Hà Nội, TPHCM nghiên cứu tiếp việc đổi giờ học, giờ làm

(Dân trí) - Hà Nội, TPHCM vừa nhận yêu cầu từ Chính phủ đánh giá tác động việc điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh và tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án thay đổi giờ để hạn chế lưu lượng, phân giãn phương tiện trong giờ cao điểm.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về chương trình hành động để thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, khắc phục ùn tắc giao thông.

Trong Nghị quyết, Chính phủ đề ra kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiềm chế, làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, phấn đấu hàng năm giảm từ 5-10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ.
Hà Nội, TPHCM nghiên cứu tiếp việc đổi giờ học, giờ làm
Thay đổi giờ học, giờ làm thời gian qua được phản ánh chưa thực sự phù hợp, làm xáo trộn sinh hoạt nhiều gia đình.

Theo kế hoạch, công tác tổ chức giao thông sẽ được tăng cường với vai trò chi phối của Bộ GTVT. Bộ có trách nhiệm chỉ đạo đến từng Sở và các đơn vị trực thuộc tiếp tục lắp đặt dải phân cách cứng giữa 2 chiều chạy đối với các tuyến đường có 4 làn xe trở lên. Sử dụng dải phân cách mềm để tách phần đường, làn đường, tách dòng xe mô tô 2 bánh, xe thô sơ với dòng xe ô tô trên các tuyến đường có đủ điều kiện và có mật độ phương tiện giao thông lớn.

Điều chỉnh tốc độ chạy tại các đoạn đường sắt đi qua một số thành phố lớn, khu vực đông dân cư, tồn tại nhiều đường ngang dân sinh nhưng chưa thực hiện được việc làm đường gom và hàng rào chắn ngăn cách.

UBND các tỉnh thành được giao chỉ đạo nghiêm cấm cấp phép xây dựng các công trình nhà ở, khu công nghiệp… 2 bên các tuyến đường tránh thành phố.

Về các giải pháp thiết lập trật tự, kỷ cương về trật tự, an toàn giao thông, trước mắt tập trung xây dựng hệ thống giám sát xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, trong nội đô Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn.

Riêng Hà Nội, TPHCM nhận yêu cầu đề xuất lộ trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chưa hoàn thành theo Nghị quyết 16/2008 của Thủ tướng. 2 thành phố cũng phải lập quy hoạch và tổ chức xây dựng các bãi đỗ xe, điểm đỗ xe ngầm hoặc nhiều tầng, ưu tiên xây dựng các cầu vượt nhẹ, hầm tại các nút giao thông trọng điểm tại giao cắt khác mức.

Chính phủ cũng yêu cầu Hà Nội, TPHCM chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Công an đánh giá tác động việc thực hiện điều chỉnh giờ làm việc, học tập, kinh doanh trên địa bàn thời gian qua. Chính quyền 2 thành phố được giao tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thay đổi giờ làm việc, học tập, kinh doanh đảm bảo khoa học, hợp lý, hạn chế lưu lượng phương tiện để phân giãn phương tiện, người tham gia giao thông trong giờ cao điểm nhưng không gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đi lại của người dân.

Hai thành phố cũng phải làm việc với Bộ Xây dựng, lên lộ trình di dời ra khỏi phạm vi trung tâm thành phố một số cơ quan hành chính, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp giai đoạn 2015-2022. Địa điểm các cơ quan, đơn vụ đã di dời không được xây dựng nhà cao tầng hoặc siêu thị, chỉ sử dụng vào mục đích phúc lợi công cộng. Khi phát triển đô thị mới phải đảm bảo dành đủ 16-26% quỹ đất cho hoạt động giao thông.

P.Thảo