Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ

(Dân trí) - Sáng nay 30/7, tại TP Vinh (Nghệ An) đã xuất hiện mưa lớn trên diện rộng; nhiều tuyến đường bắt đầu có nguy cơ ngập. Những người dân ở chung cư xuống cấp nghiêm trọng C8, C9 Quang Trung hối hả di chuyển đến nơi an toàn.

Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 1
Chung cư C8 và C9 Quang Trung đã xuống cấp nghiêm trọng... (Ảnh: Nguyễn Duy)
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 2
... nên hơn 100 hộ dân ở đây đã được di tản tới nơi an toàn trước khi bão đổ bộ. (Ảnh: Điền Bắc)
 
Cơn mưa xối xả từ khoảng 4 giờ sáng nay gây ngập nhiều nơi ở TP Vinh. 109 hộ dân ở khu chung cư C8, C9 Quang Trung đã được ban vận động tiến hành đưa tới nơi an toàn. Hầu hết các hộ dân đã hưởng ứng và di chuyển trong sáng nay.
  
Cũng trong sáng nay, giữa cơn mưa tầm tã, các công nhân thuộc công ty cây xanh đã tiến hành chằng chéo, chặt tỉa hệ thống cây bên đường, dọc quảng trường và xung quanh thành phố. Từ chiều qua, các biển quảng cáo lớn cũng đã được tháo gỡ, cuốn xếp.
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 3
Chằng chéo cây xanh... (Ảnh: Nguyễn Duy)
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 4
... và tháo dỡ biển quảng cáo lớn. (Ảnh: Nguyễn Duy)
 
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, tính đến sáng nay, tất cả các phương tiện tàu thuyền đều đã nhận được thông báo về vị trí, hướng đi của bão. Đã có 4.367 tàu thuyền với hơn 22.400 lao động vào bờ neo đậu tại các bến an toàn. Hiện Nghệ An còn hơn 100 phương tiện tàu thuyền với gần 600 lao động đang hoạt động trên biển.
 
Trong sáng nay, lượng mưa ở TP Vinh đã bắt đầu tăng về diện và lượng, hệ thống nước từ các sông suối, ao hồ, đập đã bắt đầu dâng.
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 5
Đèn cao áp tại Quảng trường Hồ Chí Minh cũng được tháo xuống tránh bão. (Ảnh: Điền Bắc).
 
Tại Hà Tĩnh, công tác ứng phó với cơn bão số 3 cũng đang được tiến hành hết sức khẩn trương. Một trong những ưu tiên hàng đầu là bảo toàn tính mạng cho người dân trước các tình huống xấu của thiên tai.
 
Các huyện ven biển đã triển khai chằng chéo nhà cửa ở những vùng có khả năng sạt lở. BQL các hồ đập trên địa bàn được lệnh kiểm tra khẩn cấp mức độ an toàn, đồng thời tập trung nhân vật lực sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xấu. Để bảo đảm an toàn hồ đập, đặc biệt là hồ đập có sức chứa lớn tỉnh Hà Tĩnh đã tính đến khả năng cho BQL các hồ mở cửa xã tràn tự do.
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 6
Ủy ban tìm kiếm cứu nạn cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh xuống địa phương chỉ đạo công tác đối phó bão số 3 (Ảnh: Văn Dũng)
 
Ngoài đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo đảm bảo an toàn hồ đập, thiết bị máy móc thuộc các dự án trọng điểm quốc gia như Khu kinh tế Vũng Áng, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
 
Tại Dự án khai thác sắt Thạch Khê, rút kinh nghiệm từ bài học thiệt hại hết sức nặng nề trong hai cơn lũ 2010, trong đó việc sạt lở bờ moong đã khiến hơn 600.000m3 đất, cát tràn xuống moong, phá vỡ hệ thống thoát nước và gây hư hỏng nhiều thiết bị, máy móc; ngay trong chiều qua, lãnh đạo Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) đã khẩn cấp triển khai các biện pháp đối phó với bão. Các đơn vị trong liên doanh nhà thầu đang hoạt động trên khai trường đã tiến hành chằng chống, che đậy, kê, kích các thiết bị máy móc tại công trường để đảm bảo an toàn về người, thiết bị, chống xói lở đất.
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 7
Cty CP Sắt Thạch Khê lắp mawsy công suất 1250m3/h sẵn sàng bơm thoát nước ra khỏi bờ moong (Ảnh: Đặng Tài) 
 
Một trong những nỗi lo đó là tình trạng sạt lở tại bãi thải đất, cát nằm cách moong mỏ chừng nửa cây số. Theo dự báo nếu bãi thải bị sạt lở xẩy ra sẽ có hàng trăm ngàn khối đất cát từ trên cao đổ xuống, gây “lũ” quét càn qua hai xóm thuộc xã Thạch Đỉnh và Thạch Bàn. Để đảm bảo an toàn cho người dân, ngay từ khi có thông tin bão số 3, TIC đã triển khai máy móc gia cố đê bao chạy quanh vùng mỏ, những vị trí xung yếu đã được gia cố. Người dân cũng đã được cảnh báo về nguy cơ trên nhằm chủ động đối phó với mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 8
Người dân Lộc Hà chằng chéo phương tiện đi biển trước khi rời tàu đi tránh bão (Ảnh: Văn Dũng)
 
Theo chỉ đạo của tỉnh Hà Tĩnh, hai huyện có số người dân phải di dời nhiều nhất là Nghi Xuân và Lộc Hà. Tại huyện Nghi Xuân tuyến đê Hội Thống chỉ chịu được cường độ bão cấp 10, còn trên cấp 10 nước biển sẽ tràn đe dọa tính mạng của người dân. Ông Trần Tú Anh, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà cho biết, tính 10 giờ sáng nay có 451 hộ dân với hơn 2.000 người được di dời từ các vùng cửa lạch, ven sông vào nơi trú ẩn an toàn.
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 9
Đến 10 giờ 30/7 huyện Lộc Hà đã có 451 hộ dân với 2.170 người dân đã được di dời từ các vùng cửa lạch, ven biển và ven sông vào nơi trú ẩn an toàn 
 
Tính đến thời điểm này, ở huyện Lộc Hà đã có 315 tàu thuyền của địa phương với 1.379 thuyền viên vào khu neo đậu tránh trú bão Thạch Kim và 61 tàu tỉnh bạn với 225 thuyền viên. Hiện nay vẫn đang còn 8 tàu thuyền với 49 thuyền viên đang trú ẩn ở đảo Bạch Long Vỹ và Cát Bà.
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 10
 
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Dân trí, tại xã Xuân Hội, một trong hai địa phương ở Nghi Xuân mà người dân buộc phải di dời, nhân dân có phần chủ quan, chưa chịu di dời, vẫn “cố thủ” ở nhà và sinh hoạt bình thường. Ngay sát bờ đê, phóng viên bắt gặp ba mẹ con đang chơi đùa. “Có nghe chính quyền kêu gọi qua loa di dời tránh bão, nhưng chưa đi được vì không có xe đưa đón. Mà cũng chưa đi được vì nhà cửa, quán sá chưa chằng chéo xong”, người mẹ nêu lý do.
 
Ông Nguyễn Hiền Lương, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, thừa nhận thực trạng người dân chậm di dời đi tránh bão. Ông Lương đưa ra lý do là do người dân “chưa thấy lũ chưa đi” nên gây khó dễ cho chính quyền địa phương.
 
Trước thực trạng trên, trong cuộc họp chớp nhoáng với UBND huyện Nghi Xuân, ông Lê Đình Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu lãnh đạo huyện này phải khẩn trương di dời dân ngay. “Việc di dời dân phải hoàn thành trước khi bão đổ bộ vào. Những trường hợp nào không đi theo lệnh huyện phải cho cưỡng chế”- ông Sơn yêu cầu.  
 
Sáng nay 30/7, Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung - Tây Nguyên đóng tại TP Đà Nẵng cho biết, hiện vẫn còn 2.100 tàu thuyền của ngư dân các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên với gần 18 ngàn lao động đang hoạt động trên biển.
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 11
Hàng trăm tàu cá đã vào neo đậu tại cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) an toàn (Ảnh: Công Bính)

Trong đó nhiều nhất là ngư dân tỉnh Quảng Ngãi với 1.150 tàu cá, hơn 10.300 lao động đang đánh bắt ở các vùng biển và đều thường xuyên liên lạc với Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng gia đình.

Một số tàu cá trước đó nằm trong vùng ảnh hưởng bão hiện đã vào bờ an toàn. Riêng một tàu cá với 16 lao động hồi 15 giờ 30 phút ngày 29/7 đã chạy từ Trường Sa ra Hoàng Sa.

Tại Quảng Trị, tính đến 6 giờ ngày 30/7 đã có 23 tàu cá cùng 225 lao động huyện Gio Linh đang di chuyển vào bờ để trú bão. 48 tàu cá với 447 lao động trước đó đã vào trú ẩn tại Cửa Tùng và Cửa Việt.

Riêng tàu cá QB 1312 TS do Hoàng Quang Vịnh (quê Bảo Ninh, Quảng Bình) làm thuyền trưởng với 9 ngư dân khi đang vào trú bão tại Cửa Tùng bị sóng đánh vỡ đuôi tàu đã được cứu hộ an toàn.

Báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, hiện vẫn còn 133 tàu cá với 1.269 lao động trên biển đang tìm nơi neo đậu tại quần đảo Trường Sa và các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Phú Yên.

Từ sáng sớm nay, trên địa bàn một số huyện của Thanh Hóa đã có mưa vừa đến mưa to và gió giật mạnh. Công tác di dời dân ở 13 xã ven biển đã hoàn thành.

Theo ghi nhận của PV Dân trí tại huyện Quảng Xương, Hậu Lộc và Tĩnh Gia, đến thời điểm này, mọi công tác sơ tán dân ở vùng mép nước đã hoàn thành. Đoạn đê tả sông Yên tại huyện Quảng Xương cũng đã được che phủ bạt và gia cố xong.
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 12
Người dân tại một số xã ven biển Quảng Xương đã được di dời vào nơi an toàn (Ảnh: Duy Tuyên)

Tại huyện Tĩnh Gia, sáng sớm nay đã có mưa to và gió giật mạnh, vùng ven biển đến thời điểm này, nhân dân đã tổ chức chèo chống nhà cửa và đưa tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.

Sáng nay Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp sau khi thị sát tình hình phòng chống bão tại thị xã Sầm Sơn đã tiếp tục vào huyện Tĩnh Gia, nơi dự đoán là vùng tâm bão đi vào, để chỉ đạo công tác phòng chống bão của địa phương.

"Đến thời điểm này, toàn bộ 8 ngư dân mắc kẹt trên biển đã vào bờ an toàn. Huyện đã chỉ đạo tích cực mọi công tác phòng chống bão", ông Nguyễn Văn Hoằng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, cho biết.

Trao đổi với Dân trí, ông Lương Văn Bường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát nói: “Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện bắt đầu có mưa. Sau khi nhận được công điện của UBND tỉnh, huyện đã triển khai ngay các biện pháp phòng chống bão. Địa phương tập trung vào công tác chống lũ quét và sạt lở đất.
 
Năm nay huyện chuẩn bị lương thực và các nhu yếu phẩm khác tại chỗ để khi cần là hỗ trợ nhân dân. Các đồn biên phòng cũng có phương án chuẩn bị hỗ trợ khi cần thiết. Chúng tôi đang đi kiểm tra tại xã Pù Nhi, nơi có nguy cơ sạt lở và lũ quét cao trong trường hợp mưa to. Riêng tuyến đường giao thông huyết mạch lên huyện Mường Lát, địa phương cũng đã lên phương án phòng chống sạt lở cố gắng hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khi sự cố xảy ra.
 
Hiện còn một số hộ dân sống ven con đường tỉnh lộ 520 đang thi công dang dở nên rất dễ sảy ra sạt lở, kể cả trên và dưới ta luy đường. Hiện UBND huyện đang đi vận động bà con di dời đến nơi an toàn.
  
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 13
Đoạn đê tại sông Yên cũng đã được gia cố xong (Ảnh: Duy Tuyên)
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 14
Trên địa bàn huyện Tĩnh Gia từ sáng nay đã có mưa to
 
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 15
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 16
Người dân tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia chằng chống nhà cửa
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 17
Tàu thuyền và các phương tiện cũng đã tìm được nơi tránh bão (Ảnh: Nguyễn Thúy)
Hối hả di dân khi cơn bão đang tiến sát bờ - 18
Người dân ven mép nước huyện Hậu Lộc đã thu dọn một số tài sản để di dời đến nơi an toàn (Ảnh: Lan Anh)

Nhóm PV