DMagazine

Hành trình hồi sinh đầy gian nan của cậu bé đa dị tật 2 lần bị bỏ rơi

(Dân trí) - Hành trình hoàn thiện cơ thể vốn có nhiều khiếm khuyết của cậu bé đa dị tật bị bỏ rơi là 8 năm đằng đẵng với lo toan và tình yêu vô bờ bến của những người không cùng máu mủ.

Từ chỗ có thể chết bất kỳ lúc nào, Bảo Cung đã ăn được cơm, nói được từng từ, được đi học… Hành trình hoàn thiện cơ thể vốn có nhiều khiếm khuyết của cậu bé là 8 năm đằng đẵng với lo toan và tình yêu vô bờ bến của những người không cùng máu mủ.

Hành trình hồi sinh đầy gian nan của cậu bé đa dị tật 2 lần bị bỏ rơi - 1

Đa dị tật bẩm sinh, 2 lần bị bỏ rơi, cậu bé Nguyễn Bảo Cung đang từng bước được "sửa chữa" những khiếm khuyết trên cơ thể.

Đứa trẻ đa dị tật 2 lần bị bỏ rơi

Nguyễn Bảo Cung là tên vợ chồng ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Thị Xuân (trú xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đặt cho đứa con út của mình. Trên Cung còn có 7 anh chị. Cậu bé không phải do bà Xuân sinh ra nhưng là đứa con mà ông bà lao tâm khổ tứ, nhọc nhằn chăm bẵm nhất trong số những người con của mình.

Cuộc hồi sinh của cậu bé đa dị tật bị bỏ rơi

Ngày Cung đến với gia đình, bà Xuân vẫn nhớ như in. Đó là một ngày cuối tháng 7/2011, nắng như đổ lửa. Đang trên đường đi thu mua lươn, bà Xuân nghe tin có đứa trẻ bị bỏ rơi ở Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Vốn thương người, bà tính đến thăm, mua cho đứa bé hộp sữa, bộ quần áo.

Hành trình hồi sinh đầy gian nan của cậu bé đa dị tật 2 lần bị bỏ rơi - 2

Bà Nguyễn Thị Xuân kể về chặng đường 8 năm đi chữa bệnh cho đứa con nuôi tội nghiệp. Người mẹ này chỉ có một mong mỏi duy nhất là những khiếm khuyết trên cơ thể Bảo Cung sẽ được giải quyết triệt để, khi ông bà không còn, Cung có thể tự chăm sóc và lo được cho cuộc sống riêng của mình.

“Thằng bé gầy trơ xương, dài ngoẵng, phần dưới khuôn mặt quắt lại. Bác sỹ bảo nó bị đa dị tật, không có xương hàm, không có lưỡi, sứt môi hở hàm ếch, hiện đang nhiễm trùng nặng, khó lòng qua khỏi. Mẹ đẻ nó ở mãi Phú Yên, bỏ rơi con ngay từ khi lọt lòng. Thằng bé được một cặp vợ chồng hiếm muộn ở Nghệ An nhận nuôi, được 3 ngày thấy con không uống được sữa, khóc cả ngày lẫn đêm nên đưa vào bệnh viện. Bác sỹ thông báo bệnh tình thằng bé xong thì không thấy vợ chồng nhà ấy quay lại nữa”, bà Xuân kể lại.

"Đêm ngủ hai vợ chồng cứ như đánh trận bởi nghe tiếng rít của con là bật dậy, mỗi đêm không biết bao nhiêu bận".

Đứa bé 3 ngày tuổi 2 lần bị bỏ rơi cứ huơ đôi tay bé xíu lên như cố tìm kiếm lấy bàn tay mẹ để bấu víu. Bà Xuân thấy như có ai bóp nghẹt lấy tim mình. Bà bảo chồng “hay là mình nhận nuôi?”. Chồng bà gật đầu.

Việc vợ chồng bà Xuân nhận nuôi đứa trẻ đa dị tật trong khi đã có 7 đứa con, đứa con gái thứ 7 lại mắc bệnh động kinh, cũng gây nên lắm lời ì xèo vào ra. Bỏ ngoài tai, hai ông bà động viên nhau: “Nó giờ đã là con mình, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, có bệnh thì chạy chữa. Ai nói gì kệ người ta”. Đấy là động viên nhau thế chứ cặp vợ chồng nông dân này cũng chưa thể lường hết những khó khăn, nhọc nhằn và cả tốn kém mà mình phải trải qua kể từ khi nhận nuôi Bảo Cung.

Hành trình hồi sinh đầy gian nan của cậu bé đa dị tật 2 lần bị bỏ rơi - 3
Dù cơ thể vẫn chưa hoàn thiện nhưng Bảo Cung luôn vui vẻ và là đứa trẻ rất hoạt bát.

Hành trình tìm cuộc sống bình thường cho đứa con dị tật

Vì nhiều khiếm khuyết trên cơ thể, đặc biệt là đường thở nên đến ngày nằm viện thứ 28, bác sỹ quyết định mở nội khí quản cho Bảo Cung. Thể trạng quá yếu, lại nhiễm trùng nặng, suy kiệt do thiếu dinh dưỡng khiến sự sống của cậu bé càng mong manh hơn. Có những lúc, cơ thể gầy gò ấy bỗng tím tái, mềm nhũn... Nhiều lần các bác sĩ đã thông báo đến tình huống xấu nhất nhưng như có phép màu, số phận không thể quật ngã được ý chí và khát vọng được sống của đứa trẻ vốn đã chịu quá nhiều thiệt thòi.

“Giờ nghĩ lại không biết mình lấy đâu ra sức lực để bám trụ ở bệnh viện ngày này qua tháng khác cùng con. Kể cả đến khi Bảo Cung được ra viện thì giấc ngủ trọn đêm đối với vợ chồng tôi cũng là điều quá xa xỉ. Cháu không tự thở được, không tự ăn được, cộng với nhiều bệnh do hệ hô hấp khiếm khuyết nên thường xuyên bị đờm dãi bít đường thở. Đêm ngủ hai vợ chồng cứ như đánh trận bởi nghe tiếng rít của con là bật dậy, mỗi đêm không biết bao nhiêu bận”, bà Xuân kể.

Hành trình hồi sinh đầy gian nan của cậu bé đa dị tật 2 lần bị bỏ rơi - 4

Dù không ruột rà máu mủ, bằng tình yêu thương vô bờ bến, vợ chồng bà Xuân đằng đẵng 8 năm trời theo con đi bệnh viện mong một ngày Cung có thể sống bình thường như những đứa trẻ khác.

Cái sự ăn của Bảo Cung cũng khó không kém. Vì không có hàm, không có lưỡi nên Cung không ăn được bình thường như những đứa trẻ khác. Thức ăn thô cũng không ăn được nên chủ lực vẫn là sữa. Tiền sữa mỗi tháng cho đứa con út tội nghiệp cũng ngốn kha khá thu nhập từ nghề nông và thu mua lươn đồng của hai vợ chồng ông Vĩnh. Thế nhưng, cơ thể ngày càng phát triển, mỗi mình sữa thì làm sao đủ? Hơn nữa, bé Cung cũng cần được sửa chữa các khiếm khuyết của mình.

Với sự kết nối của ông Nguyễn Đăng Huề - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, vợ chồng ông Vĩnh bắt đầu hành trình chữa bệnh cho con.

Hành trình hồi sinh đầy gian nan của cậu bé đa dị tật 2 lần bị bỏ rơi - 5

Hành trình chữa bệnh của cậu bé 2 lần bị bỏ rơi có sự đồng hành của nhiều người mẹ, người cha không cùng huyết thống cũng như sự hỗ trợ của các bác sỹ, các bệnh viện...

“Kể ra dài dòng lắm bởi thể trạng cháu yếu, mỗi lần chỉ giải quyết được một phần nhỏ. Ngoài cuộc phẫu thuật mở đường thở hồi mới sinh, cháu phải đi kéo gốc lưỡi, kéo xương hàm dưới, chỉnh dây thanh quản… Mới đây nhất là đi phẫu thuật cắt ống thở, tập cho cháu tự thở bằng mũi.

Tính ra chỉ 2 năm 2015, 2016 không phải phẫu thuật vì sức khỏe cháu chưa đáp ứng được, còn lại cứ mỗi năm 2-3 đợt vào phòng mổ, có đợt điều trị đến gần 2 tháng. Có những cuộc đại phẫu kéo dài cả ngày trời. Con nằm mê man trong phòng mổ, bố mẹ đứng ngóng bên ngoài, thắt từng khúc ruột vì lo, vì thương…”, bà Xuân chia sẻ.

"Chết thì tiền bạc có mang đi được đâu. Mình làm được việc tốt lành thì để đức lại cho con, cho cháu".

Với sự tham gia của các bác sỹ từ Hà Nội, Huế và cả bác sỹ ở nước ngoài, cơ thể Bảo Cung ngày càng hoàn thiện hơn. Đến nay Cung có thể tự thở bằng mũi. 7 tuổi, từ chỗ chỉ ăn được sữa, Bảo Cung bắt đầu tập ăn cơm. Dù thức ăn phải băm thật nhuyễn, chế biến cầu kỳ nhưng với vợ chồng bà Xuân thì đó là một niềm hạnh phúc vô bờ bến trên hành trình đưa con trở thành một đứa trẻ bình thường. 8 tuổi, có thể nói được từng từ đơn giản Bảo Cung bắt đầu đi học mẫu giáo khi các bạn cùng độ tuổi đã học tới lớp 3

Hành trình hồi sinh đầy gian nan của cậu bé đa dị tật 2 lần bị bỏ rơi - 6
Có thể đi học là cả một kỳ tích của cậu bé vốn được sinh ra với nhiều khiếm khuyết này.

Làm cha, làm mẹ, ông bà thương đứa con tật nguyền không cùng máu mủ nhưng không vì thế mà chiều chuộng con thái quá. Bảo Cung cũng được rèn giũa đến nơi, đến chốn dù nhiều khi cậu bé cũng hay làm nũng, mè nheo mẹ. Bà Xuân cũng không giấu nguồn gốc của Bảo Cung. “Thỉnh thoảng tôi hỏi cháu có muốn về với mẹ đẻ không. Thằng bé lắc đầu, ôm cổ mẹ, cười bảo “ở đây”, người mẹ cười hạnh phúc, kể.

Để đi được đến đây, ngoài sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành, các tấm lòng hảo tâm, vợ chồng ông Vĩnh cũng phải vay mượn để điều trị, chăm sóc con những ngày ở viện. “Làm được bao nhiêu thì gom đưa con đi chữa, không đủ thì vay thêm. Hiện giờ vẫn đang nợ kha khá đấy nhưng vợ chồng tôi nghĩ kỹ rồi. Chết thì tiền bạc có mang đi được đâu. Mình làm được việc tốt lành thì để đức lại cho con, cho cháu. Nghĩ vậy nên mọi nhọc nhằn, vất vả đều dễ dàng vượt qua”, bà Xuân tâm sự.

Hành trình hồi sinh đầy gian nan của cậu bé đa dị tật 2 lần bị bỏ rơi - 7

Hành trình hoàn thiện của Cung vẫn đang còn rất gian nan. Trước mắt, các bác sỹ sẽ phẫu thuật tạo lưỡi cho cậu bé. Giữa năm 2019, Cung được đưa vào bệnh viện Trung ương Huế để các bác sỹ trong và ngoài nước hội chẩn, tuy nhiên vẫn chưa thể thực hiện được ca phẫu thuật phức tạp này.

Hoàng Lam