Nghệ An:

Khi dân giàu mới hết cảnh mua thuốc không cần đơn (?!)

(Dân trí) - Đại diện Sở Y tế Nghệ An thừa nhận có tình trạng bán thuốc không cần đơn của bác sĩ. Ngoài nguyên nhân từ người bán thì nguyên nhân khác được chỉ ra là do nhận thức của người dân. Đại diện Sở này cho rằng khi nào người dân giàu thì vấn đề này mới có thể giải quyết.

Đại biểu Phan Thị Hoan: Tràn làn bán thuốc không kê đơn, trách nhiệm của Sở Y tế ở đâu?
Đại biểu Phan Thị Hoan: Tràn làn bán thuốc không kê đơn, trách nhiệm của Sở Y tế ở đâu?

Tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII diễn ra vào chiều ngày 18/12, đại biểu Phan Thị Hoan (huyện Nghĩa Đàn) cho biết, thực tế hiện nay, người dân có thể mua thuốc ở bất kỳ đâu mà không cần đơn thuốc của bác sỹ. Việc mua thuốc, sử dụng thuốc tràn lan không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân mà còn làm gia tăng tình trạng kháng thuốc.

Ông Nguyễn Văn Thương – Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở Y tế Nghệ An thừa nhận, nếu như ở nước ngoài, đặc biệt là các nước phát triển, mua một viên thuốc kháng sinh cũng cần phải có đơn thuốc của bác sĩ thì ở Việt Nam, người dân không có gì vẫn có thể mua được thuốc ở ngoài quầy thuốc, các đại lý thuốc.

Theo ông Thương, nguyên nhân thứ nhất là xuất phát từ chính ý thức của người dân. Người dân ngại đi khám, đi khám mất một khoản tiền khám rồi mua thuốc cũng mất tiền. Bởi vậy khi thấy đau gì thì người dân ra cơ sở bán thuốc để mua thuốc uống. Trong khi đó, ở các đại lý thuốc trình độ người bán thuốc còn hạn chế, hơn nữa vì lợi nhuận nên họ biết sai nhưng vẫn làm. Ngành y tế kiểm tra chấn chỉnh liên tục nhưng kết quả chưa như mong muốn.

Ông Nguyễn Văn Thương - Sở Y tế Nghệ An cho rằng khi kinh tế phát triển, người dân giàu lên mới giải quyết được tình trạng mua bán thuốc chữa bệnh không cần kê đơn
Ông Nguyễn Văn Thương - Sở Y tế Nghệ An cho rằng khi kinh tế phát triển, người dân giàu lên mới giải quyết được tình trạng mua bán thuốc chữa bệnh không cần kê đơn

Đại diện Sở Y tế Nghệ An cho rằng vấn đề bán thuốc không cần kê đơn chỉ giải quyết được “khi xã hội phát triển, người dân giàu lên”.

“Tôi không đồng ý với trả lời của đại diện Sở Y tế. Người dân sử dụng thuốc tùy tiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, đến cả thế hệ sau nữa. Tôi muốn hỏi là trách nhiệm của ngành y tế - cơ quan quản lý, cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong vấn đề này như thế nào chứ không thể đợi đến khi người dân giàu rồi khi đó mới sử dụng thuốc có hiệu quả. Khi nào người dân mới giàu?”, bà Phan Thị Hoàn phản biện.

Ông Nguyễn Văn Thương cho biết, Phòng Quản lý dược và Sở Y tế đã tham mưu nhiều văn bản chỉ đạo quản lí cũng như công tác truyền thông về vấn đề này.

“Hiện toàn tỉnh có 1.066 đại lý thuốc mà đại lý thì tiêu chuẩn thấp. Theo quy định của Bộ Y tế, đến hết ngày 30/6/2020, nếu nếu các đại lý này không đảm bảo chuyển sang quầy thuốc thì sẽ phải đóng cửa. Trong năm 2017 có 90 đại lý thuốc hoàn thành chuyển đổi, năm 2018 sẽ có khoảng hơn 400 đại lý chuyển sang quầy thuốc. Khi đó sẽ giải quyết được tình trạng bán thuốc không cần kê đơn”, ông Thương nói.

Hoàng Lam