“Khi có chiến tranh, dân quân tự vệ là lực lượng đầu tiên nổ súng”

(Dân trí) - Khi chiến tranh xảy ra, Dân quân tự vệ (DQTV) là lực lượng đầu tiên nổ súng để bảo vệ địa phương và tạo thế cho lực lượng chủ lực tác chiến trên địa bàn. Còn đối với thời bình, DQTV là lực lượng đầu tiên được huy động phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia các nhiệm vụ như: khắc phục hậu quả thiên tai, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn,…

Nhân kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2019), phóng viên Dân trí đã cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng).

“Khi có chiến tranh, dân quân tự vệ là lực lượng đầu tiên nổ súng” - 1

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân trao đổi với phóng viên Dân trí.

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân cho biết, trong những năm qua lực lượng DQTV rất tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương như phối hợp với bộ đội biên phòng và các lực lượng khác để tuần tra bảo vệ biên giới; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống chữa cháy rừng, cứu hộ cứu nạn trên bộ và trên biển; tham gia cùng với các lực lượng ban ngành của địa phương thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới;… với tổng số trên 10 triệu lượt ngày công.

Đối với công tác giáo dục quốc phòng an ninh, Cục trưởng Cục DQTV cho biết: “Cục DQTV với chức năng là cơ quan Thường trực của Hội đồng Giáo dục quốc phòng an ninh Trung ương do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch Hội, đơn vị đã tham mưu cho các đơn vị, địa phương tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng và giáo dục quốc phòng cho học sinh-sinh viên. Đến nay, cơ bản các đối tượng trong nhiệm kỳ này được giáo dục quốc phòng an ninh đều đạt trên 80%”.

Ngoài ra, Cục DQTV còn phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ và các cơ quan liên quan, hàng năm tổ chức 2 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các chức sắc, chức việc tôn giáo trên các địa bàn và đến nay đã tổ chức được 14 lớp.

Đối với công tác huấn luyện, người đứng đầu Cục DQTV cho biết, huấn luyện DQTV hàng năm được quy định cụ thể trong Luật DQTV như: Dân quân thường trực sẽ huấn luyện 60 ngày/năm; dân quân cơ động huấn luyện 15 ngày/năm; dân quân năm thứ 2 trở đi huấn luyện 12 ngày/năm; dân quân rộng rãi, tại chỗ sẽ huấn luyện theo đợt 7 ngày/năm.

Theo Thiếu tướng Phạm Quang Ngân, hiện nay với kết quả xây dựng và huấn luyện, có thể khẳng định khi có tình huống xảy ra trên địa bàn thì lực lượng DQTV hoạt động sẽ có hiệu quả và đủ điều kiện để hoàn thành các nhiệm vụ được giao như: chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, phối hợp để giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn hay công tác phòng chống thiên tại, khắc phục hậu quả thiên tai,…

“DQTV là lực lượng đầu tiên để huy động làm nhiệm vụ ở địa phương. Khi chiến tranh xảy ra, DQTV là lực lượng đầu tiên nổ súng để bảo vệ địa phương, địa bàn cơ sở và tạo thế cho lực lượng chủ lực tác chiến trên địa bàn. Còn đối với thời bình, DQTV là lực lượng đầu tiên được huy động phối hợp với bộ đội chủ lực tham gia các nhiệm vụ như khắc phục hậu quả thiên tai, giữ vững an ninh chính trị, an ninh trật tự trên địa bàn hoặc tham gia nhiệm vụ phát triển kinh tế. Thực tế cũng khẳng định DQTV là lực lượng được cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao, được bà con nhân dân tin cậy” - Thiếu tướng Phạm Quang Ngân cho biết.

Về xây dựng lực lượng DQTV, Thiếu tướng Phạm Quang Ngân chia sẻ, phương châm xây dựng lực lượng DQTV là vững mạnh - rộng khắp, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, phải chú trọng phát triển lực lượng DQTV ở các địa bàn biên giới hải đảo, khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh, những địa bàn khó khăn.

Hiện nay, tổng số lượng DQTV trên cả nước khoảng 1,5 triệu người, chiếm 1,4% dân số. Trong đó, tỷ lệ DQTV là đảng viên chiếm 24%.

“Cục DQTV đã phối hợp chỉ đạo các địa phương xây dựng có tổ chức quy mô DQTV phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ từng địa bàn. Trong đó, xây dựng đối với cấp thôn phải có lực lượng dân quân tại chỗ, cấp xã phải có trung đội cơ động. Đối với cấp huyện thì căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng tùy từng địa bàn có thể xây dựng tiểu đội cho đến trung đội dân quân thường trực, đại đội dân quân pháo phòng không, các trung đội dân quân 12 ly 7, dân quân công binh, y tế, trinh sát,…để đảm bảo cho yêu cầu nhiệm vụ” – Thiếu tướng Phạm Quang Ngân cho biết.

“Khi có chiến tranh, dân quân tự vệ là lực lượng đầu tiên nổ súng” - 2

Lực lượng DQTV Quảng Ninh huấn luyện bắn súng.

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân nhấn mạnh, Cục DQTV đặc biệt chú ý xây dựng một số mô hình mới như: xây dựng hải đội dân quân biển, xây dựng các chốt dân quân ở tuyến biên giới đất liền gắn với điểm dân cư để tạo “phên dậu” vững chắc bảo vệ biên giới.

Một nội dung nữa Cục trưởng Cục DQTV chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí trong cuộc trò chuyện, đó là: Đối với lực lượng tự vệ đã xây dựng được một số mô hình tự vệ ở các loại hình doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số loại hình DN vừa làm vừa nghiên cứu.

“Xây dựng mô hình tự vệ ở các DN có 100% vốn nước ngoài, các DN tư nhân không hề đơn giản. Chính vì vậy, Luật DQTV 2019 có quy định 1 điều là “điều kiện tổ chức tự vệ trong DN”. Bởi trong điều kiện tình hình hiện nay, DQTV là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, mà đã là LLVT thì yêu cầu phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên rất cần thiết phải đặt ra điều kiện xây dựng tổ chức tự vệ trong DN. Một số DN FDI nếu mình không có điều kiện ràng buộc về vấn đề này thì người ta tự tổ chức lực lượng tự vệ trong công ty, người ta làm gì mình không biết được thì không ổn” – Thiếu tướng Phạm Quang Ngân nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ Quốc phòng giao Cục DQTV là cơ quan thường trực của công tác quốc phòng Bộ, ngành Trung ương và địa phương. Cục DQTV đã chỉ đạo xây dựng và kiện toàn được 67 Bộ, ngành Trung ương đều có Ban Chỉ huy quân sự; trong đó, Thứ trưởng hoặc Phó Bí thư Đảng ủy các đơn vị này sẽ tham gia vào Ban Chỉ huy quân sự nơi mình công tác;…

Nguyễn Dương