Khó phát hiện lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách

(Dân trí) - Được đại biểu đánh giá là thẳng thắn, không né tránh khi trả lời nhiều câu hỏi “hóc” đặt ra, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa nhận nhiều “lỗi”, “lọt”, sơ xuất trong quá trình tham mưu xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật…

Có thể có nhưng chưa phát hiện

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) nêu vấn đề, cử tri cho rằng, hiện tham nhũng đang xảy ra trong nhiều lĩnh vực, trong đó có vấn đề tham nhũng chính sách, pháp luật. Ông Thuyền nghi ngờ thực tế có hiện tượng này vì rõ ràng có việc nhiều bộ ngành vẫn ban hành những văn bản “đá” nhau vì chuyện bảo vệ lợi ích của ngành mình.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Thuyền, Bộ trưởng Tư pháp khẳng định, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật rất đầy đủ, chặt chẽ qua nhiều tầng nấc. Chỉ trừ việc ban hành thông tư và thông tư liên tịch của các bộ, ngành chưa có sự kiểm soát tập trung (theo quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật), còn các loại văn bản, từ quyết định của Thủ tướng đến Nghị định của Chính phủ, quy trình xây dựng rất chặt chẽ.
 
Bộ trưởng Tư pháp: Không loại trừ văn bản này, quy định kia lọt... lợi ích nhóm.
Bộ trưởng Tư pháp: "Không loại trừ văn bản này, quy định kia lọt... lợi ích nhóm".

Không bác hẳn nghi vấn có tiêu cực, tham nhũng chi phối nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng phân trần, “có thể không phát hiện được vấn đề đó vì rất khó”.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) rót thêm nghi vấn từ việc Chính phủ nhiều lần xin điều chỉnh, “đưa vào, rút ra” các dự án luật trong chương trình chứng tỏ lợi ích nhóm đã tác động nhiều trong quá trình xây dựng luật. Ông Sơn yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp đưa ra một cách thức để chặn tác động của lợi ích nhóm trong việc làm luật.

Giải đáp thắc mắc này, ông Cường đi từ ví dụ thực tế, nhiều đại biểu Quốc hội từng nói nhiều về việc ban hành Nghị định về hoạt động kinh doanh vàng hay vận hành thị trường, kiểm soát giá xăng dầu, giá than, giá điện… Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh, chủ trương tiến tới giá thị trường đối với những mặt hàng này thì khó “vặn vẹo” được vì đã được nhà nước xác định rất rõ. Nhưng vấn đề lộ trình thế nào để ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát thì bước đi Chính phủ đề ra phải rất chặt chẽ.

“Nếu nói lợi ích nhóm gì đó thì khó vì vấn đề được kiểm soát chặt. Nhưng cũng không loại trừ văn bản này, văn bản kia để hở, lọt. Thực tế có thể có việc đó” - Bộ trưởng Tư pháp nói.

Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) truy vấn tiếp: “Có hay không tình trạng các doanh nghiệp “tranh thủ” cơ chế chính sách để trục lợi, gây thất thoát tài sản của nhà nước. Bộ trưởng có giải pháp nào để chặn nguy cơ này?”.

Gọi thẳng tên sự việc đại biểu đề cập là “lobby chính sách”, Bộ trưởng Tư pháp giải thích, chuyện này ở các nước khá phổ biến nhưng ở Việt Nam chắc chắn rất khó, nếu có cũng rất hãn hữu vì sự khác nhau về chế độ chính trị. Vì chế độ Đảng lãnh đạo nên pháp luật, theo ông Cường, là sự thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chắc chắn chỉ có một hướng thống nhất, không bị chi phối, ảnh hưởng, vận động bởi phái chính trị khác.

Thừa nhận có nghe những ý kiến phản ánh về việc này việc kia, bản thân không thể tự kết kết luận về vấn đề nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, Bộ Tư pháp không phát hiện hiện tượng trong vấn đề ban hành vi phạm pháp luật (không phải vấn đề điều hành) – lĩnh vực kiểm tra của Bộ.

Không chỉ “lọt” quy định chứng minh thư ghi tên cha mẹ

Chuyển sang vấn đề kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Huỳnh Văn Tấn (Tiền Giang) nêu nhiều hạn chế như một số văn bản chưa được phát hiện kịp thời, chỉ được đề cập, sửa chữa khi có phản ánh của báo chí, dư luận. Đại biểu cho rằng trách nhiệm thuộc Bộ trưởng Tư pháp.
 
Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp tại UB thường vụ Quốc hội.
Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp tại UB thường vụ Quốc hội.

Ông Hà Hùng Cường “thanh minh”, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu sự thẩm định toàn diện. Để đảm bảo việc này, luật đưa ra nguyên tắc sau 3 ngày ban hành văn bản, các bộ, ngành phải gửi văn bản cho Bộ Tư pháp để kiểm tra. Tuy nhiên, thực tế, việc gửi văn bản cũng chậm nên nhiều khi văn bản được đăng tải, thông báo rồi mà cơ quan kiểm tra vẫn chưa nhận được.

Xác nhận thông tin phản ánh từ báo chí là một nguồn quan trọng để Bộ Tư pháp nắm thêm tình hình dư luận, ông Cường cho biết đã chỉ đạo thực hiện chế độ điểm báo hàng ngày liên quan đến việc phát hiện văn bản sai phạm để yêu cầu kiểm tra vào cuộc ngay. Nhưng người đứng đầu ngành Tư pháp cũng cho rằng, Bộ không hoàn toàn chỉ kiểm tra khi sự việc đã được nêu trên báo chí.

Từ năm 2010, Bộ đã ban hành quy chế để yêu cầu đến các Sở, phòng Tư pháp chủ động thẩm định, kiểm tra văn bản của các cấp ngành trong những lĩnh vực mà dư luận, người dân quan tâm, chờ đợi. Ngoài 4 nội dung yêu cầu bắt buộc, cơ quan kiểm tra còn mở rộng thêm việc thẩm định, đánh giá tính khả thi, phù hợp thực tế của luật.

Việc phát hiện bất hợp lý trong quy định về ưu tiên cộng điểm cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi thi đại học do Bộ GD-ĐT ban hành là một ví dụ được Bộ trưởng Tư pháp nêu ra làm dẫn chứng cho nhận định này.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh truy vấn tiếp, có bao nhiêu văn bản của Chính phủ “lọt” không qua Bộ Tư pháp thẩm định?

Ông Cường trình bày, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Tư pháp đã thẩm định hơn 400 văn bản, trung bình mỗi văn bản 50 nội dung, tính ra có trên 2 vạn nội dung được kiểm tra, xem xét. Ông Cường xác nhận, “cũng có nội dung này khác dư luận không đồng tình nhưng số lượng không nhiều so với số nội dung được thẩm định”.

Nhắc lại câu chuyện “lọt” quy định chứng minh thư nhân dân ghi tên cha mẹ, Bộ trưởng Tư pháp phân trần, Nghị định từ năm 1999 đã quy định vấn đề này. Khi Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật tiếp nhận Nghị định mới đề xuất của Bộ Công an, các cán bộ chỉ tập trung vào nhưng vấn đề mới, vấn đề cũ “coi như đã rồi” nên… bỏ sót. Vì vậy, chỉ đến khi Bộ Công an triển khai thí điểm cấp chứng minh thư mẫu mới ở 4 quận của Hà nội, dư luận lên tiếng, Bộ Tư pháp mới lật lại và thống nhất kiến nghị Thủ tướng dừng việc thí điểm.

“Thực tế là quá trình kiểm tra có lọt chứ không phải không. Tôi đã yêu cầu anh em báo cáo, kiểm điểm để rút kinh nghiệm” - Bộ trưởng Tư pháp thẳng thắn.
 
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: Bộ Tư pháp để lọt kiểm tra, thẩm định bao nhiêu văn bản?.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: "Bộ Tư pháp để lọt kiểm tra, thẩm định bao nhiêu văn bản?".

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nối tiếp bức xúc, chưa bao giờ các bộ, ngành có nhiều thông tư ban hành gây bức xúc như thời gian qua. Ông Nam điểm qua các quy định Bà mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm khi thi đại học, chó, mèo phải “có hộ khẩu”, xử phạt người gọi điện ở cây xăng, quan tài cán bộ không được lắp ô kính…

Mượn lại một lời nhận xét là cơ quan chức năng “ngồi trên trời làm chính sách”, ông Nam chỉ ra nghịch lý, nhiều khoảng trống khác lại không có quy định, văn bản nào điều chỉnh, cơ quan nào kiểm soát và yêu cầu truy tìm nguyên nhân của tình trạng này.

Phủ nhận nhận xét của ông Nam, Bộ trưởng Hà Hùng Cường quả quyết, chưa bao giờ Việt Nam xây dựng được ý thức thực sự cao trong thực thi công vụ của cán bộ cũng như ý thức chấp hành pháp luật của người dân như hiện nay. Kể từ khi ban hành Hiến pháp 1980 đến nay, ông Cường cho rằng, ý thức pháp luật của người dân, cán bộ đã cải thiện hơn trước, cao hơn 1 bước đáng kể.

Xác nhận có 1 số quy định đưa ra chưa phù hợp thực tế nhưng ông Cường cũng nêu quan điểm,  cần dần dần đưa các hoạt động trong cuộc sống vào khuôn khổ pháp luật. Dẫn chứng vụ cháy trạm xăng đối diện bệnh viện 108 ở Hà Nội ít tháng trước, Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, việc sử dụng điện thoại di động ở nơi bán xăng là một nguồn nguy hiểm cao độ nên có quy định về việc đặt biển cấm, nhắc nhở, xử phạt là đúng để xây dựng thói quen, ý thức chấp hành của người dân, còn “chưa chắc quy định nào đưa ra cũng phải để xử phạt”.

“Bản thân tôi là người nghiện thuốc lá nhưng sang Singapore, nhìn thấy trong thang máy đề rõ quy định hút thuốc  phạt 1.000 USD thì tôi cũng không bao giờ dám… thử vi phạm” - ông Cường ví von.

P.Thảo