Hải Phòng "chạy nước rút" cho phương án đối mặt bão Haiyan

(Dân trí) - Đến 15h chiều, thời tiết Hải Phòng đang bắt đầu có gió mạnh dần lên. Tại khu vực biển Đồ Sơn và Cát Hải đã có mưa to và sóng ở mức tăng dần. Hiện địa phương còn 104 phương tiện và 304 người chưa vào nơi trú tránh bão.

Lo ngại trước diễn biến phức tạp đường đi của cơn bão Hải Yến (bão số 14) đang hướng vào khu vực Đông Bắc Bộ gây triều cường và  mưa lũ lớn, UBND TP Hải Phòng đã có công điện khẩn gửi các quận, huyện, địa phương yêu cầu triển khai ngay một số công tác nhằm phòng chống bão.

Nội dung công điện nêu rõ nguy cơ nước dâng do ảnh hưởng bão số 14 gây ra kết hợp với triều cường vào buổi sáng ngày 10/11 đã sẽ làm mực nước tại các sông khu vực Hải Phòng dâng cao. Theo đó, Chủ tịch thành phố Hải Phòng yêu cầu các địa phương kêu gọi tàu bè khẩn trương về nơi trú bão, quản lý chặt chẽ các tàu thuyền đang hoạt động ven biển, cửa sông; tổ chức sắp xếp neo đậu tàu thuyền, tuyệt đối không để lại người lưu trú trên lồng bè, tàu thuyền. Bên cạnh đó phải sẵn sàng sơ tán dân vùng cửa sông, cửa biển, vùng có nguy cơ sạt lở, nhà ở không đảm bảo an toàn khi bão về. 

Theo ghi nhận của Phóng viên Dân trí, đến 15 giờ trưa, thời tiết Hải Phòng đang bắt đầu có gió mạnh dần lên. Tuy nhiên tại khu vực biển Đồ Sơn và Cát Hải đã có mưa to và sóng ở mức tăng dần.

Theo ban chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng thì 100% các phương tiện đánh bắt xa bờ đã vào nơi neo trú an toàn. Hiện trên toàn thành phố Hải Phòng còn 104 phương tiện và 304 người đang hoạt động tại các cửa sông chưa về nơi trú trách bão. Theo kế hoạch, chậm nhất vào 17h chiều nay số người và phương tiện trên sẽ phải về nơi an toàn.

Các phương tiện đang được hướng dẫn vào neo đậu tránh bão
Các phương tiện đang được hướng dẫn vào neo đậu tránh bão
Các phương tiện đang được hướng dẫn vào neo đậu tránh bão
Tàu thuyền đánh bát của ngư dân đã được neo đậu an toàn tại cảng cá Đồ Sơn (ảnh chụp lúc 13h chiều nay).

Hiện nay đã có 4166 phương tiện và 12837 lao động tại các khu vực sông, biển đã vào nơi trú tránh bão an toàn.

UBND thành phố Hải Phòng đã có 4 đoàn đi kiểm tra, đôn thúc công tác phòng chống bão tại các địa phương do Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn. Theo đó, thành phố cũng đã lên phương án sẽ có hơn 33 nghìn người được di dân tại chỗ và 46 nghìn sẽ được di dân đi nơi khác nếu bão số 14 đổ bộ  trực tiếp vào Hải Phòng. 
 
Thanh Hóa tạm dừng di dân vùng ven biển
 
Sáng nay, tỉnh Thanh Hóa đã họp khẩn và phát lệnh di dân khẩn cấp. Tuy nhiên vào 14h45’chiều nay, Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ra lệnh cho tạm dừng di dân tại các huyện ven biển và dừng xả nước tại các hồ đập.
 
Đúng 8 giờ sáng nay, tỉnh Thanh Hóa đã phát lệnh di dân khẩn cấp khoảng hơn 10.000 hộ dân/44.620 nhân khẩu. Yêu cầu các xã nhanh chóng di dân cách mép nước 200m đến nơi an toàn. Tại xã Ngư Lộc có hơn 700 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu sống trong khu vực mép nước. Phương án 1 tại đây được triển khai ban đầu là di dời các hộ dân từ mép nước vào sâu hơn 200m.
 
Khi dừng di dân, huyện chỉ đạo 6 xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, Hải Lộc, Hải Lộc, Hoà Lộc phải di dời dân về nơi an toàn trước 17 giờ. Đã có hàng nghìn người được di dời đến nơi an toàn, đang chuẩn bị trở về.

Người dân ven biển  Hậu Lộc đã đến trường học để tránh bão
Người dân ven biển  Hậu Lộc đã đến trường học để tránh bão (ảnh: Nguyễn Thùy)

Tại một số huyện như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương... người dân đã được tập trung tại một số nơi an toàn như trường học, trụ sở UBND xã. Tuy nhiên, chiều nay do nắm được tình hình bão đi chệch hướng Thanh Hóa, địa phương chỉ bị ảnh hưởng nên lệnh di dân đã được tạm dừng. Cùng với đó, tỉnh cho dừng xả nước tại các hồ đập.
 
 
Dân ven biển gồng mình di dời để tránh bão
Dân ven biển gồng mình di dời để tránh bão (ảnh: Nguyễn Thùy)
 
Trao đổi với PV Dân trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền cho biết, tỉnh đã chỉ đạo 6 huyện ven biển thông báo cho dân trở về nhà. Tuy nhiên việc đưa tàu thuyền về neo đậu an toàn, xử lý các tuyến đê xung yếu, chặt tỉa cành cây ven đường, chằng chống nhà cửa vẫn phải tiếp tục được lưu ý. Một số huyện miền núi vẫn phải tiếp tục ứng phó phòng lũ quét có thể xảy ra.
 
(Clip: Duy Tuyên)

Nhiều người khi nghe thông tin về cơn bão ít khả năng ảnh hưởng vào Thanh Hóa đã thở phào nhẹ nhõm. Tuy nhiên, tinh thần chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa là không lơ là với công tác phòng chống cơn bão có diễn biến phức tạp này.

Vào khoảng 13h chiều nay, thời tiết tại Hậu Lộc có mưa nhẹ.  Toàn bộ lực lượng cán bộ xã Ngư Lộc thay phiên nhau túc trực, chỉ đạo quyết liệt để nhân dân đến nơi trú bão. 

Tại các địa phương như TX Sầm Sơn, huyện Nga Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa tình hình mưa gió vẫn chưa có gì đột biến, người dân các địa phương cũng như chính quyền và các ngành chức năng vẫn đang chuẩn bị mọi công tác ứng phó với cơn bão.

Các đơn vị vẫn triển khai công tác phòng chống bão (ảnh: Duy Tuyên).
d
Các đơn vị vẫn triển khai công tác phòng chống bão (ảnh: Duy Tuyên).

Theo Trung tâm sự báo Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cao nhất tại huyện Cẩm Thủy là 5mm. Nhiều địa phương khác vẫn chưa có mưa.

Ông Nguyễn Văn Hoằng, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “Tinh thần của chúng tôi là rất quyết liệt, trong phương án huyện có hơn 10.000 người phải di dời và cũng đã tiến hành di dời được một số người dân. Nhưng tình hình hiện tại theo dự báo bão chỉ ảnh hưởng đến Thanh Hóa nên có thể sẽ thông báo cho dân trở về nhà. Tuy nhiên, tinh thần của địa phương là không chủ quan trước diễn biến cơn bão. Hiện các địa phương đang tổng hợp báo cáo lên”.

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên - Thái Bá

 

Thu Hằng