Hối hả mưu sinh mùa Tết

(Dân trí) - Những tháng cận Tết, người ngoại tỉnh lại hối hả đổ về các thành phố lớn để mưu sinh kiếm tiền cho một mùa cuối năm chi tiêu đầy tốn kém. Thủ đô Hà Nội là một điểm đến “hấp dẫn”.

Bán sức lao động

 

Mới tờ mờ sáng, các khu vực chợ lao động như đầu chợ Bưởi, cổng chợ hoa Quản An, cầu Mai Động, gầm cầu vượt cạnh Đại học Sư phạm… đã rất đông người lao động đứng chờ việc. Họ chủ yếu là những nông dân các tỉnh nhân lúc nông nhàn, cuối năm lên thành phố tranh thủ lên Hà Nội kiếm thêm.

 

Chị Lê Thị Hà ở Kiêu Kỵ (Gia Lâm) kể: “Hầu như năm nào cận Tết tôi cũng đi làm thêm vài tháng để lấy tiền lo toan thêm cho Tết. Cứ 4 giờ sáng là tôi lại đạp xe vào khu vực cầu Mai Động chờ việc. Gặp việc gì làm việc đó, miễn sao có tiền…”. Chị Hà nói cuối năm có nhiều việc phù hợp với phụ nữ như dọn dẹp nhà cửa, bán hàng Tết,…

 

Anh Trần Văn Tám, quê Thanh Hoá, cũng mới ra Hà Nội được hơn tuần nay, chuyên đứng đợi việc ở khu vực Giáp Bát. Anh chia sẻ: “Nói chung việc gì em cũng làm, tất nhiên phải lương thiện, chân chính. Mấy bữa nay có nhiều người tới thuê đi đào đất, xây trát sửa sang lại nhà cửa. Công việc vất vả nhưng đồng tiền kiếm được cũng chỉ gọi là đủ sống qua ngày và tiết kiệm được đôi chút dành cho Tết”.
 

Hối hả mưu sinh mùa Tết - 1

"Chợ người" náo nhiệt những ngày cuối năm

Trong số những người tôi gặp có một người đàn ông đã ngoài 60 tuổi. Ông quê Hưng Yên, mới lên được hơn 10 ngày nay, và mới 6 hôm được thuê làm. Ông hy vọng từ giờ tới áp Tết mang được vài triệu về là may mắn lắm rồi…

 

Chấp nhận tha hương nhưng không phải ai cũng kiếm được việc làm. Chị Huệ, một người lao động thời vụ đứng đợi việc ở Quảng An, buồn bã: “Ngày nào cũng đứng đợi việc nhưng nhiều hôm đành về không. Cả chợ lao động có tới mấy chục người nên cũng chả khác nào đi câu”.

 

Những người bán sức lao động cho biết công việc thường vất vả nhưng bù lại, nếu có người thuê cũng kiếm kha khá, trên dưới 100 ngàn đồng một ngày. Anh Hà chia sẻ, ngày không kiếm được chỉ dám ăn suất cơm 7-10 ngàn đồng, ngày nào có việc mới dám ăn no.

 

Buôn bán mưu sinh

 

Tới những khu chợ đầu mối vào ban đêm những ngày này thấy lượng người mưu sinh buôn bán đông hơn hẳn. Chợ rau đầu mối đêm Dịch Vọng, người buôn bán nhỏ lẻ đổ về đây mua hàng rất đông. Bà Lan, chủ một sạp rau xanh, cho biết dịp gần Tết năm nào cũng vậy, người dân ngoại tỉnh đổ lên buôn rau nhiều lắm.

 

Với vốn liếng là chiếc xe đạp hoặc đôi quang gánh cùng vài trăm nghìn đồng, họ mua rau quả tại đây rồi túa đi các phố bán lẻ. Ngày may mắn cũng được vài chục ngàn đồng. Một chị bán rau tên Nga, quê Phú Thọ, nói đã 5 năm nay, cứ dịp cuối năm là chị lại khăn gói xuống Hà Nội thuê nhà buôn rau. Chị bảo buôn rau xanh cần vốn ít, lại cho thu nhập hàng ngày nên dễ tích cóp. Có điều để có tiền mang về quê cũng phải chịu khó thức khuya dậy sớm.

 

Chị Hảo, một người Bắc Giang thường thuê lại mặt bằng vỉa hè trước một nhà dân trong ngõ phố ở Cầu Giấy để buôn rau với giá 300.000 đồng/tháng. Chị cho biết mỗi ngày trừ chi phí rồi cũng để được hơn trăm ngàn đồng. Chị nói buôn bán cho thu nhập tốt nhưng chị chỉ đi được 2 tháng cuối năm thôi vì gia đình neo đơn, các cháu còn nhỏ, chồng lại mới mất…
 
Hối hả mưu sinh mùa Tết - 2

Chị em phụ nữ thường chọn những mặt hàng hoa quả, rong ruổi khắp ngõ ngách Hà Nội để kiếm Tết

 

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Lâm và chị Hà Thị Lan, quê Nam Định, thường lấy buôn hoa quả ở chợ đầu mối Long Biên rồi mang về chợ ngoại thành bán. Hôm nào anh Lâm cũng đèo 2-3 tạ hàng cho vợ bán; anh chị cùng tích cóp để tết đến con cái bằng bạn bằng bè. Anh chị buôn thời vụ mùa tết vì nhà còn mẹ già, con nhỏ, đồng ruộng không có người làm. Năm nào anh chị cũng chỉ tranh thủ vào hai tháng cuối năm.
 
Chị Thắm ở Kinh Môn (Hải Dương) lại chọn buôn hoa lụa, cây cảnh giả. Cất hàng từ Hàng Mã, Đồng Xuân, chị rong ruổi đi khắp Hà Nội bán, có khi ra cả Sóc Sơn, Mê Linh… Dịp này cách tết còn xa nên mặt hàng của chị chưa chạy lắm, chị Thắm hi vọng những ngày cận tết sẽ kiếm khá hơn.
 
Công việc buôn chậu cảnh và các loại nông thổ sản thường được cánh đàn ông chọn. Bác Tùng ở Thổ Tang, Vĩnh Phúc hàng ngày cất chậu gốm cảnh ở bến Bạc mang vào phố bán. Bác cho biết mặt hàng này đến khoảng 15 tháng Chạp trở đi sẽ đắt hàng… như tôm tươi.
 
Mải miết mưu sinh, có khi đến sát Tết, những người lao động nghèo mới sắp xếp về quê. Chị Hà Thị Nga buôn hoa, cây cảnh dạo cho biết “Năm nào em cũng phải buôn tới tận hết sáng 30 Tết mới bắt xe về quê. Nhiều năm chỉ buổi sáng 30 Tết mà thu nhập bằng cả tuần những ngày trước nên em phải cố…”.
 

Một mùa mưu sinh Tết của người lao động ngoại tỉnh đang bắt đầu. Đằng sau những giọt mồ hôi, những lo âu, bon chen nơi thành phố ẩn chứa biết bao trăn trở về một năm mới đầm ấm, sung túc.

                                                                               

Tuấn Anh