Hàng trăm phụ nữ biến mất: Chính nạn nhân "ngã giá" để... tự bán mình?

(Dân trí) - Theo Trung tá Trần Phúc Tú, nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ chính nhận thức của người dân, cùng với đó là tư tưởng lười lao động, thích hưởng thụ. Không hiếm những vụ việc khi cơ quan điều tra làm rõ thì chính nạn nhân là người “ngã giá” để tự bán mình sang Trung Quốc với giá từ 35-80 triệu đồng.

Hàng trăm phụ nữ ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) bỗng dưng “biến mất” đã để lại nhiều hệ lụy cho an ninh, trật tự, xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, để giải quyết được tận gốc rễ vấn đề này vẫn đang là điều khiến những cơ quan liên quan đau đầu.

Phụ nữ và trẻ em gái miền núi có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người
Phụ nữ và trẻ em gái miền núi có nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn buôn người

291 phụ nữ hiện không có mặt tại địa phương, nằm trong nhóm nguy cơ không an toàn, đặc biệt, họ có thể là nạn nhân của nạn mua bán người. Khoảng 40 đứa trẻ là kết quả của những cuộc hôn nhân không giá thú của các cô gái trốn sang Trung Quốc lấy chồng rồi đưa con về Việt Nam sinh sống. Chỉ có hơn một nửa trong số đó đã được đăng kí khai sinh. Tất cả đều mang họ mẹ, phần khai dành cho bố trong giấy khai sinh được để trống. Đó là thực trạng đang xảy ra tại huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An).

Gần 300 phụ nữ “biến mất”, trong đó có 173 người được xác định là đang ở Trung Quốc. Tuy nhiên, số phận của những phụ nữ này như thế nào hiện vẫn là một câu hỏi lớn đối với ngành chức năng địa phương.

Tình trạng này không chỉ gây nguy hiểm đến chính bản thân các phụ nữ, trẻ em gái bởi nguy cơ bị bán làm vợ đàn ông Trung Quốc hay bị bán vào các động mại dâm bên kia biên giới mà còn gây nhiều hệ lụy đến tình hình an ninh trật tự, xã hội đặc biệt là khi xuất hiện những người đàn ông Trung Quốc khi sang Việt Nam tìm con.

Nhóm đối tượng mua bán người bị Công an huyện Tương Dương bắt giữ
Nhóm đối tượng mua bán người bị Công an huyện Tương Dương bắt giữ

Mặc dù các cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo, thắt chặt công tác quản lý nhưng những phụ nữ, trẻ em gái vẫn tiếp tục trốn đi Trung Quốc tìm “miền đất hứa”. Trong năm 2017, Công an huyện Tương Dương đã phá 3 vụ án, bắt 3 đối tượng, giải cứu 5 nạn nhân đang trên đường được đưa sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi lẽ, số lao động này rời địa phương nhưng không thực hiện bất kỳ một thủ tục nào về cư trú hay báo cáo với chính quyền cấp xã.

Trên thực tế, nhiều vụ án mua bán người, mua bán trẻ em chỉ được điều tra và đưa ra xét xử khi các nạn nhân vỡ mộng “giấc mơ Trung Quốc”, trở về Việt Nam và tố cáo người đưa mình đi. Hầu hết các nạn nhân đều cho biết, sau khi theo lời dụ dỗ lương cao, việc nhẹ của các đối tượng để đi sang Trung Quốc, họ bị bán làm vợ, phải chịu sự kìm kẹp, quản lý của gia đình chồng, hoặc tệ hơn là bị bán vào các cơ sở mại dâm, bị đối xử như các nô lệ tình dục.

Bà Lô Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình trạng phụ nữ rời địa phương sang Trung Quốc đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn rất nhức nhối
Bà Lô Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình trạng phụ nữ rời địa phương sang Trung Quốc đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn rất nhức nhối

Theo Trung tá Trần Phúc Tú, nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ chính nhận thức của người dân, cùng với đó là tư tưởng lười lao động, thích hưởng thụ. Không hiếm những vụ việc khi cơ quan điều tra làm rõ thì chính nạn nhân là người “ngã giá” để tự bán mình sang Trung Quốc với giá từ 35-80 triệu đồng.

Bởi vậy, ngoài việc ngăn chặn các nguy cơ từ bên ngoài bằng việc giám sát, quản lý các đối tượng lạ mặt xuất hiện trên địa bàn thì việc thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là thông tin về các nguy cơ có thể gặp phải khi sang Trung Quốc được xác định là vấn đề then chốt.

“Chỉ mỗi các cơ quan, ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện vào cuộc quyết liệt thôi chưa đủ. Trên thực tế, tôi thấy chính quyền cấp cơ sở chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là đội ngũ cán bộ xã, thôn bản chưa nhận thức đúng về vấn nạn này”, Trung tá Trần Phúc Tú thẳng thắn chỉ rõ.

Trên địa bàn huyện Tương Dương hiện có khoảng 40 trẻ em là kết quả của cuộc hôn nhân không giá thú giữa phụ nữ địa phương và đàn ông Trung Quốc. Các cháu được mẹ đưa về, gửi ông bà chăm sóc, chỉ hơn một nửa trong số đó đã được khai sinh theo họ của mẹ
Trên địa bàn huyện Tương Dương hiện có khoảng 40 trẻ em là kết quả của cuộc hôn nhân không giá thú giữa phụ nữ địa phương và đàn ông Trung Quốc. Các cháu được mẹ đưa về, gửi ông bà chăm sóc, chỉ hơn một nửa trong số đó đã được khai sinh theo họ của mẹ

“Trước đây, có khoảng hơn 1.000 phụ nữ huyện Tương Dương không có mặt tại địa phương, chủ yếu là đi sang Trung Quốc. Các lao động nữ này đều đi bằng con đường bất hợp pháp. Những năm gần đây, nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt các cơ quan chức năng nên tình trạng này đã giảm rõ rệt”, bà Lô Thị Kim Oanh – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tương Dương cho biết.

Qua khảo sát của Hội LHPN huyện, ngoài nguyên nhân không có việc làm thì một nguyên nhân được nhắc tới đó là những biến cố trong cuộc sống hôn nhân. Những phụ nữ này có cuộc sống bế tắc khi chồng nghiện ma túy hay thường xuyên bị đánh đập. Không chịu nổi, họ quyết định ra đi mà không biết rằng mình đang dấn thân vào một bi kịch mới.

Giải quyết việc làm được xác định là một trong những biện pháp nhằm giảm tình trạng lao động nữ rời địa bàn. Trong khi tạo việc làm tại chỗ khó khăn thì xuất khẩu lao động là hướng đi khá mới mẻ tại địa phương này.

Trong năm 2017, thông qua Hội LHPN huyện, Phòng LĐ-TB&XH, các tổ chức chính trị, xã hội khác, đã có 435 phụ nữ được tổ chức đi làm việc tại các doanh nghiệp, công ty trong nước. 34 người được hỗ trợ học nghề và chi phí xuất cảnh khi xuất khẩu lao động sang Ả rập. Hầu hết số lao động này làm việc chân tay đơn giản, không đòi hỏi quá cao về tay nghề.

Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thì tạo việc làm, giúp phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn làn sóng di cư ngầm sang Trung Quốc của phụ nữ miền núi
Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân thì tạo việc làm, giúp phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những giải pháp nhằm ngăn chặn làn sóng "di cư ngầm" sang Trung Quốc của phụ nữ miền núi

Nhiều mô hình phòng chống mua bán người, phụ nữ hỗ trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế cũng đã được xây dựng và bước đầu có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, bà Oanh cũng cho rằng, tình trạng phụ nữ rời địa phương, sang Trung Quốc làm việc khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn.

Và một thực tế không thể phủ nhận là tình trạng “di cư ngầm” của một bộ phận phụ nữ huyện Tương Dương vẫn đang tiếp tục diễn ra, bất chấp sự nỗ lực của các cơ quan chức năng.

Hoàng Lam