1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hàng trăm hộ dân khốn khổ vì sống cảnh "vô thừa nhận” giữa Thủ đô

(Dân trí) - Dù đã chuyển đến sinh sống được hơn một năm nhưng hàng trăm hộ dân tại chung cư Đông Đô (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) vẫn không thể biết mình đang cư trú trên địa bàn thuộc phường và quận nào. Điều này gây ra hàng loạt khó khăn và phiền toái làm đảo lộn mọi sinh hoạt của người dân nơi đây.

Sinh hoạt đảo lộn vì không xác định được địa giới hành chính

Chuyện hy hữu xảy ra ngay tại Hà Nội khi hơn 1 năm qua, hơn 100 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu thuộc chung cư Đông Đô (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) phải sống trong tình cảnh “dở khóc, dở cười” do không biết mình thuộc địa bàn phường, quận nào quản lý. Nguyên nhân được cho là do các cơ quan chức năng chưa phân định được danh giới hành chính của tòa nhà. Vì thế, khi chưa có ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội thì không phường nào đồng ý tiếp nhận công dân, điều này đồng nghĩa với việc, các hộ dân ở đây cũng không thể nhập hộ khẩu và xin học cho con em mình.

Anh Vũ Đăng Minh (36 tuổi, cư dân chung cư Đông Đô) cho biết, gia đình anh chuyển đến sinh sống tại tòa nhà từ tháng 8/2015 thế nhưng cho đến nay vẫn không được đăng ký tạm trú, tạm vắng, hàng loạt các thủ tục hành chính cần giải quyết cũng không biết phải trình báo ai và đăng ký ở đâu. Rắc rối lớn nhất là việc xin học cho con cái. Gia đình anh Minh có 2 người con đã đến tuổi đi học thì đều phải khốn khổ xin nhập hộ khẩu nhờ của người thân mới được chuyển đến trường đúng tuyến. Anh Minh bức xúc cho hay: “Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với các phường nhưng đơn vị nào cũng từ chối và cho biết cư dân ở đây không thuộc phường mình quản lý. Sống giữa thủ đô Hà Nội mà chúng tôi không biết được mình chịu sự quản lý của phường hay quận nào”, anh Minh nói.

Nhiều hộ gia đình có hộ khẩu ở các tỉnh, quận xa, rất khó khăn trong việc lo thủ tục, giấy tờ.
Nhiều hộ gia đình có hộ khẩu ở các tỉnh, quận xa, rất khó khăn trong việc lo thủ tục, giấy tờ.

Trong khi đó, anh Đỗ Xuân Quý (37 tuổi, cư dân chung cư Đông Đô) cũng chia sẻ, theo Hợp đồng mua bán căn hộ thì dự án tòa nhà chung cư Đông Đô mà anh đang ở thuộc địa phận của 2 phường là phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) và phường Xuân La (quận Tây Hồ).

Dù đã chuyển đến sinh sống được hơn 1 năm nhưng hiện nay, hộ khẩu của gia đình anh Quý vẫn thuộc quản lý của Quận Hà Đông (nơi ở cũ của vợ chồng anh) mà không thể chuyển về nơi ở mới. “Vợ tôi vừa sinh con thứ 2, tôi lên hai phường để đăng ký giấy khai sinh đều bị từ chối và phải quay về quận Hà Đông để làm. Tôi mất giấy CMND cũng không biết phải xin giấy xác nhận ở đâu vì chẳng có đơn vị nào cấp giấy tạm trú, tạm vắng và quản lý nhân khẩu cho tôi cả. Trước khi mua nhà ở đây, tôi cũng không lường trước được những rắc rối phát sinh do địa giới tòa nhà gây ra”, anh Quý nói.

Không chỉ riêng trường hợp của gia đình anh Quý và anh Minh, hàng trăm hộ dân khác của tòa nhà cũng gặp khó khăn trong việc tiến hành các thủ tục hành chính và hoàn thành các giấy tờ cá nhân. Nhiều hộ gia đình có hộ khẩu ở các tỉnh, quận xa… đều phải tìm cách xin nhập hộ khẩu vào nhà người thân ở gần để tiện việc lo thủ tục, giấy tờ. Một số khác, đành chấp nhận việc sống “vô thừa nhận” và cho con em mình học tập ở các trường ngoài công lập.


Hơn 1 năm qua, khoảng 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu thuộc chung cư Đông Đô (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) đang phải sống trong tình cảnh “dở khóc, dở cười”.

Hơn 1 năm qua, khoảng 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu thuộc chung cư Đông Đô (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) đang phải sống trong tình cảnh “dở khóc, dở cười”.

Chị Hồng Vân (cư dân tòa nhà Đông Đô) cho biết hiện nay con gái chị đã đến tuổi đi học mẫu giáo nhưng chị vẫn chưa cho con đi học vì muốn chờ hoàn thiện xong hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú tại nơi mình sinh sống. “Tôi muốn con được học ở trường công lập gần nhà nhưng hiện giờ thì không thể. Sắp vào năm học mới rồi cả nhà tôi như ngồi trên đống lửa. Tôi chỉ mong muốn các cơ quan chức năng sớm thống nhất việc phân định danh giới để người dân chúng tôi ổn định việc học tập, công tác”, chị Vân nói.

Đỉnh điểm của những rắc rối và phiền phức trong việc chưa xác định được địa giới hành chính của tòa nhà là hàng trăm hộ dân ở đây “suýt” chút nữa đã không được tiến hành bầu cử. Người dân đã phải đồng loạt gửi đơn kêu cứu khẩn cấp nên UBND TP Hà Nội thì mới tạm thời được phân bầu cử tại địa bàn phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Tuy nhiên, cho đến nay tất cả các hộ dân ở đây vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản trả lời nào về đơn vị sẽ tiến hành việc quản lý hành chính đối với tòa nhà này. Nhiều hộ dân cho biết họ sống trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, bán cũng không được mà ở thì cũng không xong.

Một tòa nhà 2 phường cùng quản lý

Chung cư Đông Đô là dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ Học viện Quốc phòng, do Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Đông Đô làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 8 năm 2013 và bàn giao cho các hộ dân chuyển về sinh sống từ giữa năm 2015. Hiện tại có khoảng 120 hộ dân đến ở. Liên quan đến những vướng mắc trong việc phân định danh giới tòa nhà, ông Nguyễn Thành Hoan (Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xây dựng Đông Đô – Chủ đầu tư chung cư Đông Đô) cho biết, tòa nhà chung cư Đông Đô được xây dựng trên địa phận của 2 phường là Phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) và Phường Xuân La (Tây Hồ). Trước những khó khăn phát sinh trong việc phân danh giới tòa nhà gây ra, vào tháng 3/2016 Chủ đầu tư tòa nhà đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội xem xét giải quyết thống nhất sự quản lý tòa nhà và hiện vẫn đang chờ kết luận cuối cùng.


Không có giấy tạm trú tạm vắng nhiều em nhỏ không đi học được phải ở nhà với ông bà.

Không có giấy tạm trú tạm vắng nhiều em nhỏ không đi học được phải ở nhà với ông bà.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Cường, Chủ tịch Phường Nghĩa Đô cho biết, thực tế tòa nhà chung cư Đông Đô nằm trên phần đất của hai phường là Xuân La và phường Nghĩa Đô. Trong đó, diện tích thực tế thuộc sự quản lý của phường Nghĩa Đô là hơn 300m2, phường Xuân La là hơn 800m2. Đây cũng chính là vướng mắc khiến cho các phường gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc quản lý nhân khẩu. “Thực tế, vấn đề này đã được UBND TP Hà Nội giao cho Sở Nội vụ xem xét và giải quyết. Nếu tòa nhà thuộc phần đất của một phường hoặc nếu là hai tòa nhà khác nhau thì chúng tôi rất dễ quản lý, thống nhất. Nhưng với trường hợp này lại khác, nó liên quan đến địa chính của nhiều đơn vị nên chúng tôi bắt buộc phải chờ ý kiến chỉ đạo và kết luận cuối cùng của Sở Nội vụ và UBND TP Hà Nội”, ông Cường nói.

Đại diện một lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, hiện Sở đang triển khai việc chỉnh lý, lập mới hồ sơ bản đồ địa giới hành chính các cấp của thành phố, trong đó có nội dung chỉnh lý lại địa giới hành chính tại các khu vực đường địa giới hành chính bị phá vỡ do việc dây dựng, phát triển đô thị. Liên quan đến việc xác định địa giới tòa nhà Đông Đô (Hoàng Quốc Việt), Sở nội vụ đã nhiều lần tổ chức các buổi họp với lãnh đạo các phường để thống nhất đề nghị chỉnh lý phần diện tích đất của dự án. Theo đó, do đặc điểm lý, tòa nhà gần với các cơ quan trường học, các thiết chế văn hóa, dân sinh của phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) hơn so với phường Xuân La (Tây Hồ), các cư dân của tòa nhà có nguyện vọng thực hiện các thủ tục hành chính, dân sự tại phường Nghĩa Đô. Sở Nội vụ và các Phường đã thống nhất và có văn bản đề nghị thành phố giao cho UBND phường Nghĩa Đô quản lý hành chính đối với các cư dân tại đây. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy nhanh các trình tự, thủ tục trình các cấp có thẩm quyền hoàn chỉnh hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính theo hướng: Chỉnh lý toàn bộ diện tích đất thuộc Dự án Khu tái định cư, bãi đỗ xe, cây xanh tập trung và công trình công cộng hành chính đơn vị nêu ở trên về địa giới hành chính của phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy", vị lãnh đạo này nói.

Hà Trang - Trọng Trinh - Nguyễn Tuyền