Kết thúc hoạt động của 12 thanh tra bộ và cấp sở, huyện
(Dân trí) - Thủ tướng yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự thanh tra trên cơ sở kết thúc hoạt động 12 thanh tra bộ và 5 đơn vị cấp vụ của Thanh tra Chính phủ cùng thanh tra cấp sở, huyện.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 755 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả (Đề án).
Theo Quyết định, việc ban hành Kế hoạch nhằm mục đích thực hiện chủ trương, chỉ đạo, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án; đồng bộ với việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.
Việc này cũng nhằm xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện Đề án.

Thủ tướng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của Thanh tra Chính phủ trên cơ sở kết thúc hoạt động 12 thanh tra bộ và 5 đơn vị cấp vụ của Thanh tra Chính phủ (Ảnh: VGP).
Thủ tướng yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra, trong đó, cần xây dựng, trình cấp thẩm quyền ban hành các văn bản về tổ chức và hoạt động thanh tra.
Cụ thể, theo quyết định của Thủ tướng, các cơ quan cần trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Lần này, Thủ tướng định hướng sửa đổi, bãi bỏ quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra tại các luật chuyên ngành để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Thanh tra (sửa đổi), hoàn thành, trình Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 khóa XV.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục rút gọn, hoàn thành, trình Chính phủ để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 để có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Luật Thanh tra (sửa đổi).
Bên cạnh đó, theo quyết định của Thủ tướng, các cơ quan cần ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoàn thành đồng bộ với việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo Kế hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh cần sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của Thanh tra Chính phủ trên cơ sở kết thúc hoạt động 12 thanh tra bộ và 5 đơn vị cấp vụ của Thanh tra Chính phủ; hợp nhất Trường Cán bộ Thanh tra và Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện tiếp nhận, điều chuyển công chức làm công tác thanh tra của 12 thanh tra bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về các vụ, cục, đơn vị của Thanh tra Chính phủ.
Cùng với đó, theo lãnh đạo Chính phủ, cần bố trí, sắp xếp công chức các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ theo mô hình tổ chức mới; thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức trong quá trình sắp xếp theo quy định.
Thủ tướng định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự của thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thanh tra tỉnh) trên cơ sở kết thúc hoạt động thanh tra cấp huyện, thanh tra sở để tổ chức lại thành các tổ chức thuộc thanh tra tỉnh.
Kế hoạch cũng nêu rõ việc sắp xếp, bố trí trụ sở, cơ sở vật chất cho Thanh tra Chính phủ theo nguyên tắc sử dụng tối đa trụ sở, cơ sở vật chất hiện có của Thanh tra Chính phủ, đồng thời bố trí các trụ sở của cơ quan Nhà nước dôi dư sau sắp xếp theo Nghị quyết số 18 nhằm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
Trường hợp chưa sắp xếp, bố trí ngay được trụ sở các cơ quan Nhà nước dôi dư sau sắp xếp, Thủ tướng cho phép thuê trụ sở làm việc nhằm đảm bảo hoạt động thực hiện nhiệm vụ liên tục, không bị gián đoạn. Việc thuê trụ sở làm việc phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đối với thanh tra tỉnh, theo kế hoạch, sẽ được sắp xếp, bố trí trụ sở, cơ sở vật chất bảo đảm thực hiện nhiệm vụ liên tục, không bị gián đoạn.