Thanh Hóa:

Hơn 40 năm ăn nước nhiễm xăng

(Dân trí) - Hàng chục năm qua, hơn 40 hộ dân thôn Yên Ninh (xã Công Bình, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) phải sống chung với nguồn nước nhiễm xăng. Từ ao hồ, kênh mương cho đến nước giếng ăn của dân đều nồng nặc mùi xăng.

Thôn Yên Ninh hầu như nằm tách biệt với các thôn còn lại của xã Công Bình. Quanh thôn toàn núi rừng mênh mông bao bọc, chính vì địa thế “đắc địa” này mà trong những năm tháng chiến tranh, vùng đất này được chọn làm nơi cất giấu và trung chuyển xăng dầu. Đã có rất nhiều bồn chứa hàng ngàn lít xăng, trúng bom đạn của kẻ thù tràn xuống lòng đất để lại hậu quả nặng nề cho đến ngày nay.

Ô nhiễm vượt 2,65 lần cho phép

Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa vừa có văn báo cáo UBND tỉnh này về tình hình kiểm tra thực tế tình hình ô nhiễm xăng dầu tại thôn Yên Ninh, xã Công Bình. Trong báo cáo cho thấy việc nguồn nước ngầm ở đây nhiễm xăng, có mùi là chính xác, phân tích dầu mỡ trong nước giếng khoan vượt quy chuẩn cho phép 2,26 lần và không đảm bảo tiêu chuẩn dùng làm nước sinh hoạt.

“Sống chung” với nước nhiễm xăng

Đến thôn Yên Ninh, xã Công Bình vào thời điểm nào cũng cảm thấy ngột ngạt và khó chịu bởi mùi xăng, đi tới đâu người ta cũng dễ dàng nhìn thấy những ao, hồ, đồng ruộng nổi lềnh bềnh váng xăng. Ông Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Văn Hạnh buồn rầu cho biết: “Mùa này đỡ mùi hơn nhiều chứ vào mùa hè, người lạ đến đây thì không chịu nổi. Có ở đây mới thấy người dân bao năm sống khổ sở vô cùng”.

Váng xăng nổi đầy khắp đồng ruộng
Váng xăng nổi đầy khắp đồng ruộng
Váng xăng nổi đầy khắp đồng ruộng

Chỉ tay lên ngọn núi phía sau làng, ông Hạnh cho biết nơi đó chính là địa điểm đặt kho xăng của ta trong những năm tháng chiến tranh. Có rất nhiều bồn xăng và đường ống dẫn xăng đã bị máy bay địch ném bom trúng, khiến xăng tràn xuống lòng đất rồi theo mưa ngấm vào nguồn nước của dân.

Theo lời Bí thư chi bộ thôn Yên Ninh thì cả thôn hiện có 45 hộ với với 165 nhân khẩu, nhưng hầu như giếng nước nhà nào cũng bị nhiễm xăng. Trong đó có 20 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp và có 10 hộ dân phải đi gánh nước ăn mấy chục năm qua.

Ao nhà anh Nguyễn Thanh Tình đặc những váng xăng
Ao nhà anh Nguyễn Thanh Tình đặc những váng xăng

Sống ở nơi gần như bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi xăng, gia đình anh Nguyễn Thanh Tình đã mất hàng chục triệu đồng để đào giếng, khoan giếng nhưng bất thành. Vì cứ tìm thấy nguồn nước thì giếng sặc mùi xăng, không tài nào dùng được. Tương tự, gia đình nhà bà Vũ Thị Sen (65 tuổi), đã bỏ tiền ra khoan giếng nước sâu gần 100 m, nhưng khi bơm nước lên dùng thì nước đục lờ đờ, còn mùi xăng thì không ngửi được.

Ông Nguyễn Văn Quý, trưởng thôn Yên Ninh lo lắng: “Hiện trong thôn đã có 7 người chết vì ung thư và có nhiều trường hợp mắc căn bệnh này, còn bệnh viêm họng thì rất nhiều. Chúng tôi không dám khẳng định nguyên nhân do xăng gây ra, nhưng rất có thể bởi ngày trước kho xăng ở đây toàn xăng A72, loại xăng pha chì cực độc, có thể gây ung thư".

Dài cổ chờ nước sạch

Người dân nơi đây cho biết đã có rất nhiều đoàn kiểm tra của Phòng TN-MT, Sở TN-MT tỉnh Thanh Hóa về kiểm tra tình hình rồi lấy mẫu nước, đất đi xét nghiệm, phân tích nhưng đến nay cũng chẳng thấy có gì thay đổi. “Vì lo lắng nguồn nước nhiễm xăng ảnh hưởng đến sức khỏe, nên có rất nhiều hộ dân bỏ thôn đi nơi khác sinh sống” – bí thư chi bộ Nguyễn Văn Hạnh nói. Theo ông Hạnh, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh việc này tới cấp trên, nhưng tất cả vẫn chỉ là lời hứa.

Ông Nguyễn Thanh Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Công Bình xác nhận người dân đã nhiều lần kiến nghị về việc này. “Tuy nhiên ngoài tầm với của xã nên chúng tôi đã báo cáo lên cơ quan cấp trên. Vừa rồi Chủ tịch huyện đã về thị sát và nói sẽ đề nghị cấp trên hỗ trợ xây bể nước mưa cho dân, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai” – ông Chiến cho biết.

Chậu nước giếng được bí thư chi bộ thôn lấy lên đục ngầu, nồng nặc mùi xăng
Chậu nước giếng được bí thư chi bộ thôn lấy lên đục ngầu, nồng nặc mùi xăng

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, khẳng định trong thời gian tới sẽ tiến hành xây bể nước cho bà con nhân dân thôn Yên Ninh. “Khi nhận được kiến nghị của bà con, đích thân tôi cũng đã về thực tế và nhận thấy việc xây dựng nhà máy nước sạch và trạm bơm nước là không khả thi vì số dân quá ít, sẽ không đủ tiền, kinh phí xây dựng và vận hành máy. Phương án tối ưu nhất là xây dựng cho mỗi hộ dân một bể chứa nước khoảng 10 m3. UBND tỉnh cũng đã chấp thuận phương án này” – ông Thuấn nói.

Cũng theo ông Thuấn thì huyện cũng đang đề nghị cơ quan cấp trên tiếp tục đưa máy móc hiện đại về kiểm tra tổng thể để xác định xem mức độ độc hại của việc ô nhiễm xăng dầu đến đâu, nó chỉ có trong phạm vi thôn Yên Ninh hay còn lan sang một số thôn khác, để khuyến cáo người dân.

Bình Minh