Hơn 150.000 xe công nông, xe tự chế bị đình chỉ tham gia giao thông

(Dân trí) - Số lượng phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông này bao gồm xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh. Bộ GTVT cho biết đến năm 2020 sẽ không còn những loại phương tiện tự chế, không đảm bảo điều kiện an toàn.

Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý và hỗ trợ thay thế xe thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đức Thọ cho rằng các loại xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới 3 bánh và 4 bánh (xe không bảo đảm điều kiện an toàn) bị cấm đã góp phần tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ. Cùng với đó, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho chủ phương tiện bị đình chỉ bằng nguồn kinh phí gần 900.000 tỷ đồng.

Sau 6 năm triển khai chủ trương thay thế hoạt động xe công nông và đình chỉ hoạt động của xe thô sơ 3-4 bánh, mới chỉ có hơn 6/15.000 xe công nông, xe quá niên hạn sử dụng cùng hơn 130.000 xe 3 bánh được hỗ trợ chuyển đổi nghề. Theo nhìn nhận của Bộ GTVT, hiện nay số lượng xe cần phải đình chỉ hoạt động còn rất lớn, các phương tiện bị đình chỉ vẫn lén lút tham gia giao thông hoặc hoạt động công khai nhưng việc xử lý rất khó.

Xe công nông nằm trong nhóm phương tiện bị cấm tham gia giao thông, nhưng
Xe công nông nằm trong nhóm phương tiện bị cấm tham gia giao thông, nhưng người dân vẫn sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh (ảnh minh họa: Công Bính)

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt cho biết: Hiện cả nước mới có 8.995 xe đăng ký là những xe thuộc diện thí điểm chuyển đổi. Số phương tiện này chỉ là số nhỏ so với nhu cầu thực tế của người dân trong sản xuất, kinh doanh. Nếu các xe thuộc diện phục vụ cho việc chuyển đổi phù hợp hơn tôi dám chắc sẽ bán nhanh hơn cả xe đạp, xe máy điện (hiện có hơn 1 triệu xe) bởi đây là nhu cầu thiết thực của người dân.

Trong quá trình thực hiện chủ trương này vẫn còn bộc lộ những tồn tại ở một số địa phương trong công tác thống kê, báo cáo như: Bắc Kạn, Sơn La, Tây Ninh, Ninh Thuận và Hà Nội. Hiện tượng sử dụng xe vi phạm bị đình chỉ tham gia giao thông vẫn còn khá phổ biến ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa điều kiện chuyển đổi còn khó khăn.

Báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho thấy, từ thời điểm năm 2008 cả nước có 15.777 xe công nông tự chế cần phải loại bỏ, tuy nhiên việc hỗ trợ thanh thế từ năm 2008-2010 chỉ được thực hiện cho hơn 6.000 xe, như vậy còn tồn tại gần 10.000 xe công nông chưa được hỗ trợ thay thế, chưa kể số lượng xe do người dân tự chế phát sinh trong thời gian từ năm 2008 đến nay…

Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhìn nhận: Đây là nhóm phương tiện liên quan mật thiết đến người dân, đặc biệt là người nghèo, chính sách cần có phương tiện để mưu sinh nên việc chuyển đổi, tạm dừng hoạt động cần có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và có những sự hỗ trợ cần thiết. Làm sao để ổn định sản xuất của nông dân vì xe công nông, đầu kéo ở nông thôn rất nhiều. Để chấm dứt hoạt động của những xe cần một lộ trình thay thế.

Theo Thứ trưởng Thọ, thời gian tới các cơ quan như Bộ GTVT, Bộ Công an, Tài chính tham mưu cho Chính phủ để đưa lộ trình để dừng lưu thông trên đường. Thực hiện một số cơ chế chính sách chưa đáp ứng nhu cầu như chuyển đổi nghề nghiệp thế nào, huỷ phương tiện chứ không bán đấu giá, hỗ trợ tín dụng để đủ điều kiện mua phương tiện mới.

Để đạt hiệu quả tốt trong công tác này theo Thứ trưởng Thọ cần phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, tổng rà soát lại các phương tiện phải đình chỉ mà đang còn sau đó đưa ra giải pháp cụ thể cho từng địa phương, từng đối tượng.

“Bộ GTVT sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đăng kiểm. Quan trọng là có cơ chế chính sách kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chế tạo lắp ráp xe vận tải nhẹ có công năng phù hợp với điều kiện địa phương để vừa có phương tiện đi lại hoặc người nông dân có phương tiện sản xuất.

Đào tạo cấp giấy phép lái xe hạng A4, Bộ GTVT đã có chỉ đạo các Sở GTVT từ điều kiện nhu cầu ở địa phương đưa ra giải pháp phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người điều khiển, ở vùng sâu vùng xa được cấp bằng để điều khiển: - Thứ trưởng Thọ cho hay.

Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ những biện pháp thực hiện trong thời gian tới và đề xuất những giải pháp tiếp tục thực hiện trong khoảng 5 năm tới và 5 năm tiếp theo. Phấn đấu để đến năm 2020, nước ta cơ bản là nước công nghiệp và không còn những loại phương tiện tự chế, không đảm bảo điều kiện an toàn.

C.N.Q