Hướng dẫn viên du lịch 81 tuổi
(Dân trí) - Hơn 80 tuổi, đêm đêm vẫn tới các khách sạn giới thiệu về các nghi lễ của triều đình, các món ăn của vua chúa, các lễ nghi trong cơm vua; vẫn dẫn nhiều đoàn khách nước ngoài đến các đình đài lăng miếu… Đó là “cụ hướng dẫn viên” Nguyễn Phước Bảo Hiền.
Đó là một cụ ông tóc đã bạc, tiếng nói nhỏ, đi đứng cũng chậm chạp, tên Nguyễn Phước Bảo Hiền, là hoàng tử thứ 13 của vua Thành Thái; theo cách gọi xưa, cụ được mọi người gọi là mệ.
Đưa văn hóa Việt đến với du khách nước ngoài
7h tối, hơn 100 bá quan văn võ tập trung ở phòng ngự thiện để được thưởng thức buổi cơm vua thân mật. Từ phòng thay đồ, phường bát âm kèn trống, sáo nhị khua vang rầm rĩ rước vua cùng hoàng hậu tới nơi ngự thiện. Phía sau đức vua là đoàn “tuỳ tùng” với đầy lọng, quạt, cờ xí và những người hầu kẻ hạ. Vua và hoàng hậu ngự lãm trên một bàn ăn sang trọng chạm rồng, phía tả và hữu có đông người hầu hạ.
Mệ Hiền trong trang phục màu xanh của vị thân thần ngày xưa, kính cẩn nghiêng mình trước bách quan, giọng xướng bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp rõ ràng: “Hôm nay các vị khách quý được vinh dự trong vai các hoàng hậu, vương phi, tôn nữ, hoàng tử và những văn võ bá quan cùng các người bạn hải ngoại trong buổi lễ cơm vua để thưởng thức các món ăn sơn hào hải vị được chế biến theo phong cách của những thời vua chúa”.
Sau cử chỉ đưa ngón tay đặt giữa miệng để bảo các “quần thần” im lặng, mệ hô to: “Tấn đệ ngự tửu” - ngay lập tức đám người hầu lần lượt rót rượu cho vua và hoàng hậu...
Những bài dân ca xứ Huế như chầu văn, nam ai nam bằng, tương tư, điệu lý… được các ca kỹ điêu luyện thể hiện khiến không cảnh cung đình ngày xưa càng như hiện về rõ mồn một.
Đó là một buổi tiệc cơm vua tại khách sạn Xanh Huế, nơi các vưong phi, hoàng tử là những nhân viên của khách sạn, còn các vị văn võ bá quan chính là những vị khách nước ngoài.
Trên mỗi bàn tiệc có nem công chả phượng, vi cá, bào ngư, rồi các món ăn dân dã như gà tần, cá hấp, gà quay nguyên con, chả nướng, bồ câu hầm, ngỗng quay mỗi thứ được chế biến theo thời vua chúa. Mệ Hiền ghé tai tôi, bảo: “Thời vua chúa trên các bàn ăn phải có 108 món đó là những sơn hào hải vị mà các địa phương cúng nạp cho vua nhưng bây giờ chỉ có 9 món tượng trưng thôi”.
| ||
Mệ Hiền (áo xanh) trong một buổi giới thiệu cơm vua. (Ảnh: Hạnh Phúc) |
Tranh thủ bữa tiệc, nhiều vị khách hỏi mệ về các cử chỉ, những trang phục, những món ăn truyền thống, rồi có vị khách hỏi mệ về các thời vua chúa Việt Nam, các lăng tẩm xứ Huế... Cũng mất chừng một tiếng đồng hồ mệ mới giới thiệu hết cho tất cả mọi người.
21h, buổi cơm vua kết thúc, mệ Hiền nhanh chóng thay đồ, đi nhanh qua đường bắt xe ôm về nghỉ ngơi. “Mấy hôm ni khách ít nên được nghỉ sớm, chứ có đêm phải tới 2h sáng”, mệ than.
“Tui làm theo thư của Hồ Chủ Tịch”
Mệ Bảo Hiền sinh năm 1926, thuở nhỏ sống với bà nội và 22 phi tần của nhà vua. Lúc nhỏ, Bảo Hiền phải theo hầu tráp điếu cho các cụ Ưng Lê, Bảo Thạch trong bộ Lễ nên thường xuyên được vào cung điện, được xem những buổi tiệc ăn uống, những lễ nghi chốn cung đình.
“Sự nghiệp” hướng dẫn viên trong các buổi cơm vua của mệ bắt đầu từ khi Nhà nước mở cửa việc giới thiệu nghi lễ cung đình Huế với du khách. Mệ tâm sự: “Hồi đầu mới làm thấy vui lắm nhưng chừ hầu như nhà hàng, khách sạn mô cũng làm thành ra không mấy thú vị cho khách. Còn những người làm cái việc như tui dù mới học sơ qua cũng làm được nên các lễ nghi cái đúng cái sai”.
Nhưng nhờ những hiểu biết của mệ về những phong tục cũng như lịch sử các thời vua chúa xứ Huế nên các đoàn du khách mỗi lần đến Huế đều cậy nhờ mệ làm hướng dẫn viên. “Tui cũng muốn giới thiệu những nét văn hoá của dân tộc cho bạn bè thế giới biết nhưng vì không có thời gian nên không thường xuyên đi được”.
Mệ Bảo Hiền sống trong một căn phòng nhỏ khép mình bên An Lăng, nơi thờ cúng ba vị vua yêu nước. “Từ khi Nhà nước vào tiếp quản và trùng tu di tích này thì tui lui xuống đây ở cho tiện”. Mệ Hiền có 10 người con, hầu hết đều làm nghề may thêu những bộ trang phục của thời vua chúa; theo mệ đó là một công việc vừa kiếm sống cho các con vừa bảo tồn những nét văn hoá của dân tộc.
Nhấp ly trà đắng, mệ khề khà kể về thời gian bị giặc Pháp chiếm đóng An Lăng, gia tộc mệ mỗi người ly tán một phương; mình mệ ở lại lo nhang khói cho ông bà và trở thành “tay trong” của cách mạng. “Bom đạn sợ tui chứ tui không sợ nó, dù sống với Pháp nhưng tui không phải theo Pháp, đó là truyền thống của dòng tộc và của tổ tiên nước Việt”.
Chiều tàn, những giọt nắng yếu ớt của mùa đông khiến cho khung cảnh An Lăng thêm phần yên tĩnh. Nhấp tiếp chén trà, giọng mệ buồn buồn: “Trong những năm tháng Pháp chiếm đóng, chính tay tui đã chôn cất không biết bao nhiêu liệt sĩ của ta ngã xuống ở xung quanh đây, đã hơn nữa thế kỷ trôi qua rồi nhưng đến giờ vẫn còn nhiều người nằm lại đó. Chăm sóc lăng tẩm các vị vua yêu nước khổng chỉ là bổn phận của con cháu cùng dòng tộc mà là một cách yêu nước và theo lời căn dặn của Hồ Chủ Tịch trong lá thư gửi tui vào năm 1945, rằng: “Chúng ta tiếp tục kế thừa sự nghiệp của các vị vua yêu nước”.
Quang Tám - Hạnh Phúc