Đắk Nông:

Hàng chục hộ dân đồng loạt viết đơn tình nguyện thoát nghèo

(Dân trí) - Vì không muốn tiếp tục là gánh nặng cho xã hội, cũng là tạo cơ hội cho nhiều hộ nghèo khác nhận sự giúp đỡ của nhà nước, nhiều hộ dân thôn 8 (xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) đã làm đơn tình nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo. Phong trào lan rộng, nhiều hộ dân ở các thôn khác cũng xin thoát nghèo.

Ông Lê Trọng Thảo, Trưởng thôn 8, xã Quảng Khê (huyện Đắk G’Long) phấn khởi cho biết, trong lần họp thôn hồi tháng 10 vừa rồi, sau khi nghe phổ biến về việc xét hộ nghèo năm 2020, nhiều hộ gia đình đã làm đơn xin thoát nghèo. Ban đầu chỉ là 1,2 hộ dân, tuy nhiên sau đó nhiều hộ nhận thấy điều kiện của gia đình không còn quá khó khăn nên cũng làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Theo ông Thảo, đây là năm đầu tiên tại thôn có trường hợp người dân xin tự nguyện thoát nghèo, không những ở một vài hộ và có tới 66 hộ (tổng số 300 hộ dân của thôn). Việc người dân tình nguyện xin thoát nghèo đã lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng và “truyền cảm hứng” cho nhiều hộ dân trong xã Quảng Khê.

Hàng chục hộ dân đồng loạt viết đơn tình nguyện thoát nghèo - 1
Gia đình anh Hùng là một trong những hộ dân đầu tiên của thôn 8 xin thoát nghèo

Anh Trần Văn Hùng (SN 1973, trú thôn 8, xã Quảng Khê) là một trong những hộ dân đầu tiên xin thoát nghèo từ tháng 10/2019. Anh Hùng cho biết, mình sinh ra trong gia đình gồm 11 người con tại Đồng Nai. Đông con, không có đất sản xuất nên cuối năm 2009, anh cùng vợ con rời quê lên Đắk Nông làm kinh tế. Những năm đầu, khi đất đai sản xuất chưa có, hai vợ chồng phải đi làm thuê, nuôi hai con ăn học, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã Quảng Khê.

Tuy nhiên từ năm 2019, hơn 1ha cà phê, hồ tiêu của anh Hùng đã cho thu, con trai đầu đã tự đi làm nuôi sống bản thân nên gia đình anh Hùng xin địa phương cho thoát nghèo. Lá đơn của anh Hùng viết ngắn gọn, với lý do muốn giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước và trao cơ hội được hỗ trợ cho những hộ dân khác nên anh xin thoát nghèo đồng thời tạo động lực làm kinh tế cho vợ con và các hộ dân khác.

Hàng chục hộ dân đồng loạt viết đơn tình nguyện thoát nghèo - 2
Anh nông dân chia sẻ, việc xin thoát nghèo là để giảm bớt gánh nặng cho xã hội, nhà nước

Anh nông dân này chia sẻ: “Cũng giống như các hộ nghèo khác, những năm trước gia đình tôi không có nguồn thu nhập thường xuyên. Với nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng vợ chồng vẫn tạo điều kiện tốt nhất để các con đến trường. Chính việc lo cho các con ăn học khiến gia đình gặp nhiều khó khăn và cái nghèo cứ đeo bám. Nay một cháu đã đi làm nên gia đình cũng bớt đi một gánh nặng”.

Tương tự anh Hùng, bà Bùi Thị Xuân (SN 1967, trú thôn 8) cũng làm đơn tình nguyện thoát nghèo. Bà Xuân từ Tuyên Quang vào Đắk Nông sinh sống sau khi gặp đổ vỡ trong hôn nhân. Một mình nuôi con, lại từng có thời gian dài điều trị căn bệnh ung thư, song bà Xuân tâm niệm, nếu mình còn sức khỏe, mình sẽ làm ăn chứ không thể mãi trông chờ vào trợ cấp, chế độ của nhà nước.

Hàng chục hộ dân đồng loạt viết đơn tình nguyện thoát nghèo - 3
Bà Xuân cùng 65 hộ dân khác phấn khỏi, tình nguyện xin thoát nghèo

“Ngày mới vào đây chỉ có một mẹ một con nên thực sự rất vất vả, hai mẹ con phải dựng một túp lều bạt ở ngay trong rẫy. Sau khi gom góp mua được hơn 1ha đất sản xuất, đời sống của hai mẹ con cũng được cải thiện. Bây giờ con trai ra ở riêng, sức khỏe của tôi vẫn tốt, vẫn lao động được nên xin ra khỏi hộ nghèo. Mình không thể dựa dẫm vào chính sách hỗ trợ mãi được”, bà Xuân tâm sự.

Theo cán bộ Lao động xã hội xã Quảng Khê, sau đợt rà soát đánh giá hộ nghèo, toàn xã có 1.095 hộ thuộc diện hộ nghèo. Tuy nhiên, đã có 247 hộ làm đơn tình nguyện thoát nghèo, trong đó tập trung đông nhất là thôn 8. Nếu đơn xin thoát nghèo của các hộ dân được xét duyệt thì trong hai năm, các hộ dân này vẫn được hưởng một số chính sách của Nhà nước như thẻ bảo hiểm y tế cho con em đi học, miễn giảm học phí….

Hàng chục hộ dân đồng loạt viết đơn tình nguyện thoát nghèo - 4
Bà Xuân tâm niệm, nếu còn sức khỏe thì không thể trông chờ vào trợ cấp nhà nước

Ông Nguyễn Văn Kiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long nhìn nhận, việc xét công nhận hộ nghèo, hộ thoát nghèo tại các địa phương thời gian qua vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi còn nhiều người dân vẫn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, việc gần 250 hộ dân của địa phương tình nguyện làm đơn xin thoát nghèo cho thấy người dân đã từng bước thay đổi nhận thức, nỗ lực vươn lên làm giàu cho gia đình.

“Đây là kết quả của việc vận động người dân, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để tuyên truyền cho người dân hiểu, có ý thức thoát nghèo. Tuy nhiên, không vì người dân xin thoát nghèo mà chạy theo thành tích, chúng tôi sẽ đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo nếu hộ nào đủ điều kiện, đời sống kinh tế không khó khăn, để thoát nghèo bền vững, có hiệu quả”, ông Kiện nhấn mạnh.

Dương Phong