1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khi cơ quan nhà nước họp về tai nạn giao thông, thêm 23 người dân mất mạng trên đường

(Dân trí) - “Khi chúng ta ngồi đây họp thì chỉ tính đến chiều nay, lại thêm hơn 20 người nữa chết trên đường, mãi mãi không về nhà nữa” – Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga khái quát thực tế đau lòng khi chủ trì phiên giải trình về tình hình tai nạn giao thông thời gian qua…

Tai nạn nghiêm trọng, sao không thấy trách nhiệm cơ quan quản lý?

le thi nga.jpg

 

Sáng 6/3, chủ trì phiên giải trình, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề, dù có nhiều nỗ lực nhưng thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông vẫn ở mức nghiêm trọng. Hiện tại, trung bình mỗi ngày vẫn có 23 người chết vì tai nạn.

“Khi chúng ta ngồi đây họp thì chỉ tính đến chiều nay, lại thêm hơn 20 người nữa chết trên đường, mãi mãi không về nhà nữa. Ngày nào cũng có những vụ tai nạn nghiêm trọng. Mới nhất, 5h chiều qua, 5/3, trên tuyến cao tốc Pháp Vân, cửa ngõ vào Hà Nội, một xe khách 16 chỗ tông vào container, lại có người chết” – bà Nga thở dài.

Tổ chức phiên giải trình này, theo Chủ nhiệm UB Tư pháp, cơ quan thuộc khối lập pháp muốn chung tay với Chính phủ để tìm cách chặn đứng vấn nạn này, làm sao để tìm được giải pháp trước mắt không đòi hỏi kinh phí quá lớn để giải quyết tình trạng tai nạn nghiêm trọng. Để trả lời được câu hỏi đó, cần tìm nguyên nhân xem có gì bất ổn từ công tác tổ chức thực hiện chủ trương, pháp luật mà chưa cần đầu tư lớn, chỉ cần chấn chỉnh lại cũng góp phần kéo giảm tai nạn.

Lãnh đạo UB Tư pháp chỉ rõ, việc xác định trách nhiệm trong mỗi vụ tai nạn cụ thể hầu hết được quy cho người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông mà chưa chú trọng đúng mức các nguyên nhân, các trách nhiệm liên đới như nguyên nhân do lỗi kết cấu hạ tầng giao thông, lỗi của hệ thống biển báo, trách nhiệm của các cán bộ quản lý nhà nước...

Thực tế, trong 4 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô chở khách tại Kon Tum, Cao Bằng, Quảng Nam và Lai Châu làm 34 người chết, 37 người bị thương thì có 3 vụ các xe chở khách gây tai nạn đều vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải nhưng cơ quan quản lý về vận tải cũng như lực lượng tuần tra, kiểm soát đều không phát hiện, xử lý kịp thời.

Cũng trong 4 vụ tai nạn đó, có tới 3 vụ đều tại vị trí đường cong xuống dốc theo hướng trái của chiều xe chạy có ta-luy âm bên phải, tuyến đường tuy có đủ biển cảnh báo, phản quang, có hộ lan tôn sóng nhưng chiều cao hộ lan và lan can dưới 1,0m, chân hộ lan không có cột chống trợ lực... nhưng không làm rõ có hay không trách nhiệm của cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý kết cấu hạ tầng tại các khu vực này.

Ngay trước khi phiên giải trình diễn ra, UB Tư pháp cũng tiến hành thu thập ý kiến của nhiều cử tri và ghi nhận một số nội dung cơ bản như kiến nghị áp dụng công nghệ, biện pháp kỹ thuật trong kiểm soát giao thông để thay cho việc CSGT phải “lùa” cán bộ ra đứng đường. Bức xúc khác nổi lên, theo ý kiến cử tri, là về vấn đề tiêu cực, mãi lộ.

Yêu cầu giải trình việc thu phí BOT

nguyen van the 1.jpg

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tại phiên giải trình 

 

Một trong 11 nội dung UB Tư pháp đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT giải trình liên quan đến công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, theo Uỷ ban Tư pháp, một số trạm thu phí BOT có dấu hiệu đặt tại vị trí không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận; thậm chí một số nơi, người tham gia giao thông đã tụ tập đông người tại các trạm thu phí BOT, sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ để nộp phí, gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Ủy viên thường trực UB Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, trong khi đó, quyết định về việc thu phí điện tử tự động không dừng được ban hành từ năm 2017 đến nay chưa được thực hiện.

Bà Thủy cho biết, theo quyết định này, đối với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên thì chậm nhất đến ngày 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ các trạm thu phí sử dụng đồng bộ đang vận hành cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu theo hình thức điện tử tự động không dừng. 

Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, Bộ GTVT cũng có trách nhiệm khi các hoạt động thuộc phần việc của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực mà lại chưa được triển khai thường xuyên; chưa chọn đúng, trúng vấn đề bất cập trong thực tiễn để thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất nên hiệu quả chưa cao.

Nhóm nghiên cứu của UB Tư pháp dẫn chứng, công tác kiểm tra việc thu phí tại Trạm thu phí Dầu Giây chỉ được thực hiện sau khi xảy ra vụ cướp tại Trạm này và dư luận hoài nghi về tính chính xác của số tiền thu phí hàng ngày.

P.Thảo