Hà Tĩnh:

Hạnh phúc không khuyết của đôi vợ chồng tật nguyền

(Dân trí) - Như đôi đũa ghép lại với nhau, dẫu thân thể không lành lặn, nhưng với đôi vợ chồng Võ Tá Huy và Ngô Thị An hạnh phúc với họ quá vuông tròn.

Đôi vợ chồng tật nguyền

Ngôi nhà của đôi vợ chồng khuyết tật Võ Tá Huy (SN 1984) và Ngô Thị An (SN 1981) ở cuối làng Đông Đoài (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh). Nhìn chị An chẳng ai nghĩ người phụ nữ có nụ cười duyên dáng này đã ngoài 30, bởi chị thực sự trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Ngôi nhà không lúc nào ngớt tiếng cười đùa, thế nhưng đã có một khoảng thời gian, nghiệt ngã cuộc sống cũng đã cướp đi 1 phần cơ thể và nụ cười của họ.

Quê chị ở xã Thạch Ngọc (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), chị An là con gái thứ 2 trong gia đình có 6 anh chị em. Cô thôn nữ Ngô Thị An cũng từng là hoa khôi khiến nhiều chàng trai phải theo đuổi. Học xong THPT, thương bố mẹ già và các em còn nhỏ, An nghỉ học, theo người làng vào Bình Phước làm thuê đủ nghề để kiếm sống và phụ bố mẹ nuôi các em. Niềm vui đến với An khi được một người bà con xin vào làm công nhân tại công ty cao su Phú Riềng với mức lương 4,5 triệu đồng.
 
Thế nhưng, chỉ mới làm được chưa tới 1 tháng thì chị gặp tai nạn. Trong một lần đưa mủ cao su vô máy ép, tảng mủ khá nặng nên chị phải dùng đến chân để đỡ. Không may dép trơn, cuốn theo chân chị vào máy ép. “Khi đó thân thể thì đau đớn mà không chịu lịm đi. Đầu óc vẫn còn lờ mờ thấy mọi vật. Nhìn xuống chân mà mình chỉ muốn có viên gạch nào gần đó để đập đầu vào cho chết đi…”, đôi mắt chị rưng rưng khi nhớ lại ngày định mệnh.

Vượt qua mọi rào cản anh Huy và chị an đã đến với nhau bằng tình yêu chân thành
Vượt qua mọi rào cản anh Huy và chị an đã đến với nhau bằng tình yêu chân thành

Suốt hơn 3 tháng, ý nghĩ về cái chết không lúc nào không ám ảnh chị. Mỗi lần mở mắt, chị không tin bố mình bống chốc gầy đi nhanh chóng. Chị hiểu nếu một hành động nào dại dột của mình trong lúc này đều khiến bố chị suy sụp. Đó chính là động lực để chị tiếp tục ở lại điều trị.

Trở về nhà với đôi chân "khuyết" bên trái, nụ cười của chị cũng chẳng còn trên khóe môi. Suốt 2 năm, chị bó mình trong 4 bức tường, bạn bè đến chị không gặp. Cuộc sống chỉ diễn ra trong hơn 20 mét vuông của căn phòng với những ý nghĩ tự ti về bản thân.
 
“Có lần, mình vừa tập tễnh ra đầu ngõ, hàng xóm, con nít lại đứng lại hỏi han, thấy tủi lắm. Nhìn mấy đứa con nít nó chơi lò cò cũng cứ nghĩ là nó trêu mình. Thấy người ta đi chơi mình cũng thèm mà không dám…” - chị An nhớ lại.
 
Nhìn bố mẹ cứ ngày ngày cũng rầu héo theo mình, An xót lắm. “Bằng này tuổi người ta cũng đem tiền về cho cha, cho mẹ. Mình không thể để làm gánh nặng cho gia đình được” - ý nghĩ đó thôi thúc chị quyết tâm làm lại cuộc đời mình.
 
An quyết định chọn học nghề may tại các tiệm may trong thành phố. Ròng rã suốt thời gian đó, có khi bố chở, có khi ra ngoài đường lớn, xin đi nhờ xe của người đi đường, An quyết tâm đi học việc.

Sau này, trong một lần tình cờ, An gặp ông Hoàng Sĩ Thu - Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật - và được chú hướng dân vào làm tại đây. Không chỉ có ơn đào tạo nghề, ông Thu còn là “ông mối” mát tay se duyên cho đôi vợ chồng này…

Anh Võ Tá Huy sinh ra cũng như bao đứa trẻ bình thường khác nhưng đến năm lên 1 tuổi, Huy bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Sau nhiều lần sốt cao đến co giật, chân tay Huy co quắp liệt dần, không cử động được. Bố mẹ tìm mọi cách để cứa chữa đứa con khỏi tật nguyền nhưng đều vô vọng nhìn chân tay con teo dần.
 
Năm lên 3, Huy bắt đầu bước nhưng bước đi đầu tiên. Mẹ phải dùng gậy cầm 1 đầu, 1 đầu để Huy cầm vào bước đi. “Khi không có tui thì Huy lại lấy chiếc ghế đẩy phía trước nhảy như cóc, ngã lên ngã xuống trầy trụa khắp mình” - bà Nguyễn Thị Nghĩa - mẹ Huy nghẹn ngào.
 
Nhìn những đứa trẻ trạc tuổi cắp sách tới trường, Huy nằng nặc đòi bố mẹ để đi học. Bố mẹ cứ lần lữa mãi vì sợ con vất vả lại bị bạn bè trêu đùa, nhưng thuyết phục thế nào Huy cũng không đồng ý ở nhà. Ngày ngày bố mẹ thay nhau cõng Huy đến trường. Tuy sức học không bằng bạn bằng bè, nhưng Huy rất ham học, không nghỉ trên lớp buổi nào. Ban đầu bạn bè còn trêu ghẹo nhưng lâu dần cảm phục còn đến nhà chở Huy đi học.
 
Nhà nghèo, học đến lớp 9, Huy bỏ học đi đánh giày phụ gia đình trong tận Sài Gòn. Gần 5 tháng sau, một người bạn ở nhà báo tin có trung tâm dành cho người khuyết tật vừa mở, Huy quyết định nộp đơn vào xin học việc tại xưởng in. Khi bắt đầu cứng tay nghề cũng là lúc anh gặp người bạn đời Ngô Thị An tại đây.

Hạnh phúc không khuyết

“Hồi xưa nghĩ mình thế này chỉ mong cái nghề nuôi mình chứ chẳng nghĩ đến một mái ấm gia đình đâu” - chị An tâm sự. Yêu nhau nhưng Huy và An cũng không dám đưa nhau về giới thiệu gia đình. Ở nhà, bố mẹ nhiều lần thúc giục Huy lấy vợ để ông bà có cháu bồng nhưng Huy chi nói rằng đã có người yêu. Khi bố mẹ gặng hỏi, Huy trả lời “Đó là người con rất yêu và hoàn toàn khỏe mạnh”.

Yêu nhau 2 năm, đôi bạn trẻ mới về ra mắt gia đình. Bố mẹ Huy dường như ngã ngửa trước hình ảnh cô con dâu tương lai bị cụt chân. Mẹ anh khóc van xin: “Con ơi mẹ xin, chứ chân con đã không lành lặn giờ lấy đứa như con nữa thì hai đứa con sông răng đây”.  Vài ngày sau, gia đình An cũng lên trung tâm, nhìn thấy chàng trai di chuyển như một con ếch, hai ông bà lắc đầu ngao ngán.

“Hồi đó, 2 vợ chồng tui chỉ mong muốn con trai kiếm được người vợ khỏe mạnh để về chăm sóc cho nó chứ nào mong chi đứa đẹp đẽ gì…” - mẹ anh Huy tâm sự.

Gia đình hai bên phản đối gay gắt, Huy với An cũng chỉ biết im lặng rồi bảo ban nhau tu chí học hành thành thợ giỏi để lo cho cuộc sống gia đình sau này.

Dù bị hai gia đình phản đối nhưng chuyện tình của đôi bạn trẻ lại được cả trung tâm người khuyết tật Hà Tĩnh ủng hộ. Ông Hoàng Sỹ Thu vừa động viên hai bạn cố gắng vừa nhiều lần về nhà để thuyết phục hai gia đình. Các học viên cũng lần lượt về nhà Huy và An để thuyết phục, nhưng cả hai bên đều lắc đầu từ chối…

Mái ấm của gia đình đôi vợ chồng tật nguyền
Mái ấm của gia đình đôi vợ chồng tật nguyền

Vượt qua rào cản ngăn cấm của gia đình, sau 4 năm yêu nhau, đôi bạn trẻ đã tổ chức đấm cưới vào năm 2008 ngay tại trung tâm.

“Đám cưới tụi em đơn giản thôi nhưng mà vui thì mấy đám cưới ngoài nhà hàng, khách sạn thua xa. Bà con trong khu phố gần trung tâm đều được gửi thiệp mời, ai cũng đi đông lắm. Có gia đình cả nhà còn kéo nhau đi không thiếu một ai. Ai cũng chúc phúc cho hai đứa”, anh Huy nhìn vợ kể lại.

Sau đám cưới, cặp vợ chồng trẻ vẫn tá túc trong trung tâm. Huy làm tại xưởng in còn An làm thợ may. Cuối năm 2008, cậu con trai Võ Sỹ Hoàng chào đời trong niềm vui của cả trung tâm. “Khi đó em chỉ sờ lên chân con xem có sao không, thấy cơ thể cháu bình thường hai vợ chồng em mừng quá”.

Tình yêu của đôi bạn trẻ dần lay động được gia đình nội ngoại. Năm 2010, bố Huy qua đời sau cơn bạo bệnh, em trai đi học, Huy chuyển vợ con từ trung tâm về nhà để giúp đỡ mẹ già. Huy tiếp tục công việc in bằng việc mua một chiếc máy in về in thiệp cưới, bao bì, lịch… tại nhà. Còn An nhận sửa đồ, may quần áo cho những người có nhu cầu trong làng.
 
Cuối năm 2011, cô con gái thứ hai mang tên Võ Hoàng Việt Phương chào đời càng khiến cho ngôi nhà nhỏ của hai vợ chồng ngập tràn hạnh phúc. “Người khỏe mạnh nuôi con ăn học đã vất vả, hai vợ chồng tật nguyền còn vất vả gấp bội lần… nhưng nhìn các con hạnh phúc, thấy các cháu bi bô thây không hạnh phúc nào bằng”,  bà Nghĩa nghẹn ngào.
 
Phượng Vũ