Nghệ An:

Hàng trăm người “rầm rập” phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp

(Dân trí) - Những ngày qua có khoảng 1.000 người dân ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, Nghệ An kéo nhau vào lâm trường Cô Ba để chặt phá rừng. Theo thông tin ban đầu, người dân phá rừng để chiếm đất lâm nghiệp.

Những cây có tuổi đời khá bị đốn hạ (Ảnh: Trần Minh).
Những cây có tuổi đời khá bị đốn hạ (Ảnh: Trần Minh).
 
Theo thống kê, từ ngày 8-13/6/2013, tại lâm trường Cô Ba đóng trên xã Châu Bình có gần 1.000 người dân của 17 bản kéo vào chặt phá rừng. Theo thống kê chưa đầy đủ của Lâm trường Cô Ba, rất nhiều cây rừng trên 10 năm tuổi đã bị người dân đốn hạ, trơ gốc.

Theo thống kê của lâm trường Cô Ba các tiểu khu bị xâm hại gồm 200, 204, và 205 do lâm trường quản lý. Hiện lâm trường không thể kiểm soát và bảo vệ được diện tích rừng thuộc địa phận của mình khi gần toàn bộ người dân của Châu Bình vào rừng phá hoại.

Ở khu vực đỉnh Pù Đô thuộc tiểu khu 205 của lâm trường Cô Ba quản lý, chỉ trong vòng 4 ngày qua thì khu vực này đã có đến hơn 200ha rừng bị người dân chặt phá và xâm lấn. Suốt dọc chiều dài khoảng 7km đường rừng nơi đâu cũng bắt gặp cảnh tàn phá rừng. Mặc dù đây là khu vực được xem là rừng nghèo kiệt nhưng theo ghi nhận thì rất nhiều cây gỗ tự nhiên có tuổi từ 15 đến 20 năm tuổi đang bị đốn hạ.
Nhiều diện tích rừng của Lâm trường Cô Ba bị tàn phá (Ảnh: Trần Minh).
Nhiều diện tích rừng của Lâm trường Cô Ba bị tàn phá (Ảnh: Trần Minh).

Lãnh đạo UBND huyện Quỳ Châu cho biết, sau khi xảy ra vụ việc đã tổ chức họp khẩn đưa ra các phương án giải quyết, giao cho cấp các ngành cùng vào cuộc, tìm ra các đối tượng xúi dục, cùng tuyên truyền để người dân nhận thức ra việc làm sai trái.

"Việc chặt phá rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp nếu không sớm được giải quyết thì sẽ gây mất an ninh trật tự tại Châu Bình. Bên cạnh đó, việc chặt phá tràn lan còn gây ra nguy cơ cháy rừng khi nền nhiệt độ tại Quỳ Châu đang cao. Nếu xảy ra cháy rừng tại các khu vực này sẽ gây thiệt hại lớn đối với diện tích rừng ở Quỳ Châu", một cán bộ lâm trường Cô Ba cho biết.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao có đến nhiều xóm, với hàng trăm người dân đổ xô vào phá rừng đầu nguồn để chiếm dụng đất lâm nghiệp của lâm trường Cô Ba thì hầu hết họ đều nói rằng thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm.

Ông Lô Văn M. (Bản Độ 2, Châu Bình) cho rằng: "Do không có đất sản xuất, chúng tôi vào chặt cây để kiếm ít diện tích sản xuất mà đất rừng thì bỏ hoang nên chúng tôi vào làm thôi". Còn anh B.A.T (Bản Bình 1, Châu Bình) phân trần: "Dân chúng tôi hiện nay không có đất sản xuất, mà đi làm thuê nhiều rồi mỗi ngày được 100.000 - 200.000 đồng, nếu trời mưa thì không có chi cả, giờ mong muốn có ít đất rừng để sản xuất phát triển kinh tế, chúng tôi sẽ nộp thuế cho nhà nước.

Về phía Lâm trường Cô Ba - đơn vị bị hại, tính đến thời điểm này đã có trên 450ha rừng bị xâm phạm, trong đó một số diện tích đã được người dân trồng cây nguyên liệu.
Nhiều diện tích rừng của Lâm trường Cô Ba bị tàn phá (Ảnh: Trần Minh).
Theo thống kê của Lâm trường Cô Ba, đến thời điểm này có khoảng 450ha bị người dân chặt phá (Ảnh: Trần Minh).

Trao đổi với PV Dân trí sáng ngày 14/6, ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Lâm trường Cô Ba cho biết: “Với tình trạng trên nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ có thêm nhiều diện tích rừng đầu nguồn của lâm trường bị tàn phá, chúng tôi đã huy động mọi lực lượng để ngăn cản nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có mặt tại hiện trường để giải quyết vụ việc”.

Hiện tại để ngăn chặn người dân vào rừng, chặt phá cây lấn chiếm đất lâm nghiệp huyện Quỳ Châu cùng các ngành chức năng đang tập trung tuyên truyền để người dân chấp hành. Bên cạnh đó tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân của sự việc.
 
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nguyễn Duy - Đức Minh