.

Ngoài ra, cũng có thông tin, ngay cả những bệnh nhân được xác định âm tính rồi vẫn có thể phát bệnh trở lại nên các chuyên gia đã khuyến cáo, những người đã hồi phục vẫn tiếp tục phải tự cách ly, theo dõi và chăm sóc sức khỏe cẩn trọng.

Như vậy, về việc khôi phục các đường bay giữa Việt Nam – Trung Quốc, ông Đoàn Khắc Việt phân tích, quyết định tạm dừng cấp phép hoạt động bay giữa 2 nước là do Chính phủ Trung Quốc, Tổ chức Y tế thế giới cũng như Chính phủ Việt Nam cùng thống nhất, ý thức nghiêm túc về mức độ nghiêm trọng của việc lây lan nhanh chóng của dịch bệnh Covid-19. Do đó, việc di chuyển những người từ vùng có dịch đến vùng khác, nước khác cần kiểm soát chặt chẽ.

Việc khôi phục đường bay không thể căn cứ trên quyết định chủ quan được mà phải trên cơ sở khoa học, kiểm soát chặt chẽ.

“Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng đã cấp phép 1 số chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ vùng dịch Vũ Hán về nước cũng như đưa công dân Trung Quốc ở Việt Nam về nước. Việt Nam rất quan tâm, chia sẻ và mong muốn Chính phủ nhân dân Trung Quốc sớm vượt qua khó khăn này. Khi nào dịch bệnh được khống chế thì cơ sở cho việc giao thương đi lại sẽ được khẳng định một cách chắc chắn hơn. Hiện Việt Nam – Trung Quốc đang phối hợp chặt chẽ về vấn đề này” – đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại.

Phương Thảo