Quảng Nam:

Khám phá khu rừng hàng ngàn “cụ” pơmu cổ thụ trên đỉnh Trường Sơn

(Dân trí) - Trước đây, để đến được với "vương quốc pơmu" độc nhất vô nhị này phải đi bộ cả ngày đường với nhiều hiểm nguy. Nay chỉ cần vài tiếng là có thể khám phá hết quần thể pơmu này giữa đại ngàn Trường Sơn.

Để đến với vùng rừng có quần thể pơmu hiếm có trên đỉnh Trường Sơn, từ trung tâm huyện lỵ Tây Giang (Quảng Nam) đi khoảng 30km là đến trung tâm xã Axan. Gần trung tâm xã Axan có trạm bảo vệ rừng Axan thuộc BQL rừng phòng hộ Bắc Sông Bung rồi rẽ trái. Từ đây, vào trung tâm vùng lõi của vườn pơmu gần 6km. Tuy nhiên, đường rất khó đi. Nếu trời mưa thì đành chịu, còn bình thường chỉ có xe ô tô 2 cầu mới “bò” được vào nhưng cũng phải tốn gần 1 giờ đồng hồ cho gần 6km.

Con đường dẫn vào vùng lõi rừng pơmu
Con đường dẫn vào vùng lõi rừng pơmu

Tại vùng lõi của khu rừng pơmu, huyện Tây Giang đã đầu tư xây dựng một số nhà rông để phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và là nơi ăn nghỉ cho du khách muốn khám phá rừng pơmu này.

Khu nhà được dựng lên để phục vụ nghiên cứu và du lịch ở vùng lõi rừng
Khu nhà được dựng lên để phục vụ nghiên cứu và du lịch ở vùng lõi rừng

Sau một đêm ngủ giữa rừng già với tiếng thú, tiếng mưa rừng…, trời còn chưa sáng hẳn, ông Bí thư huyện Tây Giang Bh’riu Liếc đã giục mọi người dậy để ông dẫn đường đi khám phá rừng pơmu có một không hai với hơn 700 cây cổ thụ vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam.

Con đường mòn đi vào nơi có nhiều cây pơmu cổ thụ
Con đường mòn đi vào nơi có nhiều cây pơmu cổ thụ

Ông thông báo, từ vùng lõi này nếu ai có sức khỏe kém thì đi đoạn đường rừng khoảng 45 phút, ai khá hơn thì đi đoạn đường hơn 1 tiếng, còn ai có sức khỏe dẻo dai thì đi 2 tiếng sẽ khám phá hầu hết các “cụ pơmu” trong khu rừng này.

Khu rừng nguyên sinh, nơi cây pơmu đang phát triển tốt
Khu rừng nguyên sinh, nơi cây pơmu đang phát triển tốt

Ông cũng thông báo, quần thể pơmu rộng trên 4 ngàn ha, trong đó vùng lõi có diện tích trên 400 ha. Ở vùng lõi này có nhiều cây pơmu to đến gần 10 người ôm và có những cây pơmu với những hình thù kì dị…

Con đường dẫn đến các cây pơmu cổ thụ trên đỉnh Trường Sơn

Với một người đã thường đi rừng như ông Bí thư huyện thì cứ quần lửng áo phông băng băng mà đi, còn với những người nghiệp dư đi rừng thì phải chuẩn bị đủ thứ, trong đó không thể thiếu dụng cụ chống vắt rừng và cây gậy giúp sức.

Trong khi ông Bí thư huyện cứ dép lê quần lửng băng băng đi về khu rừng có các cây pơmu cổ thụ thì “đám nghiệp dư” phía sau phải rất vất vả để “bò” qua từng vạt rừng, từng con suối nhỏ… Nhiều lúc, chân cứng đơ không thể nhấc nổi lên một cây cổ thụ ngã nằm vắt ngang đường đi.


Ánh nắng mặt trời xuyên qua cánh rừng

Ánh nắng mặt trời xuyên qua cánh rừng

7 giờ sáng, đoàn khám phá đã đi được một đoạn khá xa nhưng những cây pơ mu cổ thụ vẫn còn ở phía trước. Khu rừng già trong buổi sáng sớm mát lạnh, dù đã 7 giờ sáng nhưng mặt trời chưa thể xuyên thủng tán cây. Dưới chân, lớp lá cây và mùn dày làm bước chân êm như đi trên tấm nệm.

Vắt rừng là vật cản trở đáng kể trong chuyến khám phá rừng pơmu. Chỉ vài chục phúc sau khi xuất phát, nhiều người đã phải dừng lại để gỡ vắt đang bám chặt dưới chân và trên tay.

Khám phá khu rừng hàng ngàn “cụ” pơmu cổ thụ trên đỉnh Trường Sơn - 6
Pơmu được đánh số để theo dõi
Pơmu được đánh số để theo dõi

Khi mọi người đã thấm mệt thì “cụ pơmu” cổ thụ cũng hiện ra. Ông Bh’riu Liếc cho biết, nơi đây có độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển và bắt đầu vào vùng lõi có nhiều cây pơmu hàng trăm năm tuổi đang sinh trưởng tốt.

Một “cụ pơmu” khác có gốc xù xì và quái dị như một con voi to đến 8 người cùng ôm mới gần hết một vòng gốc.

Cây pơmu gần 10 người ôm
Cây pơmu gần 10 người ôm

Ông Bh’riu Liếc cho biết khu rừng pơmu này đã được khám khá khoảng gần 10 năm trước đây. Ông cũng rất nhiều lần đích thân đi đếm và đánh số các cây pơmu lớn để quản lý. Có tất cả trên 1.300 cây pơ mu có đường kính từ 10cm trở lên, còn những cây pơmu nhỏ và mới lớn thì không tính.

Bí thư huyện Tây Giang bên “cụ pơmu” hàng trăm năm tuổi
Bí thư huyện Tây Giang bên “cụ pơmu” hàng trăm năm tuổi

725 cây pơ mu vừa được công nhận là Cây Di sản đều là những cây cổ thụ có độ tuổi từ 250 năm đến 1.000 năm. Có những cây pơmu cao hàng chục mét, tán xòe rộng đến nỗi không nhìn thấy bầu trời xanh.

Hành trình khám phá rừng pơmu chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ nhưng ông Bh’riu Liếc cho biết nếu để tìm hiểu hết rừng pơmu này thì phải mất vài ngày mới đi hết.

Cán bộ kiểm lâm giới thiệu về cây pơmu cổ thụ

Ông Bh’riu Liếc cho biết để bảo vệ rừng pơmu này một cách hiệu quả, ông vận động người dân, già làng ở địa phương cùng nhau chăm sóc và trông coi, nếu không gắn việc bảo vệ rừng với người dân ở địa phương thì sẽ không bảo vệ được rừng pơmu này.

Ngày 10/5, huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã chính thức đón nhận bằng công nhận vườn cây pơmu là Cây Di sản Việt Nam do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao.

Đây là quần thể 725 cây pơmu có độ tuổi từ 250-1.000 năm nằm trên đỉnh núi Zi’liêng giáp ranh giữa 2 xã Axan và Tr’hy huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam.

Theo phong tục của đồng bào Cơtu, những cây to trong rừng hoặc là chỗ trú ngụ của thần linh hoặc là nơi linh hồn người chết trú ẩn. Việc chặt cây làm nhà phải có sự đồng ý của bản làng, phải làm lễ cúng để xin chặt cây. Người làng khác cũng không được xâm phạm phần đất, phần rừng của nhau theo ranh giới đã quy ước.

Công Bính