Đà Nẵng:

Hầu hết tàu thuyền du lịch đều không đủ an toàn phục vụ khách

(Dân trí) - Qua kiểm tra tàu thuyền hoạt động du lịch đường thủy trên địa bàn TP Đà Nẵng, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho biết, hầu hết các đơn vị đều chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện đảm bảo an toàn phục vụ khách.

Báo cáo của Sở VH-TT&DL cho biết, vừa qua Sở này đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan như Sở GTVT, Ban An toàn giao thông Đà Nẵng, Phòng CSGT đường thủy, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng… tổ chức đoàn kiểm tra các phương tiện tàu thuyền hoạt động du lịch trên địa bàn TP Đà Nẵng.
 
Hầu hết tàu thuyền du lịch đều không đủ an toàn phục vụ khách - 1
Qua kiểm tra, hầu hết tàu thuyền du lịch trên địa bàn TP Đà Nẵng chưa đảm bảo an toàn phục vụ khách

Qua đó, đoàn đã kiểm tra 13 chiếc gồm 7 tàu du lịch, 5 ca nô và 1 mô tô nước. Theo kết luận của Sở VH-TT&DL, hiện nay các tàu thuyền du lịch Đà Nẵng đa số là các tàu đánh bắt cá có công suất từ 15-30 CV được hoán đổi công năng, sửa chữa làm mới thành tàu du lịch phục vụ hành khách. Các doanh nghiệp đều có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký phương tiện thủy nội địa còn hiệu lực. Về chuyên môn, đa số người điều khiển phương tiện đã có bằng thuyền trưởng (nghề cá), một số có chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên theo quy định bằng thuyền trưởng nghề cá không phù hợp để điều khiển tàu chở khách.

Ngoài ra, các nhân viên phục vụ trên tàu đa số là ngư dân và một số người chưa có chuyên môn, kiến thức về phục vụ du lịch nên còn hạn chế trong công tác phục vụ khách.

Đối với công tác an toàn, cứu nạn, PCCC... đa số các tàu đã trang bị áo phao đầy đủ nhưng tất cả tàu thuyền kiểm tra đều không có bảng hướng dẫn nội quy quy định đối với khách lên tàu; một số chủ tàu không chú trọng hướng dẫn khách sử dụng áo phao, thiếu công cụ PCCC trên tàu, chưa mua bảo hiểm cho tàu nên đoàn kiểm tra đã nhắc nhở.

Hiện nay, các tàu đang gặp rất nhiều khó khăn về bến bãi neo đậu. Thời gian qua, để hỗ trợ các DN, UBND TP Đà Nẵng đã đồng ý cho phép tạm thời sử dụng bến cho tàu thuyền neo đậu tại khu vực bến đò Xu cũ và khu vực đối diện với khách sạn Green Plaza. Hai bến này chỉ có thể neo từ 3-4 chiếc nhưng hiện nay TP Đà Nẵng có trên 13 tàu du lịch đang hoạt động và chưa có bến bãi để neo đậu phục vụ khách tham quan.

Đặc biệt, tàu Hải Âu 01 đã hoạt động phục vụ khách từ tháng 3/2011 nhưng chưa bố trí được chỗ neo đậu nên thời gian qua đơn vị này đã sử dụng khu vực phía trước tòa nhà Indochina Riverside Tower phục vụ khách, lối lên xuống không có nên đơn vị này phải kê tạm bắc qua lan can đường Bạch Đằng rất nguy hiểm cho hành khách khi lên tàu.

Do chưa có bến bãi neo đậu nên các DN chưa làm thủ tục công bố luồng và bến thủy nội địa.

Nhằm khắc phục khó khăn cho các tàu thuyền có bến để neo đậu, thời gian qua UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở VHTT-DL phối hợp với các ngành liên quan đề xuất. Sau đó, Sở đã báo cáo lãnh đạo TP Đà Nẵng được sử dụng cảng cá Thuận Phước (cũ) để neo đậu tàu thuyền phục vụ khách du lịch đường sông nhưng UBND TP Đà Nẵng không đồng ý. Do đó, đến nay nhiều tàu du lịch vẫn chưa có bến bãi neo đậu.

Một điều đáng nói là công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa được chú trọng nên khi kiểm tra thực tế hầu như các đơn vị đều chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện đảm bảo an toàn phục vụ khách. Chủ phương tiện chưa nắm rõ, chưa chấp hành tốt về luật giao thông đường thủy nội địa, trình độ chuyên môn của các thuyền trưởng là nghề thủy sản không phù hợp với chở khách, giấy phép chứng nhận an toàn đã hết hiệu lực nhưng vẫn để hoạt động dẫn đến có thái độ chủ quan cho công tác an toàn phục vụ khách.

Theo ông Huỳnh Minh Nhơn, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, nhằm hỗ trợ các DN và phát triển du lịch đường sông trên địa bàn Đà Nẵng, Sở đã kiến nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng cho phép sử dụng cảng cá Thuận Phước (cũ) để làm nơi neo đậu tạm thời các tàu thuyền phục vụ khách du lịch trong khi chờ kêu gọi đầu tư xây dựng bến tàu mới.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cần chủ trì tổ chức đào tạo chuyển đổi bằng thuyền trưởng nghề cá sang lái tàu chở khách du lịch các các chứng chỉ chuyên môn về vận tải hành khách bằng đường thủy nội địa cho các thuyền trưởng thuyền viên theo đúng yêu cầu của pháp luật.

Ngoài ra, các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra các phương tiện tàu thuyền phục vụ du lịch, kiên quyết tạm dừng các phương tiện tàu thuyền không đảm bảo an toàn… Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn kiến nghị UBND TP Đà Nẵng cần ban hành quy chế quản lý tàu thuyền phục vụ du lịch trên địa bàn.

 Công Bính