1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Hàng loạt sai phạm mới tại Công ty IPC Tân Thuận

(Dân trí) - Ngoài sai phạm trong việc cổ phần hóa khiến Nhà nước có nguy cơ mất quyền chi phối cảng Khu công nghiệp Cát Lái, Công ty IPC Tân Thuận còn sai phạm trong thực hiện dự án, góp vốn liên doanh, chuyển nhượng dự án. Thanh tra TPHCM đề nghị chuyển một số vụ việc sang cơ quan điều tra xử lý.

Theo kết luận thanh tra gửi UBND TP và Thanh tra Chính phủ, Thanh tra TPHCM chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là Công ty IPC – Công ty thuộc UBND TPHCM) trong việc cổ phần hóa, thực hiện dự án, góp vốn liên doanh.

Hàng loạt sai phạm mới tại Công ty IPC Tân Thuận - 1

Thanh tra TPHCM chỉ ra hàng loạt sai phạm mới tại Công ty IPC và đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý 4 vụ việc (ảnh: Website Công ty IPC)

Tại dự án Khu dân cư Long Thới (huyện Nhà Bè), Công ty IPC được giao đất để thực hiện tái định cư cho Khu công nghiệp Hiệp Phước nhưng từ năm 2000 đến 2007, Công ty đã thực hiện chuyển nhượng 341 nền đất cho các đối tượng không thuộc diện tái định cư.

Kết luận thanh tra nêu rõ việc này không đúng quy định Luật Đất đai năm 1993 và Luật Đất đai 2003 về việc nghiêm cấm các hành vi sử dụng đất sai mục đích.

Tổng Giám đốc Công ty IPC cũng tự quyết định giá từ 350.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/m2 đất, trong đó chủ yếu là bán giá 350.000 đồng/m2 khoảng gần 3,5ha trong tổng số hơn 6,1ha.

Theo kết luận thanh tra, Công ty IPC sử dụng vốn không đảm bảo hiệu quả, có khả năng gây thiệt hại cho Công ty IPC ít nhất hơn 43 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty IPC chuyển nhượng 2 Block chung cư dự án Khu dân cư Long Thới mà không xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, giá chuyển nhượng do đơn vị tự tính là hơn 17 tỷ đồng.

Theo kết luận thanh tra, Công ty IPC không thẩm định giá chuyển nhượng là vi phạm quy định Pháp lệnh giá số 20 năm 2002.

Tại dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước 2 (huyện Nhà Bè), Thanh tra TP kết luận Công ty IPC chuyển nhượng dự án cho Công ty HIPC (Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước – Công ty liên kết, IPC nắm 40,54% vốn điều lệ) thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã bồi thường.

Việc Công ty IPC không tiến hành thẩm định giá, đấu giá để xác định giá thị trường là không đảm bảo quyền lợi chủ đầu tư, cần được kiểm tra làm rõ những sai phạm trong việc chuyển nhượng sai quy định để có cơ sở kết luận những thiệt hại.

Cụ thể, năm 2009, Công ty IPC chuyển giao dự án cho HIPC với giá hơn 468 tỷ đồng, bao gồm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và lãi vay là hơn 322 tỷ đồng, lợi thế thương mại là hơn 145 tỷ đồng – giá trị này được xác định trên cơ sở bảo tồn vốn đầu tư của IPC tại HIPC là 60,8% khi Công ty HIPC tăng vốn điều lệ từ 60 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, việc xác định giá trị lợi thế thương mại khi chuyển nhượng dự án hơn 145 tỷ đồng là không có cơ sở.

Theo báo cáo của HIPC vào tháng 3/2019, công ty đã cho 79 doanh nghiệp thuê với diện tích trên 121ha (còn lại diện tích hơn 213ha chưa cho thuê), tổng số tiền thu được là hơn 1,9 nghìn tỷ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ ra sai phạm của Công ty IPC tại dự án Khu định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Dự án do Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco – công ty liên kết, IPC nắm 28,8% vốn điều lệ) làm chủ đầu tư. Công ty IPC góp vốn đầu tư theo 3 hợp đồng góp vốn với số tiền 492 tỷ đồng.

Sau đó, Công ty IPC chuyển nhượng nền đất được nhận từ việc góp vốn với Sadedo. Công ty chuyển nhượng số lượng lớn nền đất cho một số cá nhân mà không tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng nền đất không hiệu quả, vì năm 2008, Công ty IPC góp vốn với Sadeco với giá 6,6 triệu đồng/m2, đến năm 2016 chuyển nhượng với giá 7 triệu đồng/m2.

Cũng theo kết luận thanh tra, chứng thư thẩm định giá không phù hợp với giá thị trường, thấp hơn giá Công ty Sadeco công bố và bán cho khách hàng, thấp hơn giá chuyển nhượng theo kết quả thu thập các hợp đồng chuyển nhượng tại dự án (do Chi Cục thuế huyện Bình Chánh cung cấp).

Người đại diện vốn của Công ty IPC tại Công ty Sadeco (ông Tề Trí Dũng – Tổng Giám đốc IPC) nắm bắt được tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty Sadeco, trong đó có việc quyết định đơn giá chuyển nhượng nền đất tại dự án. Do đó, Công ty IPC không thể không biết việc công ty áp dụng đơn giá chuyển nhượng thấp hơn giá công bố và giá chuyển nhượng của Công ty Sadeco.

Ngoài ra, đối với các hợp đồng chuyển nhượng năm 2016, Công ty IPC đăng báo mời hợp tác đầu tư trước khi thẩm định giá là không phù hợp.

Theo kết luận thanh tra, bản chất sự việc là chuyển nhượng nền đất, không phải là hoạt động hợp tác đầu tư kinh doanh. Việc Công ty IPC không tổ chức bán đấu giá, việc lựa chọn nhà đầu tư, áp dụng đơn giá chuyển nhượng không đúng với giá thị trường và bổ sung thu tiền khách hàng khi hợp đồng chấm dứt thể hiện giá chuyển nhượng không phù hợp thực tế.

“Do đó, việc xây dựng đơn giá nền đất chuyển nhượng nền đất của Công ty IPC có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Theo Thanh tra TP, những vụ việc trên có dấu hiệu sai phạm gây bất lợi và thiệt hại cho vốn Nhà nước do Công ty IPC làm đại diện chủ sở hữu, có dấu hiệu vi phạm Điều 179 Bộ Luật Hình sự 2015 năm 2015 quy định về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Do đó, Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP giao Thanh tra TP phối hợp Công an TP chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tối 14/52019, Công an TPHCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của ông Tề Trí Dũng - nguyên Tổng giám IPC do liên quan đến các sai phạm tại Công ty này. Ông Tề Trí Dũng bị khởi tố về 2 tội danh: tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cùng với ông Dũng, bà Hồ Thị Thanh Trúc – Tổng Giám đốc Sadeco cũng bị bắt tạm giam để điều tra về 2 tội danh nêu trên.

Quốc Anh