Hòn đá “lạ” ở Đền Hùng: “Bỏ lọt” hồ sơ quản lý

(Dân trí) - Hòn đá “lạ” với nhiều chữ viết cổ và các họa tiết phức tạp đặt tại đền Thượng trong khu di tích lịch sử Đền Hùng đang gây xôn xao dư luận. Giám đốc Ban quản lý khẳng định, người tiền nhiệm đã "bỏ lọt" hồ sơ về hòn đá này.

Những ngày qua, dư luận xôn xao về một hòn đá “lạ” được đặt tại đền Thượng trong khu di tích lịch sử Đền Hùng. Có mặt tại đền Thượng, theo quan sát của chúng tôi, hòn đá “lạ” này được đặt tại góc trong cùng bên trái đền Thượng. Hòn đá có cao khoảng 50cm, bề rộng nhất khoảng 35cm, hình cánh buồm, được đặt trên bệ hình bát quái. Mặt trước và sau của hòn đá có nhiều ký tự cổ, dấu ấn vuông, họa tiết phức tạp, khó hiểu, trông như một lá bùa có 2 mặt.
 
Hòn đá lạ được đặt ở trong cùng bên trái đền Thượng.
Hòn đá "lạ" được đặt ở trong cùng bên trái đền Thượng.

Mặt trước của hòn đá hướng ra cửa đền Thượng có nhiều hình thù, họa tiết kỳ lạ. Một số ý kiến cho rằng đó là hình vẽ các chòm sao. Nhiều ý kiến khác lại cho rằng đó là trận đồ bát quái…

Mặt sau có một dấu ấn hình vuông, bên trái là một dòng chữ cổ. Nổi bật mặt sau là một chữ (hay hình vẽ) lớn màu đen.

Rất nhiều người dân đi lễ vây quanh hòn đá “lạ” này, xì xào bán tán. Có người đến gần, chạm tay vào hòn đá; có người đứng cạnh chụp ảnh; lại có người thận trọng chỉ  đứng từ xa quan sát.
 
Hình dáng hòn đá giống cánh buồm, ngự trên bệ hình bát quái.
Hình dáng hòn đá giống cánh buồm, "ngự" trên bệ hình bát quái.

Anh Trần Đăng Giang (26 tuổi, quê Nam Định) băn khăn: “Năm nào tôi cũng đi lễ Đền Hùng nhưng gần đây thấy trên mạng nói về hòn đá này tôi mới biết. Nhìn hình thù của nó thì có vẻ như đây là một lá bùa, nhưng không biết là bùa lành hay bùa dữ”.

Cũng trong tâm trạng lo lắng như anh Giang, anh Nguyễn Ngọc Hân (42 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cũng có học về chữ nho, song không thể hiểu hết những ký tự trên hòn đá này. Những người bạn đi cùng tôi cho rằng đây là một đạo bùa do người xấu yểm. Chắc chắn những  người quản lý và các nhà nghiên cứu phải làm rõ ý nghĩa của các ký tự cũng như của hòn đá để những người dân như chúng tôi yên tâm”.
 
Mặt trước hướng ra cửa với các hình vẽ khó hiểu.
Mặt trước hướng ra cửa với các hình vẽ khó hiểu.

Để làm rõ những nghi vấn của người dân về hòn đá “lạ” trong đền Thượng, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Các - Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Theo ông Các, khi ông về làm giám đốc tại đây (khoảng 2 năm trước), hòn đá này đã “ngự” trong đền Thượng.

Ông Các cho hay, khi có nhiều luồng ý kiến dư luận về hòn đá này, ông Các đã tìm hiểu lại hồ sơ các đồ vật được đặt tại đền Thượng. Lúc này, ông Các mới “giật mình” vì bất kỳ món đồ nào trong đền Thượng đều có hồ sơ quản lý, chỉ trừ hòn đá “lạ” này.
 
Mặt sau với dấu triện vuông bên trên, dòng chữ bên trái và ký tự lạ ở chính giữa.
Mặt sau với dấu triện vuông bên trên, dòng chữ bên trái và ký tự "lạ" ở chính giữa.

“Qua tìm hiểu tôi được biết, năm 2009, thời ông Nguyễn Tiến Khôi làm Giám đốc Ban quản lý, trong quá trình tôn tạo, tu sửa đền Thượng, có một nhà hảo tâm tên Khảm, kinh doanh đá quý ở Hà Nội, cung tiến vào đền” - ông Các thông tin.

Ông Các cũng khẳng định, mọi vật phẩm “có mặt” tại đền Thượng nói riêng và khu di tích lịch sử Đền Hùng nói chung đều phải được phép của Ban quản lý và phải có hồ sơ, chứ không thể tùy tiện muốn đặt đâu cũng được. Ông Các dẫn chứng rất nhiều doanh nghiệp, chính quyền các địa phương bày tỏ mong muốn trồng cây, cung tiến cặp nến khổng lồ… vào đền song đều bị từ chối vì nhiều lý do khác nhau, chủ yếu liên quan đến vấn đề linh thiêng của Đền Hùng.

“Hòn đá này hoàn toàn không có hồ sơ trong hồ sơ tu bổ đền Thượng” - ông Các nhấn mạnh.
 
Mặt sau với dấu triện vuông bên trên, dòng chữ bên trái và ký tự lạ ở chính giữa.
Ông Nguyễn Xuân Các, Giám đốc Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng khẳng định hòn đá "lạ" không có hồ sơ trong quá trình tôn tạo, tu sửa đền Thượng.

Vậy làm thế nào hòn đá “lạ” trên lại “lọt” được vào đền Thượng, hay chăng có một sự “đặc cách” cho vật cung tiến này?

Về những ký tự trên hòn đá, ông Các cho rằng, ông là người quản lý, không thể hiểu hết ý nghĩa của chúng. Ông Các đã báo cáo sự việc lên UBND tỉnh Phú Thọ, tỉnh cũng đã giao Ban quản lý nghiên cứu phương án, đề xuất hướng xử lý.

“Sau Quốc giỗ, chúng tôi sẽ thành lập hội đồng khoa học để nghiên cứu, đánh giá hòn đá này là như thế nào, ý nghĩa các ký tự ra sao, liệu đặt hòn đá tại vị trí đó có phù hợp không hay phải di dời…” - ông Các cho hay.

Cũng theo ông Các, ông Nguyễn Tiến Khôi - nguyên Giám đốc Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng - đã phải làm giải trình lên UBND tỉnh Phú Thọ về hòn đá này. Bước đầu, ông Khôi thừa nhận đã “cho phép” một người cung tiến hòn đá trên vào đền Thượng. Ông Các nói, việc “bỏ lọt” hồ sơ vật phẩm cung tiến này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa và cần làm rõ, truy trách nhiệm cụ thể.

Tiến Nguyên