ĐBSCL:

Hạn, mặn “nuốt” gần 700.000 tấn lúa

(Dân trí) - Trong đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu, sản lượng lúa khu vực ĐBSCL đã giảm hơn 698.000 tấn so với 2014 - 2015. Sau sự sụt giảm hàng trăm ngàn tấn lúa, Bộ NN&PTNT đã lên “dây cót” cho các tỉnh ĐBSCL tập trung sản xuất vụ lúa Thu Đông.

Sáng 22/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất Hè Thu 2016 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông 2016 tại Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong vụ lúa Đông Xuân 2015 – 2016, sản lượng ước đạt gần 11 triệu tấn, giảm hơn 700.000 tấn so với Đông Xuân 2014–2015. Riêng vùng ĐBSCL sản lượng ước đạt hơn 10,4 triệu tấn, giảm gần 700.000 tấn so với Đông Xuân 2014–2015.

Nguyên nhân sản lượng lúa vụ Đông Xuân sụt giảm nghiêm trọng là do tình hình hạn và xâm nhập mặn.

Trong vụ Mùa và Đông Xuân 2015 - 2016, hạn mặn đã gây thiệt hại nặng cho vựa lúa ĐBSCL
Trong vụ Mùa và Đông Xuân 2015 - 2016, hạn mặn đã gây thiệt hại nặng cho vựa lúa ĐBSCL

Riêng vụ Hè Thu 2016 diễn ra trong tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài từ vụ Đông Xuân 2015-2016 và ảnh hưởng của xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng, nhất là các tỉnh ven biển ĐBSCL. Các cơ quan chuyên môn dự báo nguồn nước cung cấp cho sản xuất chỉ mang tính ngắn hạn và những căn cứ về nguồn nước sông cung cấp cho sản xuất tùy thuộc hoàn toàn vào lượng nước xả từ các đập thượng nguồn sông Mê Kông.

Do thời tiết bất lợi nên diện tích và năng suất vụ hè thu đều giảm.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các Sở cần tập trung vào vụ lúa Thu Đông, đặc biệt chú trọng đến công tác thủy lợi, lịch thời vụ và giống lúa gieo sạ... để ổn định năng suất và sản lượng lúa
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các Sở cần tập trung vào vụ lúa Thu Đông, đặc biệt chú trọng đến công tác thủy lợi, lịch thời vụ và giống lúa gieo sạ... để ổn định năng suất và sản lượng lúa

Trong vụ Đông Xuân và Hè Thu nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi cây trồng. Theo đó toàn vùng ĐBSCL chuyển đổi đất lúa sang cây màu trên 53.000ha, trong đó vụ hè thu chuyển đổi đến 45.248 ha. Việc chuyển đổi cây trồng ở các tỉnh ĐBSCL chủ yếu tập trung cây bắp, cây vừng, lạc và rau đậu các loại...

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng việc chuyển đổi vẫn chưa mang tính ổn định, còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa lớn. Đầu ra sản phẩm chuyển đổi chưa đa dạng, manh mún, lệ thuộc vào mùa vụ và chưa hình thành vùng nguyên liệu, chưa tạo điều kiện đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&TPNN cho biết, trong hai vụ lúa vừa qua các địa phương đã có nhiều sáng kiến, uyển chuyển trong việc ứng phó với những khó khăn do thời tiết mang lại để tập trung sản xuất, dù sản lượng lúa có giảm. Quan điểm của Bộ là thúc đẩy vụ tăng về diện tích gieo trồng vụ Thu Đông. Lưu ý vấn đề thời vụ, đề nghị các địa phương có phương án, lịch thời vụ cho người dân. Cần có những biện pháp phòng tránh những hiện tượng thời tiết cực đoan; gia cố lại các tuyến đê bao. Tổng cục thủy lợi phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan báo chí để thông tin kịp thời cho người dân về nguồn nước, độ mặn… để giúp người dân chủ động trong sản xuất, tránh thiệt hại như vụ Đông Xuân vừa qua.

Nguyễn Hành