Hàng loạt dự án di dân tái định cư bị chậm do… thiếu tiền

(Dân trí) - Nghệ An hiện đang có 12 dự án di dân tái định cư được triển khai nhưng có tới… 10 dự án bị chậm tiến độ cùng với đó là 10 dự án định canh định cư đang trong tình trạng dở dang. Nguyên nhân được xác định là do số vốn giải ngân cho các dự án quá ít. Sau gần 10 năm triển khai, nguồn vốn được cấp chưa bằng 1 nửa dự toán kinh phí được phê duyệt.

 

Hàng trăm hộ dân đã được di dời ra khỏi các điểm sạt lở, thiếu an toàn sau khi các dự án tái định cư, di canh di cư được triển khai.
Hàng trăm hộ dân đã được di dời ra khỏi các điểm sạt lở, thiếu an toàn sau khi các dự án tái định cư, di canh di cư được triển khai.

Theo thống kê của Sở NN&PTNN Nghệ An, hiện tỉnh này có 12 dự án di dân, tái định cư đang được triển khai với quy mô bố trí sắp xếp cho hơn 1.000 hộ dân. Trong đó có 10 dự án được UBND tỉnh Nghệ An giao cho UBND các huyện làm chủ đầu tư, 2 dự án cho Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh mà chủ đầu tư. Các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương mỗi huyện có 2 dự án; Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai mỗi địa phương có một dự án.

12 dự án di dân tái định cư có tổng mức đầu tư được phê duyệt là trên 516 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là trên 316 tỷ, ngân sách địa phương là gần 155 tỷ. Đến hết năm 2015 mới chỉ bố trí được 190 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương là 148 tỷ (đạt 40,9% số vốn cần bố trí), ngân sách địa phương là khoảng gần 42 tỷ đồng (đạt 22% tổng số vốn cần bố trí). Tính đến thời điểm cuối năm 2015, 12 dự án di dân tái định cư mới chỉ bố trí được cho 128 hộ dân đến nơi ở mới, đạt 12,4% dự án được phê duyệt.

Tuy nhiên, nhiều dự án di dân, tái định cư phải kéo dài thời gian thực hiện dự án do thiếu vốn khiến các công trình đã thực hiện đứng trươc nguy cơ xuống cấp.
Tuy nhiên, nhiều dự án di dân, tái định cư phải kéo dài thời gian thực hiện dự án do thiếu vốn khiến các công trình đã thực hiện đứng trươc nguy cơ xuống cấp.

Song song với 12 dự án di dân tái định cư, hiện ở Nghệ An cũng đang thực hiện 12 dự án định canh định cư tập trung và 33 điểm tái định canh, định cư xen ghép với tổng số vốn lên tới gần 192 tỷ đồng. Trong số 12 dự án định canh định cư tập trung thì chỉ có 10 dự án được phê duyệt kinh phí, 2 dự án còn lại dù đã được Thủ tướng phê duyệt nhưng không đầu tư do tổng mức đầu tư quá lớn. Thế nhưng cả 10 dự án định canh định cư này đều đang trong tình trạng dở dang.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An thì hiện có 4 dự án đã xây dựng được cơ bản các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, đã có các hộ dân chuyển đến tái định cư tuy nhiên khả năng hoàn thành dứt điểm dự án trong thời gian tới rất khó dù số vốn hỗ trợ để hoàn thành không lớn. Có 4 dự án chưa đủ điều kiện về cơ sở thiết yếu để chuyển dân đến; 1 dự án đã chuyển các hộ dân đến tái định cư nhưng còn thiếu các công trình hạ tầng thiết yếu để phục vụ đời sống và sản xuất của người dân. Thậm chí có những dự án đã xây dựng xong cơ sở hạ tầng nhưng thiếu vốn để trả nợ như dự án tái định cư có 50 hộ dân ở xã Lưu Kiền (Tương Dương).

Ngoài ra còn có 4 điểm dự án định canh định cư xen ghép chưa có vốn thực hiện, 2 điểm dự án đã được hoàn thành nhưng chưa có vốn để thanh toán. Do vậy mục tiêu hoàn thành di dân thực hiện định canh định cư vào năm 2015 theo kế hoạch được duyệt không thực hiện được.

Một số dự án tái định cư đã hoàn thành nhưng đời sống của người dân chưa thực sự bền vững.
Một số dự án tái định cư đã hoàn thành nhưng đời sống của người dân chưa thực sự bền vững.

Sau 8 năm triển khai các dự án định canh định cư, mới chỉ chuyển được 245/497 hộ dân đến 5 điểm dự án. Đời sống vật chất, tinh thần và điều kiện phát triển sản xuất của bà con nơi ở mới còn nhiều vất vả và chưa thực sự bền vững. Còn 252 hộ dân thuộc diện quy hoạch chưa được chuyển đến tái định cư tại các dự án định canh định cư tập trung để ổn định đời sống và sản xuất do thiếu vốn để triển khai tiếp các dự án.

Ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Nghệ An cho biết: “Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến các tồn tại ở các dự án là thiếu vốn đầu tư. Vốn Trung ương bố trí cho các dự án định canh định cư tập trung chỉ tương đương 50% kinh phí dự án, đạt 35% nhu cầu vốn thực tế. Mặt khác, việc bố trí nguồn vốn lại mang tính nhỏ giọt và kéo dài. Trong khi đó ngân sách tỉnh lại không đủ khả năng để bố trí 65% số vốn còn lại theo nhu cầu thực tế xây dựng hoàn thành các dự án. Nguồn vốn ngân sách tỉnh và lồng ghép bố trí hàng năm cho các dự án chỉ đạt 10%”.

Việc chậm hoàn thành các dự án di dân tái định cư, định canh định cư dẫn đến lãng phí kép. Các công trình đã hoàn thành đối mặt với nguy cơ xuống cấp, phải bố trí kinh phí bảo dưỡng, bảo vệ. Bên cạnh đó, giá cả vật liệu thay đổi khiến nguồn vốn triển khai bị đội lên. Trong các dự án chưa được hoàn thành để đưa vào sử dụng thì cuộc sống của hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu vẫn phải đối mặt với nguy hiểm, tạm bợ ở những nơi cần phải được di dời.

                                                                            Hoàng Lam