Hơn 850.000 tỷ đồng nằm trong nhà đất, xe công

(Dân trí) - Báo cáo mới nhất về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của Chính phủ cho thấy, tổng giá trị đất, nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô và tài sản giá trị lớn của các cơ quan nhà nước là 856.800 tỷ đồng.

Trong đó, tài sản là quyền sử dụng đất chiếm 630.500 tỷ đồng, tài sản là nhà 182.600 tỷ đồng, tài sản là ô tô 18.200 tỷ đồng và các tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên chiếm 34.500 tỷ đồng.

Kiểm đếm từng loại tài sản chủ yếu, Chính phủ khái quát, đất đai giữ vai trò quan trọng nhất trong các loại tài sản của nhà nước. Tổng hợp quỹ đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện đang quản lý và sử dụng khoảng hơn 2.100 triệu m2, chiếm 72,82% tổng giá trị toàn bộ tài sản.

Hiện cả nước có 34.500 xe công.

Hiện cả nước có 34.500 xe công.

Tài sản là nhà chiếm vị trí thứ 2. Khác với đất đai, nhà chủ yếu được ngân sách nhà nước trực tiếp đầu tư xây dựng, mua sắm. Tổng quỹ nhà do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hiện đang quản lý, sử dụng trên 110 triệu m2. Con số 182.600 tỷ đồng tổng giá trị là nguyên giá theo sổ sách kế toán, chiếm 21% tổng giá trị tài sản nhà nước. Tổng giá trị còn lại theo sổ kế toán là trên 104.700 tỷ đồng, bằng 57,7% tổng nguyên giá.

Tổng số xe công hiện tại là 34.565 chiếc, quy đổi bằng 2,11% tổng giá trị tài sản nhà nước. Xe được phân bổ theo 3 nhóm đối tượng phục vụ.

Xe phục vụ các chức danh có tiêu chuẩn là 996 chiếc, chiếm 2,88% tổng số xe với nguyên giá 847 tỷ đồng.

Xe phục vụ công tác chung có gần 23.500 chiếc, chiếm 67,9% tổng số xe, với tổng giá trị là 11.800 tỷ đồng (chiếm 64,7% giá trị). Trong đó loại xe 4-5 chỗ có số lượng nhiều nhất.

Xe chuyên dùng có 10.097 chiếc, chiếm 29,2% tổng số xe với nguyên giá là 5.594 tỷ đồng, chiếm 30,6% giá trị.

Đánh giá về chất lượng, Chính phủ khẳng định, phần lớn xe ô tô công đã sử dụng quá nửa thời gian theo chế độ quy định.
 
Phân theo cấp quản lý, tài sản thuộc các Bộ, cơ quan TƯ quản lý là 222.000 tỷ đồng, tài sản thuộc địa phương quản lý là 644.000 tỷ đồng. Tỷ lệ tính ra, trong toàn bộ tài sản, phần do địa phương quản lý chiếm 74,33% về giá trị, 87,84% về số lượng. Tài sản do tư nhân quản lý chiếm 25,67% về giá trị, 12,16% về số lượng.

Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, khối đơn vị sự nghiệp sử dụng nhiều tài sản nhất, chiếm 64% tổng số hiện vật và 72,4% tổng giá trị. Khối các cơ quan nhà nước đứng thứ 2 và khối các tổ chức đứng thứ 3.

Tiền xây nhà tăng hợp lý, thêm xe vì… không thể đừng

Về tình hình tăng, giảm các tài sản trong năm 2012, Chính phủ báo cáo, tổng tài sản nằm trong nhà đất, xe công, tài sản giá trị lớn tăng 17.300 tỷ đồng, giảm 2.000 tỷ đồng.

Diện tích đất thuộc quyền sử dụng của các cơ quan nhà nước tăng thêm 1,8 triệu m2, giá trị 2.300 tỷ đồng trong năm qua. Diện tích đất tăng nhiều nhất là đất phục vụ hoạt động giáo dục, đất trụ sở…
 
Việc bộ ngành xây trụ sở mới bằng tiền bán, chuyển đổi trụ sở ở đất vàng được đánh giá là hợp lý.
Việc bộ ngành xây trụ sở mới bằng tiền bán, chuyển đổi trụ sở ở "đất vàng" được đánh giá là hợp lý.

Diện tích nhà cũng tăng thêm hơn 1,9 triệu m2 trong năm 2012 với tổng giá trị 9.500 tỷ đồng. Chính phủ dẫn giải thêm, trong số diện tích nhà tăng thêm của các Bộ, ngành TƯ là do thực hiện công tác xắp xếp, xử lý trụ sở làm việc theo hướng tập trung bằng nguồn tiền thu được từ bán, chuyển nhượng trụ sở làm việc cũ tại những vị trí có khả năng thương mại, khả năng chuyển đổi sang sử dụng vào mục đích có hiệu quả cao hơn.

Việc Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ TN-MT, Đại học Quốc gia TPHCM… chuyển đổi trụ sở mới được dẫn làm ví dụ.

Một năm qua, số xe công tăng thêm gần 2.400 chiếc với tổng giá trị 2.700 tỷ đồng, trong đó TƯ tăng 973 chiếc. Số xe quá tuổi gia nhập nhóm xe sử dụng trên 10 năm là 1.999 chiếc mặc dù trong năm 2012, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện thanh lý một số xe quá cũ. Việc mua sắm xe được giải thích, ngoài việc thay thế cho xe già cỗi, còn để bố trí cho một số chức danh có tiêu chuẩn mới được bổ nhiệm nhưng chưa có xe do yêu cầu tạm dừng mua sắm xe, tài sản trong năm 2011 để tiết kiệm chi thường xuyên theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Việc mua sắm thêm xe công, báo cáo khẳng định, đảm bảo phù hợp với mức giá quy định của Thủ tướng, đúng đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng.

Chính phủ cũng “than”, yêu cầu về nguồn kinh phí để thực hiện thay thế số xe quá tuổi đang ngày càng tạo sức ép lên ngân sách, cùng với việc mua sắm bổ sung cho các chức danh, các cơ quan, đơn vị chưa được bố trí xe ô tô để phục vụ công tác.

Các tài sản trị giá lớn (từ 500 triệu đồng trở lên) trong năm 2012 cũng tăng thêm 1.328 tài sản với tổng giá trị 2.700 tỷ đồng. Số lượng tài sản tăng thêm này được xác nhận là nhiều hơn mức giảm, đồng thời giá trị mua sắm cũng cao hơn so với trước đây.

Thời gian tới, Chính phủ “hứa” rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chế độ quy định; thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp chống thất thoát, lãng phí. Không bổ sung kinh phí ngoài dự toán được giao cho mục đích mua sắm xe ô tô và các nhiệm vụ không cần thiết, cấp bách. Kiểm soát chặt chẽ chi đầu tư xây dựng cơ bản; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là khoản chi mua xe công.

Đẩy mạnh thực hiện khoán xe công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; nghiên cứu, xây dựng mô hình tập trung xe công theo phạm vi cấp Bộ, ngành, tỉnh, huyện có trụ sở, địa bàn hoạt động tập trung nhằm sử dụng tối đa hiệu năng và tiết kiệm.

P.Thảo