1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kết luận rồi để đấy thì giám sát cũng như không!

(Dân trí) - “Kết luận rồi lại để đấy, đối tượng không chịu thực hiện thì giám sát cũng như không. Do vậy, tôi đề nghị cần phải quy định cụ thể thời gian thực hiện khi có kết luận, còn nếu không thì phải có chế tài xử lý”, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nói.

Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường Luật Hoạt động giám sát, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề liên quan đến thực hiện kết quả giám sát và lấy phiếu tín nhiệm.

Quy trách nhiệm hoạt động giám sát

Cho ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho rằng, thời gian qua việc thực hiện kết luận giám sát chưa cao. Điều đó ảnh hưởng đến chất lượng giám sát của đoàn Đại biểu Quốc hội cũng như HĐND các cấp. “Nếu kết luận giám sát rồi lại để đấy thì giám sát cũng như không”, đại biểu Đặng Thị Kim Chi đánh giá.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) lo ngại hoạt động giám sát không hiệu quả (Ảnh: Ngọc Châu)
Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) lo ngại hoạt động giám sát không hiệu quả (Ảnh: Ngọc Châu)

Để đảm bảo hoạt động giám sát đạt hiệu quả, đại biểu đoàn Phú Yên đề nghị cần quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chất lượng giám sát. Vì theo đại biểu nhiều trường hợp đoàn giám sát không chịu trách nhiệm liên quan đến chất lượng giám sát của mình. Bên cạnh quy định tính pháp lý hoạt động giám sát, đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn đơn vị chịu trách nhiệm giám sát và đơn vị thi hành kết luận giám sát.

“Không thể cứ để mãi tình trạng giám sát, kết luận xong rồi để đấy, không đơn vị nào thực hiện. Do đó, tôi đề nghị cần ấn định cụ thể hơn thời hạn thực hiện giám sát trong bao nhiêu ngày từ khi có kế luận. Còn nếu như không thực hiện phải có chế tài thực xử lý thế nào cho nghiêm”, đại biểu Đặng Thị Kim Chi nêu kiến nghị.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay chất lượng giám sát như thế nào, có phản ánh đúng thực tế hay không, có nêu đích danh đối tượng được giám sát hay không. Theo đại biểu, thực tế thời gian qua thường giám sát các vấn đề lớn của đất nước nhưng chất lượng, hiệu quả giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đại biểu Lê Văn Tân cũng nhận thấy nhiều kiến nghị của đoàn giám sát không biết bao giờ thực hiện xong nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm. Đại biểu nêu ví dụ như giám sát về vấn đề môi trường nhưng nhiều nơi còn ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Vấn đề thực phẩm bẩn có 3 bộ quản lý nhưng tình trạng này không có chuyển biến.

“Tôi thấy hoạt động giám sát hiệu quả chưa cao làm giảm lòng tin của cử tri. Lý do, chưa chỉ rõ tồn tại, chưa có quy định trách nhiệm người đứng đầu. Do vậy, cần quy định rõ hơn trách nhiệm người đứng đầu các ngành lĩnh vực trong việc thực hiện giám sát của Quốc hội”, đại biểu Lê Văn Tân chỉ rõ những tồn tại trong hoạt động giám sát.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định), Luật hoạt động giám sát của Quốc hội ra đời sẽ được đón nhận tích cực. Vị đại biểu này quan tâm tới việc Luật quy định chung chung hoạt động giám sát của HĐND các cấp và đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc phù hợp với từng mô hình tổ chức của HĐND địa phương.

“Đơn cử như việc giám sát HĐND cấp tỉnh xây dựng chương trình giám sát trong kỳ họp cuối của năm trước cho năm sau thì không có vấn đề gì nhưng với HĐND xã mà xây dựng chương trình giám sát từ năm trước để thực hiện cho năm sau thì e là không ổn, vì HĐND xã rất tức thì và dễ thay đổi, nảy sinh những vấn đề cụ thể hơn, khi đó xã không biết sẽ giám sát cái gì?” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn dẫn giải.

Nhiều phiếu tín nhiệm thấp là hi hữu

Đề cập đến vấn đề lấy phiếu tín nhiệm đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đánh giá, qua hai lần Quốc hội và HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu, tuy còn những ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung cử tri cả nước đánh giá rất cao kết quả, hiệu quả của hoạt động lấy phiếu tín nhiệm.

Trong phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Anh Sơn đặt vấn đề nên lấy phiếu tín nhiệm với không chỉ các chức danh do HĐND bầu mà nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị là thủ trưởng cơ quan đơn vị thuộc UBND.

Theo vị đại biểu này, qua nhiều lần thảo luận về Hiến pháp, thảo luận về chính quyền địa phương, ở các địa phương thì đại biểu HĐND và các cử tri đều đồng tình với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị là thủ trưởng cơ quan đơn vị thuộc UBND.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho ý kiến trước hội trường (Ảnh: Ngọc Châu)
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho ý kiến trước hội trường (Ảnh: Ngọc Châu)

“Lí do là thủ trưởng các cơ quan đơn vị thuộc UBND phải có trách nhiệm trước HĐND, trước nhân dân việc việc thực hiện các chính sách pháp luật của nhà nước, nghị quyết của HĐND. Hoạt động của các vị thủ trưởng này có tác động rất lớn đến tình hình kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân địa phương, vì vậy họ cần phải được đánh giá của người dân, thông qua đại diện của mình là đại biểu HĐND.

Hơn nữa, các vị thủ trưởng đơn vị cũng là đối tượng của hoạt động giám sát, nên đưa vào lấy phiếu tín nhiệm là bình thường. Ở trung ương các thủ trưởng là Bộ trưởng, là thành viên Chính phủ nhưng vẫn thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, còn ở địa phương các thủ trưởng đơn vị thuộc UBND mà không lấy phiếu tín nhiệm thì không hợp lí. Lấy phiếu tín nhiệm là kênh rất tốt để nhân dân giám sát cán bộ, là kênh để Đảng và Nhà nước đánh giá cán bộ” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho biết.

Cũng liên quan đến vấn đề lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) cho rằng quy định lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm nên quy định chi tiết và rõ ràng về thời điểm, thời giạn, quy trình trong Dự thảo Luật này, vì đây là dự thảo chuyên ngành về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Nhấn mạnh đến quy định bỏ phiếu tín nhiệm, theo đại biểu Thủy, Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm khi người được lấy phiếu tín nghiệm có 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá là mức tín nhiệm thấp, để đáp ứng quy định là làm việc tập thể và quyết định theo đa số thì quy định này là quá cao. Vì vậy, đại biểu e rằng không có tính khả thi, đề nghị sửa lại quy định là có từ 1/2 hoặc trên 50% đánh giá là mức tín nhiệm thấp thì trường hợp này phải xem xét lại thông qua hình thức bỏ phiếu tín nhiệm.

“Ngay khi làm luật đã lập ra hàng rào pháp lý, đặt ra 3 mức tín nhiệm là tín nhiệm cao - tín nhiệm - tín nhiệm thấp. Trường hợp có mức tín nhiệm thấp là hi hữu, nên trường hợp trên 50% đại biểu Quốc hội đánh giá là tín nhiệm thấp thì phải xem xét lại”, đại biểu Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, bỏ phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát rất quan trọng của đại biểu Quốc hội, cần có quy định cụ thể. Do vậy, theo ông Hùng nếu đại biểu Quốc hội không có quyền kiến nghị thì không thể có 20% số đại biểu kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm để Ủy ban Thường vụ xem xét đưa ra Quốc hội. Đại biểu Hùng đề nghị quy định cụ thể quyền giám sát là quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm.

Quang Phong - Như Quỳnh