1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Kỷ niệm 60 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2005):

Hình ảnh Bác Hồ dưới con mắt sinh viên Nhật

(Dân trí) - Có lần, tôi hỏi em Simizu, sinh viên sắp tốt nghiệp của Khoa tiếng Việt, trường ĐH Ngoại ngữ Tokyo, nơi tôi đang giảng dạy, là “vì sao em học tiếng Việt?”. Simizu trả lời rất nghiêm túc, bằng tiếng Việt rất chuẩn: “Vì em muốn tìm hiểu tại sao Bác Hồ được đông đảo nhân dân Việt Nam kính trọng, còn ở Nhật, thì chưa có vị lãnh tụ nào được như thế”.

Bác không dạy cái tục xấu đó

 

Tôi thực sự kinh ngạc trước câu trả lời của em Simizu, một sinh viên Nhật giỏi của Khoa tiếng Việt. Các sinh viên người Nhật học tiếng Việt ở trường Đại học ngoại ngữ Tokyo phần đông học tiếng Việt vì yêu thích Việt Nam, vì có thiện cảm với Việt Nam, và với nhiều em, vì hình ảnh đáng kính của Bác Hồ.

 

Đề tài luận văn tốt nghiệp của em Simizu là về Bác Hồ. Simizu nói với tôi rằng em đã tự hài lòng được phần nào về câu trả lời cho câu hỏi trên của em. “Theo em, sở dĩ phần lớn nhân dân Việt Nam kính trọng, yêu thích Bác Hồ, là vì Bác Hồ có đạo đức rất trong sáng, và có phong cách rất dản dị, dễ gần với nhân dân. Và điều dĩ nhiên nữa, là Bác Hồ đã lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến giành độc lập cho nhân dân Việt Nam, mà nhiều nhà kháng chiến khác không làm được”.

 

- Thế cá nhân em thì sao? Em có yêu thích Bác Hồ không? tôi hỏi.

 

- Vâng, tất nhiên. Em nghĩ người nước ngoài biết đến nhân dân Việt Nam, cũng một phần nhờ hình ảnh của Bác Hồ. Nhưng tiếc rằng, giờ đây ở Việt Nam, có nhiều điều Bác Hồ dạy, người ta không thực hiện đâu. Em rất buồn.

 

Sau khi tốt nghiệp, Simizu làm việc cho một văn phòng đại diện của một cơ quan Việt Nam ở Tokyo. Nhưng sau đó em nhanh chóng bỏ việc, vì thấy ở đấy làm việc thiếu trong sáng. Hiện nay, Simizu đã thi đỗ, trở thành phóng viên hãng truyền hình NHK, hãng truyền hình lớn nhất Nhật Bản. 

 

Kimura, một sinh viên khác cũng đã tốt nhiệp Khoa tiếng Việt, và đang làm việc cho một công ty Nhật có đầu tư ở Việt Nam. Kimura học tiếng Việt vì có thiện cảm với Việt Nam. Nhưng em đã bị một ấn tượng xấu về lớp cán bộ Việt Nam hiện nay. Có một đại diện cơ quan Việt Nam sang Tokyo liên hệ việc mua hàng của công ty Nhật, nơi Kimura làm việc. Người này đã gợi ý là muốn bán được hàng cho phía Việt Nam, thì công ty Nhật phải biết “nhập gia tùy tục”.

 

Kimura nói với tôi: “Em biết văn hóa người Việt Nam, là “nhập gia phải tùy tục”, khách đến nhà thì phải theo phong tục, tập quán của chủ nhà. Nhưng cái văn hóa đó không phải theo cái “tục xấu” mà người kia gợi ý. Em đã mời người đó về. Mời anh đi mua hàng ở công ty khác. Bác Hồ không dạy cái “tục xấu” đó cho các anh”.

 

Những lỗi lầm chính của quan chức

 

Hình ảnh Bác Hồ dưới con mắt sinh viên Nhật - 1

Cô Suzuki Kotona đang nghiên cứu về văn hoá ở Việt Nam: “Em chỉ mong người dân Việt Nam được thực sự hạnh phúc như Bác Hồ mong muốn”.

Có một em tên là Suzuki, tuy không học tiếng Việt tại Khoa tiếng Việt, trường Đại học ngoại ngữ Tokyo, nhưng rất giỏi tiếng Việt. Gần đây, Suzuki đưa cho tôi một cuốn sách đầu đề “Văn kiện Đảng 1945-1975”, do Ban nghiên cứu lịch sử đảng trung ương xuất bản năm 1978. Ngoài bìa thấy đề “lưu hành nội bộ”. Giở cuốn sách Văn kiện ra, tôi thấy các tài liệu về hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam rất tốt, nhiều bài viết rất hay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất đáng lưu hành rộng rãi cho nhân dân được biết, chẳng có gì đáng phải ghi là “lưu hành nội bộ” cả. (Bây giờ - năm 2005, đã gần 30 năm trôi qua, kể từ khi xuất bản cuốn sách Văn kiện này, có lẽ tình hình đã thay đổi, không cần phải “lưu hành nội bộ” nữa).

 

Suzuki muốn tôi giải thích giúp em về một bài viết của Bác Hồ in trong tập sách này. Trang 16 có bài viết nhan đề “Gửi các ủy ban nhân dân, các Bộ, Tỉnh, Huyện và các Làng”, tháng 10/1945, ký tên Hồ Chí Minh. Nội dung đại khái như sau (xin trích):

 

“Hỡi các bạn. Nước ta bị Tây áp bức hơn 80 năm, bốn, năm năm bị Nhật áp bức. Dân ta đói rét khổ sở không thể nói hết... Ngày nay chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lí gì. Chính phủ ta đã hứa với dân sẽ gắng sức làm cho  ai nấy đều có phần hạnh phúc...

 

Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh.

Chúng ta phải yêu dân, thì dân mới yêu ta, kính ta.

 

Tôi vẫn biết rằng trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của chính phủ và rất được lòng nhân dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề.

Những lầm lỗi chính là:

 

1. Trái phép - Những tên Việt gian phản quốc chứng cớ rõ ràng thì phải trừng trị đã đành, không ai trách được. Nhưng cũng có lúc vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu gia sản, làm dân oán thán.

 

2. Cậy thế - Cậy mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng muốn sao làm vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân, quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.

 

3. Hủ hóa - Ăn uống cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ở đâu mà ra? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, đến các cô, các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?...”

 

Trong thư này Bác Hồ còn liệt kê thêm lỗi lầm tư túng, kéo bè kéo cánh để bổ nhiệm chức vụ cho nhau. Chia rẽ, bênh vực lớp này, chống lớp khác. Kiêu ngạo, tự coi mình là thần thánh, coi khinh nhân dân. Để kết luận, Bác Hồ viết: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa...Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng”.

 

Sau khi tôi giải thích xong các khái niệm khó trong bức thư này của Bác Hồ - bức thư Bác viết sau khi Bác đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa đầy một tháng - Suzuki vô cùng thích thú. Em nói: “Giá như bây giờ người ta thực hiện tốt các lời Bác Hồ nói nhỉ”. Suzuki nói là bà chủ nhà ở Hà Nội, nơi em thuê nhà khi học ở Hà Nội, thường phàn nàn về tệ hách dịch, cửa quyền, xếch mé với dân ở chính quyền phường, khi dân có việc đến phường.

 

Đừng để tiếng ta thán nhiều thêm

 

Đọc lại lời Bác Hồ dạy từ 60 năm trước, ngay sau khi chính quyền cách mạng mới thành lập, người ta thấy vẫn còn nguyên giá trị. Ở Việt Nam giờ đây, nhiều người viện dẫn lời Bác Hồ rất nhuần nhuyễn, nhất là trên các diễn đàn hội nghị, nhưng trong thực tế không hề làm theo lời Bác Hồ dạy. Chính vì thế mà giờ đây, tiếng ta thán của người dân mới tăng lên, tệ tham nhũng tràn lan, người bất tài, đạo đức giả được trọng dụng, người tài bị khinh rẻ.

 

Tôi thường cố gắng nói đến những thành quả của công cuộc đổi mới ở Việt Nam cho sinh viên Nhật nghe. Nhưng nhiều sự thật không thể dấu được, nhất là với các sinh viên đã đi Việt Nam học, như chuyện thủ tục hành chính, chuyện tham nhũng, chuyện hành dân, chuyện oan sai. “Em chỉ mong người dân Việt Nam được thực sự hạnh phúc như Bác Hồ mong muốn” - Suzuki nói...      

 

Minh Tuấn (từ Tokyo)