Huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn: Chiến thắng màn tra tấn tàn độc!

(Dân trí) - Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 của dân tộc được đánh dấu bằng những trận đánh vang dội. Trong đó, đội biệt động Sài Gòn và cá nhân nữ giao liên Nguyễn Thị Mai đã xả thân trong những trận đánh đỏ lửa, máu nhuộn cánh đồng.

Huyền thoại nữ biệt động Sài Gòn: Lại những màn tra tấn tàn độc!
Ít ai ngờ rằng, người phụ nữ này đã từng lao qua "bão đạn" dẫn đường cho quân cách mạng, từng chịu những trận đòn thù, tra tấn dã man của địch

Mở đường giữa “bão đạn”

Tháng 8/1968, do di chứng bị tra khảo tái phát, Mai đau nặng phải nằm viện điều trị. Bên ngoài, đồng đội của Mai đang gấp rút chuẩn bị cho những trận đánh lớn khiến cô như ngồi trên đống lửa. Nhiều lần năn nỉ xin được ra trận, Mai cũng được cụm trưởng Ba Tâm viết thư bảo lãnh, gửi vào bệnh viện cho Mai để được ra ngoài hành quân.

Rời bệnh viện, Mai đi cùng Tiểu đoàn 8, Sư 9 hành quân từ biên giới Campuchia, đánh vào đài Rada Phú Lâm rồi “dọn đường” về ngã tư Bảy Hiền theo kế hoạch. Trên đường hành quân không ít tổ do thiếu kinh nghiệm đã bị lọt vào vòng vây Tân Tạo (Bình Chánh) - nơi địch chiếm giữ với lực lượng khá dày. Trong một giờ, Mai triển khai cho các tổ tiến hành đào hầm công sự ém quân để bảo toàn lực lượng chờ thời cơ hành động. Mặt khác, tổ còn lại làm nhiệm vụ mở đường cho từng tiểu đội đi qua.

Pháo địch dội tứ phía, các tiểu đội không thể hành động đúng theo kế hoạch, lúc này anh tân binh còn khá trẻ tuổi quyết định xung phong mở đường. Vừa ra, anh đã bị thương ở bụng. Lập tức, Mai lao ra giữa làn đạn đến với đồng đội đang bị thương, Mai xé khăn rằn quấn ngang hông, cho thuốc cầm máu và đẩy anh tân binh vào miệng hàm ếch của hầm công sự.

Ngoài kia, địch phát hiện vị trí của quân ta đang ẩn nấp nên tiếp tục mở đợt tấn công. Mai huy động các tiểu đội mang trái nổ đến gài ở miệng hầm chờ địch tiến vào sẽ cho nổ cả hai bên cùng chết. Ở một hướng khác, hỏa lực của ta cũng đã vào trận, nhờ vậy chúng không dám tấn công. Khi chiếc máy bay chở lính rút khỏi căn cứ vừa cất cánh ở độ cao khoảng 100 mét, nó còn thả xuống một trái nổ. Cơn mưa ầm ào đổ xuống, tiểu đoàn rút ra Tân Nhựt (Bình Chánh), được người dân địa phương chiêu đãi bánh trái, lúc đó mọi người mới biết hôm ấy là mùng 5/5.

Bị bao vây trong “mưa đạn” trên cánh đồng Tân Tạo, vào sinh ra tử, ngâm mình trong sình lầy nhiều ngày, tưởng chừng đã làm kiệt sức cô giao liên Nguyễn Thị Mai. Nhưng không! Mai vẫn tràn đầy lòng nhiệt huyết chiến đấu, vẫn xung phong dẫn đầu, mở đường cho cánh quân tiến vào thành phố.

Với địch, thất thủ trong trận đánh trên cánh đồng Tân Tạo, bọn chúng điên cuồng, điều thêm viện binh với khí giới hiện đại phản công ác liệt, đánh chiếm từng vị trí mà quân ta chiếm đóng được trước đó. Giữa tình thế nguy cấp, bị địch bao vây, phục kích tại ngã tư Bảy Hiền, Mai cùng đồng đội trong đội biệt động thau nhau chắm sóc thương binh, đưa họ xuống hầm trú ẩn an toàn.

Cùng khoảng thời gian này, Mai chuyển thành công nhiều xe vũ khí tập kết tại nhà bà Nguyễn Thị Nhị ở Ông Tạ; nhà chị Ba Việt ở ngã ba Cây Quéo và đưa hàng chục chiến sĩ giải phóng đến các cơ sở cách mạng để ẩn náu, phục vụ cách mạng. Tuy nhiên, số phận nữ giao liên Nguyễn Thị Mai một lần nữa rơi vào cảnh sống không bằng chết khi bị địch bắt.

Rơi vào “hang cọp”

Năm 1969, Mai vinh dự được mời dự Đại hội Chiến sĩ thi đua miền và được bà Nguyễn Thị Định tặng khẩu súng K54. Cũng trong năm này, sau khi kết thúc khóa học quân sự ở R, Mai xuống Sài Gòn hoạt động cách mạng thì bị lại bị bắt. Lần đó, Mai đưa tân binh về căn cứ thì bị người cùng Chi bộ, là trung đoàn trưởng chiêu hồi chỉ điểm. Bắt được Mai, bọn chúng giải ngay Mai về Biệt khu Thủ đô, nơi đây cũng khét tiếng bởi những đòn tra tấn hiểm độc chẳng khác gì ở bốt Hàng Keo và Tổng Nha Cảnh Sát.

Mục đích của chúng là tra ra tổ chức, cở sở cách mạng, cán bộ chỉ huy của ta. Biện pháp lấy lời khai thì không từ một thủ đoạn nào. Cái chiêu đổ nước xà bông ở Biệt khu Thủ đô thì hầu như không chừa một Việt cộng nào từng vào đây. Một xô nước xà bông ngàu bọt được đặt ngay trước mặt Mai, chúng cột chặt toàn thân Mai vào một tấm gỗ. Miệng thằng cai ngục tít lên: “Hôm nay mày không khai, tao cho mày uống hết chỗ nước này”.

Mai vẫn chối bay tất cả, thằng cai tù lao đến bịt miếng vải kín mặt Mai, cái vòi nước xà bông giội lên miếng vải từ từ, há miệng, mũi ra thở thì phải nuốt nước xà bông vào bụng. Cứ thế, màn tra tấn kèo dài cho đến khi bụng Mai trương phềnh lên. Mai như sắp chết ngạt vì xót, đau đớn, toàn thân như muốn vỡ tung thành từng mảnh, bụng đầy nước xà bông đang như cồn gan, cắt ruột. Tên “đồ tể” còn dùng chân đạp cật lực lên bụng Mai, nước xà bông trào ngược, phụt ra từ miệng, mũi Mai.

Tiếp đến, chúng bắt Mai đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng vào đèn xe hơi. Chịu không thấu, nước mắt chảy ròng ròng, chúng bắt Mai đứng dậy, tiếp tục pha đèn hàng giờ. Thằng tra khảo hét thất thanh: “Mày chỉ cơ sở và lãnh đạo của mày, tao sẽ khoan hồng”. Thấy chẳng lay chuyển được người con gái kiên cường, cuối cùng chúng để Mai ngồi lên ghế còng tay, sải hai chân ra và quấn giẻ tẩm xăng vào chân phải để đốt.

Chỉ hai can loại 10 lít đặt gần đó, mặt tên cảnh sát hầm hầm gằn giọng: “Nếu không khai tao tưới xăng, mày sẽ cháy thành tro”. Ngọn lửa dưới chân Mai đang bốc cháy dữ dội. Mai giả vờ yếu ớt: “Ông mở còng đi, tôi sẽ khai ngay”. Hắn cười khoái trá bước đến mở. Nhanh như cắt Mai đưa chân phải chích vào chân trái cho lửa cháy to hơn và đứng dậy bê can xăng, hai mắt mở to can đảm nhìn thẳng vào mặt hắn mở nắp cho đổ tràn lan. Can còn lại Mai tưới lên người mình để cả hai cùng chết cháy.

Đâu ngờ, đó là hai can nước lạnh chúng mang ra để dọa Mai. Mai bị một trận đòn chí tử trước khi về lại Trại giam Thủ Đức. Hai chân Mai bị bỏng nặng, lột da và lòi xương. Một lần nữa, ý chí sắt đá và sự khéo léo của Mai đã buộc chúng phải kết thúc hồ sơ tại Bộ tổng tham mưu với án mù (không thể kết án).

Cả 3 lần bị địch bắt giam, Mai bị địch tra tấn hết sức dã man, tàn khốc nhưng đều không thể kết án. Mai không chỉ chiến thắng kẻ thù bằng ý chí, bằng tinh thần bất khuất, hy sinh mà chiến thắng bằng sự thông minh khôn khéo, ứng phó tài tình.

Sau chuỗi ngày sống cảnh “địa ngục trần gian”, “con thoi sắt” Nguyễn Thị Mai trở về cuộc sống đời thường với ước mơ, khao khát cháy bỏng có một gia đình, được làm vợ, làm mẹ như bao người con gái khác. Và con đường đến với hạnh phúc của nữ biệt động Sài Gòn như một câu chuyện cổ tích bình dị.

Còn tiếp…

Trung Kiên – Xuân Hinh