Phiên tòa Mạc Kim Tôn:

Hai thầy trò “nhường” tội cho nhau

(Dân trí) - Phần thẩm vấn 2 bị cáo Mạc Kim Tôn và Trần Thị Ánh trong buổi chiều qua 22/3, đã bộc lộ nhiều mâu thuẫn, sứt mẻ trong tình “thầy - trò” khi “dự án ma” của họ đổ bể. Cả hai loanh quanh rất nhiều trong việc đổ lỗi cho nhau.

“Bị lừa cho đến khi bị bắt”

“Ông nghị” Mạc Kim Tôn kêu oan và cố sức chứng minh mình bị Trần Thị Ánh lừa. “Tôi đã bị lừa cho đến khi Trần Thị Ánh bị bắt”- bị cáo Tôn lặp đi lặp lại trước toà. Bị cáo trình bày, đến khi “mọi việc đã rồi” mới “ngộ” ra thì đã muộn.

Bị cáo khai quen Ánh do bà Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Hồng Phong (Thái Bình) giới thiệu (tháng 11/2005). Ánh tự giới thiệu là cán bộ công tác tại Văn phòng UBND tỉnh, được giao phụ trách các dự án viện trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ. Sau đó, Ánh nhiều lần đến nhà riêng ông Tôn chơi và nhận là học sinh cũ của ông Tôn tại trường cấp 3 Nam Kiến Xương (nay là THPT Nguyễn Du).

Bị cáo Tôn nhận sai là đã quá cả tin, không chút nghi ngờ về “dự án” trang bị máy tính cho các trường, không một lần thẩm định, xác minh về cô “học trò cũ” từ UBND tỉnh Thái Bình. Bị cáo vẫn khẳng định: nghe nói nhận được tài trợ máy tính cho các trường thì quá tốt, ông khấp khởi vì tưởng mình đã làm được một việc có lợi cho ngành.

Khi triển khai “dự án”, ông Tôn luôn có mặt trong các buổi bàn giao máy tính tại các trường với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh. Và cũng chính ông Tôn luôn cùng Ánh khi thì đi nhận máy, khi thì có văn bản “bảo lãnh” đi kèm. Chính vì thế, các đơn vị cung cấp thiết bị đều tin rằng Sở GD&ĐT Thái Bình sẽ thanh toán lô hàng, sẵn sàng giao máy, ngay cả khi không nhận được dù là 1 đồng đặt cọc.

Công ty Kiên Cường, bị hại lớn nhất trong vụ án trình bày, sau khi lắp đặt hoàn chỉnh 267 máy tính, do lâu không thấy được thanh toán, công ty Kiên Cường đã căn cứ vào những văn bản có chữ ký của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình mà đến đòi nợ Sở này chứ không đòi tiền trực tiếp từ cá nhân Trần Thị Ánh.

“Thầy” nói nhận quà 16 triệu, “trò” tố đã đưa 63 triệu

Ông Tôn khai nhận số quà cáp mà Trần Thị Ánh mang tới nhà mình gồm 1 điện thoại di động, 1 máy lọc nước, 1 máy hút ẩm, 1 tủ gỗ. Mỗi lần Ánh tới chơi mang theo một món. Sau này, khi phát hiện “dự án” có trục trặc, ông Tôn cho biết đã trả những thứ đồ đó, nhưng Ánh không nhận lại. Hai bên bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn, và sau những lần đôi co, Trần Thị Ánh đã tính giá trị những món đồ đó khoảng 16,5 triệu đồng và Ánh đã nhận lại số tiền này.

Bị cáo Ánh phản ứng ngay. Ánh khẳng định đã đem quà tới nhà “thầy” nhiều lần, tổng cộng 15 món đồ. Đáng kể nhất trong số đó là chiếc máy tính xách tay 20 triệu làm quà tặng cho con trai “thầy”. Bị cáo “tố”, tính sơ sơ, giá trị 15 món đồ ông Tôn đã nhận khoảng 63 triệu đồng. Tuy vậy con số này vẫn còn chưa cân xứng với số tiền gần 150 triệu đồng mà Ánh đã “lừa” vay lại của gia đình “thầy”.

Về việc triển khai “dự án”, trong khi “thầy” Tôn một mực nói bị lừa, Ánh bảo ông chỉ là đứng ra cho hình thức, “mọi việc để em lo” thì “trò” Ánh lại khăng khăng: ông Tôn là người chỉ đạo các địa chỉ lắp máy, còn Ánh chỉ có ý định lắp cho một số trường với số lượng máy khá hạn chế.

Như vậy, các “dự án” của “thầy - trò” Tôn, Ánh có lợi cho ngành thì không, nhưng lợi cho cá nhân thì ông Tôn nhận là có. Có lợi nên khi ở Sở thì “thầy” Tôn “bảo lãnh” là có “cô học trò cũ” làm ở UBND tỉnh, muốn viện trợ máy tính cho ngành. Ở những chỗ giao dịch, làm dự án, Ánh luôn được ông giới thiệu là cán bộ dự án của UBND tỉnh.

Sáng nay, toà bước sang phần tranh luận với việc VSK luận tội và các luật sư bào chữa cho các bị cáo. Dự kiến, buổi chiều toà sẽ tuyên án.

Phương Sơn