Kể chuyện quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trên đất Lào

Hành trình 30 năm và 12.000 hài cốt liệt sĩ

(Dân trí) - Gần 30 năm tìm kiếm, hơn 12.000 hài cốt liệt sĩ là chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào đã được đưa về đất mẹ. 30 năm, đó là cả một hành trình tri ân của thế hệ hôm nay với những người đã ngã xuống hôm qua.

Đại tá Hồ Trọng Bình - Đoàn trưởng đoàn quy tập mộ liệt sỹ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An

Đại tá Hồ Trọng Bình - Đoàn trưởng đoàn quy tập mộ liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An


Một ngày đầu tháng 5, nắng thành Vinh như đổ lửa lên đầu người. Bây giờ, ở Lào đang là mùa mưa. Xứ Nghệ gió phơn Tây Nam mạnh bao nhiêu thì ở Lào, mưa xối xả như trút bấy nhiêu. Mùa mưa, công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào phải tạm ngừng. Bởi vậy, tôi mới có được cái may mắn được gặp Đại tá Hồ Trọng Bình - Đoàn trưởng Đoàn quy tập mộ liệt sĩ - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, người đã có gần 20 năm gắn bó với nhiệm vụ liêng thiêng này.

Ngày 18/4/1984, nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập phần mộ các liệt sĩ Việt Nam hy sinh trên các chiến trường Lào về quê hương, Bộ tổng tham mưu, Tư lệnh Quân khu 4 đã quyết định thành lập 2 đoàn quy tập, làm nhiệm vụ tại các tỉnh Xiêng Khoảng, Viên Chăn, Bô Ly Khăm Xay và Khăm Muộn. Đây được xác định là các vùng chiến trường, nơi có khoảng hơn 13.000 liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

“Vào thời điểm đó, tình hình an ninh ở nước bạn Lào hết sức phức tạp, nạn Phỉ hoành hoành, hai Đảng, 2 Nhà nước chưa có chủ trương phối hợp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Bởi vậy, trong thời kỳ này, công việc tìm kiếm hết sức nguy hiểm, gian khổ. Bên cạnh khắc phục những khó khăn về điều kiện sinh hoạt, địa hình, chúng tôi phải tránh va chạm với các toán phỉ hoạt động mạnh ở các vùng thuộc tỉnh Xiêng Khoảng - là nơi có nhiều liệt sĩ Việt Nam đang được mai táng tại đây.

Bữa cơm của đội quy tập mộ liệt sỹ tại một cánh rừng thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, CHDCNND Lào
Bữa cơm của đội quy tập mộ liệt sĩ tại một cánh rừng thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, CHDCNND Lào

Với tình cảm đồng đội, đồng chí và lòng biết ơn sâu sắc những người đã ngã xuống, đoàn quy tập mộ liệt sĩ đã cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ mà quân khu giao phó, quyết tâm bằng mọi cách để đưa được các bác, các chú về với đất mẹ sau hàng chục năm trời đằng đẵng”, đại tá Hồ Trọng Bình cho biết.

Phải mất 1 năm trời khảo sát, công tác quy tập mới được tiến hành. Từ năm 1984-2000, đoàn quy tập đã tìm kiếm và cất bốc được 7.000 hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Từ năm 2000- nay, do có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 Đảng, 2 Nhà nước, chỉ hơn 10 năm, đã có hơn 5.000 bộ hài cốt được tìm thấy và quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ ở Nghệ An. Đó thực sự là con số không hề nhỏ, là thành quả của cả một quá trình vượt hiểm nguy, gian khó của những thành viên trong đoàn quy tập mộ liệt sĩ. Những hiểm nguy đánh đổi bằng xương thịt, bằng máu và cả bằng tình mạng của “bộ đội con” trên hành trình tìm “bộ đội cha”.

12.000 ngôi mộ đã được tìm thấy. 12.000 liệt sĩ đã được trở về với đất mẹ sau bao nhiêu năm nằm lại trong rừng thẳm của nước bạn Lào cũng đồng nghĩa với bấy nhiêu khó khăn, gian khổ và hiểm nguy mà đoàn quy tập đã vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình. “Hầu hết các đợt quy tập đều diễn ra vào mùa khô, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Mùa khô ở Lào khắc nghiệt lắm, thiếu nước, đất đai khô quắt như hóa sỏi, thức ăn, rau xanh thiếu thốn. Anh em vừa tìm kiếm phần mộ liệt sĩ, vừa tăng gia sản xuất, vừa làm công tác dân vận… Khó khăn không thể nói hết được.

Bữa cơm của đội quy tập mộ liệt sỹ tại một cánh rừng thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, CHDCNND Lào
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện cẩn trọng, tỉ mỉ và không kém phần nguy hiểm

Nhưng khó khăn nhất là hầu hết các phần mộ, các nghĩa trang đều nằm trong rừng sâu, phải hành quân bộ cả ngày đường mới tới nơi. Anh em vừa đi, vừa mở đường. Mấy chục năm trời, địa hình thay đổi do mưa gió bào mòn, các phần mộ trôi đi hoặc bị san phẳng, không giống với sơ đồ đã được cung cấp. Gần như chúng tôi phải dò dẫm giữa thăm thẳm rừng già để tìm kiếm với hành trang duy nhất là sức người, là nghĩa tình với người đã ngã xuống”, đại tá Hồ Trọng Bình nói tiếp.

Với tấm sơ đồ cũ mòn trong tay, với những thông tin ít ỏi chắp nối từ đồng bào bản địa cung cấp, đoàn quy tập cắt rừng để đi. Chiến trường xưa đã thay đổi rất nhiều nhưng bom đạn còn sót lại không hề ít. Những bãi mìn, bãi bom bi như những chiếc bẫy giăng ra thử thách lòng dũng cảm và kiên trì của những người đi tìm đồng đội. Chỉ cần một nhát cuốc bổ xuống không đúng cách, hay chiếc xẻng bị dẫm quá sâu, tiếng nổ chát chúa sẽ vang lên…

Để đảm bảo an toàn, có những khu vực từng là chiến trường giao tranh ác liệt giữa lực lượng giải phóng và địch, các thành viên của đội quy tập phải cẩn thận xúc từng lớp đất mặt đổ đi rồi mới có thể thực hiện công việc tìm kiếm, cất bốc.

Bữa cơm của đội quy tập mộ liệt sỹ tại một cánh rừng thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, CHDCNND Lào
Gần 30 năm, hơn 12.000 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào đã được tìm thấy, cất bốc và đưa về nước

Mùa khô ở Lào khắc nghiệt, ngày nắng khô khốc, đêm rét thấu xương. Mặt đất rắn đanh, nhát cuốc bổ xuống, bật ngược trở lại. Những đôi tay chai sạn, tướp máu vẫn cẩn thận lật từng lớp đất như sợ đụng chạm vào cõi yên nghỉ của các bác. Mỗi ngôi mộ được phát hiện, dẫu không còn nguyên vẹn, dẫu chẳng có một dòng tên tuổi, địa chỉ cũng khiến các chiến sỹ quy tập mừng rơi nước mắt.

Bao nhiêu năm rồi, những phần mộ chỉ còn lại nắm đất đen, mảnh tăng, chiếc võng lượm hay chiếc đế giày, mảnh thắt lưng nhưng đối với những người tìm mộ, những thứ ấy còn quý hơn vàng ròng. Bởi đó là hồn cốt, là xương máu của cha ông đã đợi họ hàng chục năm trời để được về với quê mẹ thân thương.

Hoàng Lam