Họp HĐND TPHCM: Đại biểu "rùng mình" khi nói về hậu quả của ma túy đá

(Dân trí) - Phát biểu tại nghị trường, nhiều đại biểu HĐND TPHCM bày tỏ sự lo ngại sâu sắc đối với hậu quả của ma túy đá gây ra. Vì ma túy đá mà có quá nhiều vụ án thảm khốc đã xảy ra.

Hậu quả của ma túy quá ghê gớm!

Theo Công an TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, Công an TPHCM đã phát hiện và bắt hơn 910 vụ với khoảng 1.890 đối tượng, thu giữ trên 315 kg heroin và trên 1.165 kg ma túy tổng hợp. Trong đó có 2 vụ người nước ngoài vận chuyển ma tuý với số lượng cực lớn (1 vụ 300kg heroin và 1 vụ 1,1 tấn ma tuý tổng hợp).

Cũng theo Công an TPHCM, hiện địa bàn thành phố có 24.150 người nghiện có hồ sơ quản lý (10.750 người ở cộng đồng), tăng 280 người so với cùng kỳ năm 2018. Trong số 24 quận, huyện thì có 12 quận, huyện có tình hình ma tuý tăng.

Những con số thống kê trên khiến các đại biểu HĐND TPHCM rất lo ngại cho tình hình an ninh trật tự của thành phố vì ma túy là tác nhân dẫn đến nhiều loại hình tội phạm khác, đặc biệt là các án mạng đau lòng, giết người thân chỉ vì ảo giác do ma túy đá gây ra.

Họp HĐND TPHCM: Đại biểu rùng mình khi nói về hậu quả của ma túy đá - 1
Tình hình an ninh trật tự, án ma túy tăng cao là điều nhiều đại biểu lo ngại

Tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 15 HĐND TPHCM khóa VIII của tổ đại biểu số 3 vào chiều 11/7, đại biểu Lê Minh Đức (quận Thủ Đức) bức xúc: “Giám sát các nơi có thể thấy hậu quả của ma túy đá quá ghê gớm. Có gia đình mà người con lên cơn, người cha chưa kịp chạy đi cầu cứu thì người con đã hành hung, đâm chết nhiều người trong nhà. Hậu quả của nó quá đáng sợ!”

Theo đại biểu Lê Minh Đức, hiện tình trạng sử dụng ma túy đá ngày càng phổ biến, nhất là các vụ án ma túy vừa bị triệt phá mà số lượng lên đến hàng trăm kg thời gian qua cho thấy rõ điều này hơn. Ông cho rằng, hiện chế tài đối với người sử dụng ma túy đá còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, nhất là đối với người nghiện dưới 18 tuổi.

Đại biểu Lê Minh Đức nói: “Địa phương cần rà soát, quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng này, cần có chế tài mạnh mẽ hơn để hạn chế các vụ án đau lòng có thể xảy ra. Cần tăng cường tuyên truyền, nhất là trong giới học sinh. Bởi ma túy đá, bóng cười vẫn còn len lỏi đâu đó trong các trường học, các nhóm học sinh”.

Họp HĐND TPHCM: Đại biểu rùng mình khi nói về hậu quả của ma túy đá - 2
Đại biểu Lê Minh Đức đề nghị quản lý chặt chẽ hơn nhóm đối tượng nghiện ma túy đá và cần có chế tài mạnh tay hơn

Từ các vụ án đau lòng, đại biểu Lê Minh Đức bày tỏ 1 sự thực đau lòng khác là sự vô cảm của người dân. Ông nói: “Người ta ngó lơ dù hàng xóm mình đang bị tấn công. Người đi đường vô cảm với người bị nạn. Tôi mong các cơ quan truyền thông, báo chí phải có giải pháp tuyên truyền để khắc phục sự vô cảm này. Mong là khi du khách đến thành phố này thì điều đọng lại trong lòng họ là hình ảnh người dân thành phố thân thiện, nghĩa tình!”.

Quy hoạch vẫn còn làm khổ dân

Tại tổ thảo luận số 2, đại biểu Nguyễn Tấn Tuyến (Bình Chánh) thì nhắc lại nỗi khổ của người dân nằm trong các khu quy hoạch không phù hợp. Ông phản ánh cử tri bức xúc nhất là khi nhà đất rơi vào khu vực quy hoạch 4 loại đất là đất quy hoạch xây dựng mới, đất hỗn hợp, đất giáo dục và đất công viên cây xanh…

Đặc trưng chung khi đất của người dân rơi vào khu vực quy hoạch các loại đất này là không thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở để xây dựng nhà cửa, chia tách cho con cháu tạo lập nơi ở mới...

Họp HĐND TPHCM: Đại biểu rùng mình khi nói về hậu quả của ma túy đá - 3
Quy hoạch không hợp lý vẫn là nỗi khổ dai dẳng đối với người dân

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuyến bày tỏ: “Người dân rất bức xúc, chuyển mục đích xây dựng nhà cho con cũng không được . Quy hoạch rất nhiều năm rồi, sao không điều chỉnh cho phù hợp thực tế để cho bà con thuận lợi? Chỉ nói về công viên cây xanh, quy hoạch rất nhiều nhưng bao nhiêu quận huyện có? Treo đó chứ có làm đâu?”.

Trả lời đại biểu tại buổi thảo luận tổ, đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc cho biết là Sở đã có văn bản đề nghị TP cho phép người dân có đất trong khu quy hoạch đất xây dựng mới mà giấy tờ hợp lệ thì cho chuyển đổi để xây dựng nhà ở trong khi chưa có dự án đầu tư. TP cũng đã giao các sở nghiên cứu.

Tuy nhiên, đại biểu Trương Lâm Danh (chủ tọa tổ thảo luận số 2) “vặt” lại: “Sở đề xuất từ bao giờ? Đã thực hiện chưa? Vì chúng tôi đi giám sát thì đất quy hoạch xây dựng mới vẫn chưa được cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, người dân không xây dựng được”.

Lúc này, đại biểu Sở Quy hoạch kiến trúc cho biết là đã kiến nghị từ cuối năm ngoái nhưng được cho phép hay chưa thì... chờ xem lại. Còn về vấn đề điều chỉnh quy hoạch, vị này cho biết là từ năm 2016 đến nay, sở đã liên tục rà soát với các quận huyện để đánh giá tính khả thi của các quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp, trả lại chức năng khu dân cư cho các khu vực đông nhà ở. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận là tiến độ còn chậm.

Đại biểu Nguyễn Văn Đạt (quận Bình Tân) cũng phản ánh 8 đồ án điều chỉnh quy hoạch 1/2000 trên địa bàn quận đã làm từ năm 2017 đến nay nhưng vẫn chưa được duyệt. Ông bức xúc vì công tác điều chỉnh chậm chạp gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cả tình hình thu ngân sách địa phương.

Ông nói: “Điều chỉnh quy hoạch cũng góp phần thu ngân sách. Vì người dân chuyển đổi được mục đích sử dụng đất cũng đóng thuế, doanh nghiệp triển khai được dự án thì ngân sách cũng thu được thuế. Tôi đề nghị các sở liên quan cần đẩy nhanh công tác điều chỉnh quy hoạch sát thực với thực tiễn, làm cơ sở để quản lý tốt hơn, giải quyết khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Chứ giờ chậm thời gian nào là ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thời gian đó!”.

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn