Hệ thống xử lý môi trường của bauxite Tây Nguyên đã xuống cấp

(Dân trí) - Sau 9 năm triển khai, các thiết bị ở Nhà máy Alumin Tân Rai (Tây Nguyên) và thiết bị tại một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp, khả năng tuổi thọ của các thiết bị này không được như mong muốn. Các dự án vẫn để xảy ra một số sự cố về môi trường.

Dự án bauxite Tây Nguyên (Ảnh: Người lao động).
Dự án bauxite Tây Nguyên (Ảnh: Người lao động).

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản số 618 gửi Bộ Công Thương báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả đầu tư thí điểm 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ ở Tây Nguyên.

Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cần thực hiện đúng theo quy định của pháp luật đất đai. Định kỳ thanh tra, kiểm tra đối với 2 dự án nêu trên để phát hiện việc sử dụng đất không đúng tiến độ, không theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo kết quả điều tra, thăm dò, tổng trữ lượng và tài nguyên quặng bauxite của Việt Nam chủ yếu tập trung ở miền Nam, với khoảng 9.206 triệu tấn quặng nguyên khai, tương đương 3.500 triệu tấn quặng tinh. Quặng bauxite phân bố trến địa bạn các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Gia Lai, Kon Tum và Bình Định.

Thực hiện chiến lược khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện các mỏ bauxite Tây Tân Rai, Nhân Cơ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò, khai thác cho Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) để thực hiện dự án khai thác bauxite, sản xuất alumin.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng TKV là tập đoàn phù hợp để thực hiện các dự án bauxite Tây Nguyên nhưng cần đôn đốc, yêu cầu các chủ dự án thực hiện nghiêm túc và kịp thời các văn bản chỉ đạo của Bộ này nhằm đảm bảo tính bền vững trong quá trình vận hành các dự án.

Đánh giá các nhà thầu Trung Quốc có đủ tiềm lực và kinh nghiệm để thực hiện các gói thầu xây dựng các dự án bauxite Tây Nguyên nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu chủ đầu tư và Bộ Khoa học- Công nghệ cần lưu ý chất lượng thiết bị của nhà thầu cung cấp, kể cả các thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường.

“Qua thực tế kiểm tra cho thấy, sau 9 năm triển khai các thiết bị ở Nhà máy Alumin Tân Rai và thiết bị tại một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp, khả năng tuổi thọ của các thiết bị này không được như mong muốn”- văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ.

Trong 9 năm qua, dưới sự đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Tổ giám sát môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chủ dự án đã có nhiều cố gắng trong việc khắc phục những tồn tại về bảo vệ môi trường sau mỗi đợt kiểm tra, giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên hoạt động khai thác, chế biến bauxite tại Tân Rai và Nhân Cơ luôn tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phức tạp.

“Đây là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm đặc biệt trong các kỳ hợp Quốc hội hay trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong quá trình xây dựng và sản xuất, mặc dù đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, nhắc nhở nhưng các dự án vẫn để xảy ra một số sự cố với quy mô nhỏ về môi trường. Dự án ở Tân Rai đã để xảy ra 3 lần sự cố; dư án Nhân Cơ để xảy ra 4 lần sự cố”- Bộ này cho hay.

Từ đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình khắc phục sự cố của chủ dự án, trực tiếp quan trắc môi trường nước xung quanh khu vực nhà máy đặc biệt là tại các khu vực về phía hạ du các cửa xả thải của nhà máy.

Trên cơ sở của nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được duyệt và giấy phép xả nước thải vào nguồn nước đã được cấp, chủ đầu tư cần tiếp tục xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường hợp lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm và sự cố môi trường. Đồng thời khẩn trương thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy xác nhận việc hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường đối với dự án.

Lỗ nghìn tỷ

Tháng 3/2017, Thanh tra Bộ Tài chính có kết luận thanh tra dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) sau 3 năm vận hành. Tại dự án Tân Rai, tổng mức đầu tư cho dự án này là 7.787,5 tỉ đồng (khoảng 493,5 triệu USD), với công suất 600.000 tấn/năm, thời gian thực hiện từ 2006 - 2009.

Tuy nhiên qua 4 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án đã tăng vọt lên đến 15.414,4 tỉ đồng (hơn 800 triệu USD). Thời gian thực hiện dự án bị chậm 4 năm so với quyết định phê duyệt lần đầu và sau 3 năm đi vào hoạt động đã lỗ 3.696 tỉ đồng.

Tại dự án Nhân Cơ, vốn đầu tư cho dự án này vào năm 2007 chỉ 3.285 tỉ đồng nhưng đến năm 2014, tổng vốn đầu tư đã tăng lên đến 16.821 tỉ đồng. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do thay đổi công suất của nhà máy từ 300.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm; dừng thi công 2 năm để đánh giá lại hiệu quả và do thay đổi tỉ giá cùng một số thay đổi về chính sách...

Sau đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 11 bộ, 2 địa phương và 2 tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo Chính phủ về hiệu quả của dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ tại Tây nguyên.

Thế Kha