Hà Nội: Xử lý 20.000 m3 nước thải làng nghề mỗi ngày để "cứu" sông Nhuệ

(Dân trí) - Chào mừng kỷ niệm 62 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2016), ngày 8/10/2016, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ Khánh thành dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải kiểm tra nhà máy xử lý nước thải hiện đại được làm thí điểm lần đầu tại thủ đô.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải kiểm tra nhà máy xử lý nước thải hiện đại được làm thí điểm lần đầu tại thủ đô.

Dự án sẽ thu gom và xử lý nước thải khu vực làng nghề Cầu Ngà, mang lại lợi ích về sức khỏe cho người dân địa phương nói riêng và người dân Thủ đô nói chung; Giảm tải trọng chất ô nhiễm ở vùng hạ lưu, trong đó có lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; Mang lại cơ hội phát triển mới; Đảm bảo sự phát triển bền vững toàn diện cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Nhà máy Xử lý nước thải có công suất thiết kế 20.000 m3/ngày đêm, sử dụng công nghệ xử lý sinh học khép kín, với các dây chuyền thiết bị tự động hóa hoàn toàn được nhập khẩu từ Châu Âu (G7). Đây cũng là công trình sử dụng thiết bị pin năng lượng mặt trời để phát điện phục vụ cho hoạt động của nhà máy ở quy mô lớn đầu tiên của Thành phố Hà Nội.

Dự án hoàn thành sau gần 20 tháng thi công, đã được kiểm nghiệm không phát thải mùi thứ cấp, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn. Lãnh đạo thành phố đặt kỳ vọng dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường lưu vực sộng Nhuệ - Đáy và nâng cao chất lượng đời sống của người dân các xã làng nghề trong khu vực.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, nhấn mạnh: “Việc Khánh thành Dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, ngày hôm nay, một ngày trọng đại của nhân dân Thủ đô thể hiện sự quyết tâm của Thành phố: cải thiện môi trường sống cho nhân dân Thủ đô, nhân dân khu vực xung quanh các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp, dần làm trong sạch lại các con sông và một phần sông Nhuệ - sông Đáy, tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô yêu dấu. Trên cơ sở kết quả, hiệu quả đầu tư dự án xã hội hóa trong xử lý nước thải làng nghề, UBND Thành phố sẽ xem xét nhân rộng mô hình đầu tư tại các khu vực làng nghề trên toàn địa bàn Thành phố”.

Lãnh đạo Hà Nội, lãnh đạo Bộ TN-MT cùng bấm nút khánh thành, chính thức vận hành nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà.
Lãnh đạo Hà Nội, lãnh đạo Bộ TN-MT cùng bấm nút khánh thành, chính thức vận hành nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà.

Theo thống kế, hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có trên 1.350 làng nghề gắn liền với những nét văn hóa đặc trưng cũng như góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn tồn tại tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của Thành phố.

Huyện Hoài Đức nằm trên lưu vực sông Nhuệ là địa bàn tập trung nhiều làng nghề truyền thống phát thải lưu lượng nước thải lớn, bao gồm cả nước thải làng nghề sản xuất và nước thải sinh hoạt có nồng độ chất ô nhiễm cao; đặc biệt là các làng nghề tại khu vực 3 xã Cát Quế - Dương Liễu - Minh Khai sản xuất các sản phẩm miến, bún làm từ nguyên liệu sắn, dong, đồng thời tận dụng phế phẩm sản xuất để chăn nuôi đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người dân trong khu vực.

Nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do hoạt động sản xuất làng nghề, đây là lần đầu tiên Hà Nội thí điểm hình thức kêu gọi xã hội hóa để xây dựng Dự án Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà. Toàn bộ vốn đầu tư nhà máy là do Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền đảm nhận.

P.T