1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Khai tử” hơn 100 học sinh: Xã phải chịu trách nhiệm

Để được đến trường sớm, 118 em học sinh ở xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/xahoi/2007/3/170834.vip">bị gia đình “khai tử”</a>. Đây có phải là hệ quả của những quy định về độ tuổi nhập học quá cứng nhắc không?

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) về vấn đề này.

 

Thưa ông, 118 em đang sống ở xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi sẽ không đủ hồ sơ tham dự kỳ thi đại học năm nay bởi đã bị “khai tử” để được đi học sớm. Bộ GD-ĐT sẽ xử lý như thế nào?

 

Về phân cấp, việc này sẽ do địa phương giải quyết. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành quyết định xử lý.

 

Các gia đình nên có đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh để trình bày bản chất sự việc và nguyện vọng. Sở GD-ĐT sẽ tiếp nhận đơn rồi gửi UBND tỉnh.

 

Chúng ta phải đảm bảo cho các em được hưởng quyền lợi tốt nhất. “Con dại cái mang”, sự việc do xã làm thì cấp huyện cũng có liên đới, trong đó ngành giáo dục cũng phải cùng giúp đỡ để giải quyết.

 

Do quy định bắt buộc trẻ đủ 6 tuổi mới được vào lớp một, nên đã dẫn đến việc “khai tử” để đi học sớm. Nhưng có em chỉ vì sinh “muộn” hơn so với quy định một, vài ngày cũng phải chấp nhận học trễ một năm, như vậy có thiệt thòi không, thưa ông?

 

Điều 26 Luật Giáo dục quy định: Học sinh có thể học trước tuổi nếu phát triển sớm về trí tuệ; các trường hợp có thể học ở tuổi cao hơn quy định: học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, học sinh người dân tộc thiểu số; học sinh bị tàn tật, khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực và trí tuệ; học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh trong diện hộ đói nghèo theo quy định của nhà nước, học sinh ở nước ngoài về nước, học sinh lưu ban...

Quy định đó toàn thế giới áp dụng chứ không riêng ở Việt Nam. Cái đó là để đảm bảo sức khoẻ và sự phát triển trí tuệ của thế hệ trẻ. Có em sinh ngày 31/12, cũng có em sinh ngày 1/1 của năm sau thì tất nhiên phải là hai người hoàn toàn khác nhau.

 

Đây là những căn cứ khách quan theo mốc thời gian. Ví dụ như về hưu phải ở tuổi 60, hay 18 tuổi phải đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự.

 

Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân dẫn đến việc sửa đổi giấy khai sinh như ở Quảng Ngãi, mà là sai trong quá trình tiến hành công việc. Vì vậy, chính quyền xã phải chịu trách nhiệm.

 

Nếu cứ áp theo quy định như vậy, liệu có quá cứng nhắc, thưa ông?

 

Chính sách hiện nay đã cực kỳ mềm dẻo rồi, ví dụ như người đi học có thể học muộn hơn nếu là con em dân tộc, người từ nước ngoài về.

 

Trong trường hợp học sớm, quy định cũng dành cho những học sinh khoẻ mạnh, có năng khiếu và do Giám đốc Sở quyết định. Con tôi cũng đi học sớm hơn đấy và có gặp khó khăn gì đâu!

 

Xin cảm ơn ông.

 

Theo Đức Hiệp

VTCNews