Hà Nội không “duyệt” mức nộp phạt cho các công trình sai phép

(Dân trí) - “Không có chuyện thành phố duyệt bao nhiêu về bồi thường kinh phí xây dựng hạ tầng mà là chủ đầu tư cam kết tự đóng góp…” - Ông Bùi Văn Chiểu, Phó Giám đốc Sở xây dựng Hà Nội đưa ý kiến về việc chủ công trình xây dựng sai phép thời gian qua tự đề xuất phương án xử lý.

Không tích cực, chủ công trình sẽ thiệt trước

 

Thưa ông, đến nay, 3 công trình sai phép (9 Đào Duy Anh, số 4 Đặng Dung, số 2/31 Nguyễn Chí Thanh) đã tự đề xuất phương án nộp phạt từ 900 triệu đến 1,7 tỷ đồng. Vậy Sở xây dựng có tham mưu với thành phố duyệt ở mức cụ thể nào?

 

Không có chuyện thành phố duyệt bao nhiêu về kinh phí mà là chủ đầu tư cam kết tự đóng góp vì việc làm ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật, về vấn đề vệ sinh môi trường… mà họ gây ra.

 

3 công trình chúng tôi đang “làm điểm” này là để rút kinh nghiệm trong công tác quản lý. Chúng ta phải xem xét lại cả hệ thống tổ chức, văn bản quản lý, cái gì chưa phù hợp thì phải sửa đổi, bổ sung để những năm tiếp theo khi có sai phạm là có thể áp vào thực hiện ngay.

 

Chính quyền các cấp yêu cầu chủ công trình phải tự thấy lỗi và lên phương án khắc phục vi phạm làm sao cho đúng với giấy phép xây dựng đã được cấp. Như vậy, về quyết định hành chính là đã rõ, nếu không tích cực làm nhanh thì chính chủ đầu tư sẽ thiệt hại.

 

Nguyên tắc tính mức nộp phạt bằng bồi thường kinh phí xây dựng hạ tầng với mức phạt xác định là phần hưởng lợi của chủ đầu tư thu được từ diện tích xây dựng tăng thêm có hợp lý? Làm cách nào để tính được giá trị tương xứng nếu công trình đó xây để kinh doanh?

 

Nguyên tắc này ai cũng thấy đúng nhưng phương pháp cụ thể thế nào chúng tôi vẫn còn đang phải tính. Chúng tôi đã lên một số phương án dự toán. Nhưng đó cũng chỉ là hướng như thế để trao đổi với các chủ đầu tư, để họ tự tính, tự lên phương án cho công trình của mình.

 

Đây cũng chỉ là một biện pháp phạt “co giãn”, thưa ông?

 

Yêu cầu của việc áp dụng biện pháp phạt này hết là phải có sự tự nguyện và cam kết của chủ đầu tư. Chúng tôi dành quyền chủ động cho chủ đầu tư, kể cả phương án tháo dỡ. Chúng ta không thể làm thay họ được. Giải quyết sớm lúc nào thì họ có thể sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng chừng đó.

 

Từ việc giải quyết nhà 221-223 Bạch Mai đã rút ra được kinh nghiệm nên việc xử lý các công trình tiếp theo này sẽ khác đi một chút. Ở Bạch Mai, chủ công trình xin tự tháo dỡ, nhờ chính quyền giúp đỡ. Êm ả nhưng cả phường, cả quận cùng lăn ra bằng ấy ngày, rất vất vả. Vì thế, chúng tôi thấy chính quyền không có nhiệm vụ phải giải quyết việc này. Đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, vi phạm thì phải tự khắc phục vi phạm, không ai làm thay cho họ được.

 

Có tiêu cực, nhưng không bằng chứng

 

Tính trung bình có khoảng 10 vụ xây dựng không phép và sai phép trên địa bàn Hà Nội mỗi ngày. Chúng ta làm thế nào để giải quyết những hậu quả như thế này?

 

Việc xử lý những công trình tồn tại từ 2006 về trước là thế nhưng tới đây, từ 2007 thì nhất định phải “xử” kiên quyết, triệt để. Tinh thần là thế. Việc này đòi hỏi sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và các lực lượng để kiểm tra, soát xét để thấy vi phạm và phải xử lý ngay theo đúng luật.

 

Với tư cách là cơ quan chuyên môn tham mưu cho thành phố, chúng tôi có ý tưởng xây dựng khung pháp lý cũng trên tinh thần như thế.

 

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng phổ biến, phức tạp như vậy, thưa ông?

 

Nguyên nhân trước hết thuộc về chủ đầu tư công trình, vì lợi nhuận mà cố tình vi phạm. Thứ hai là do năng lực, trách nhiệm của chính quyền, cán bộ cơ sở chưa cao, buông lỏng quản lý. Thứ ba, một số cơ chế, chính sách quản lý TTXD chồng chéo, bất cập, chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Tiếp nữa, các căn cứ, điều kiện phục vụ công tác quản lý, cấp phép chưa phù hợp, gây khó khăn cho cơ quan cấp phép và người đi xin phép xây dựng…

 

Nhiều người cho rằng, nguyên nhân chủ yếu phải là do có tiêu cực; thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

 

Đúng là phải bổ sung thêm nguyên nhân do tiêu cực, do thủ tục hành chính. Nhưng nói về tiêu cực, dư luận có phản ánh nhưng bằng chứng lại không có nên chưa xử lý được.

 

Còn về thủ tục hành chính khi xin cấp phép, chúng tôi cũng đã xem xét để giảm đến mức tối đa đến không thể giảm thêm rồi. Thậm chí không có sổ đỏ vẫn cấp phép, chỉ cần chủ hộ ăn ở ổn, không có tranh chấp, được chính quyền phường đo đạc, xác định khuôn viên đất, được cơ quan quy hoạch xác nhận là cấp phép ngay.

 

Tuy nhiên, vẫn còn phải cải cách nhiều. Ví dụ, Quyết định 125, 126/2002, Quyết định 19/2003 của thành phố mới ban hành 1 năm đến nay đã có những điểm không phù hợp phải sửa.

 

Quan điểm của Sở luôn luôn kiến nghị là xử lý kiên quyết nhưng kiên quyết như thế nào, thưa ông?

 

Kiên quyết nhưng cũng không thể cứng nhắc, cực đoan, độc đoán được. Trong việc giải quyết vấn đề quy hoạch này của Hà Nội cũng phải linh hoạt, mềm dẻo để tạo ra kỷ cương phép nước tăng nhưng cũng tăng hiệu lực quản lý của chính quyền, để những chủ công trình đã vi phạm và đang có ý định vi phạm thì phải lập tức loại bỏ suy nghĩ đó. Nếu lúc nào cũng chỉ cứng nhắc một cách thì sẽ tạo áp lực rất lớn trong dư luận.

 

Chúng ta phải xác định, nếu công trình sai phép ảnh hưởng đến quy hoạch, an ninh quốc phòng, độ an toàn của công trình… thì “xử” ngay. Nhưng với những công trình giấy tờ hợp lệ, việc xây sai phép nhưng chiếu theo các yếu tố khác vẫn phù hợp thì cũng nên cân nhắc các phương án. Chúng ta phải nhận diện từng công trình để có cách xử lý phù hợp theo bộ khung chung đã định ra.

 

Phương Thảo - Cấn Cường