Hà Nội: Hoang mang hình dung cảnh sống cạnh giếng thông gió hầm đường sắt

(Dân trí) - Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân sinh sống trên đường Kim Mã (quận Ba Đình) cảm thấy bất an, lo ngại sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng vì tiếng ồn, khói bụi, khí độc… khi giếng thông gió hầm đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội được thiết kế đặt sát cửa nhà.

Sống khổ cạnh giếng thông gió?

Ông Trần Dũng Sơn – gia đình ở số 477 Kim Mã cho biết, chủ trương xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội góp phần cải thiện bộ mặt giao thông của Thủ đô được các hộ dân sống trong khu vực hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, việc thực hiện các hạng mục công trình của dự án phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn vận hành, đảm bảo môi trường.

Cụ thể, hạng mục giếng thông gió thuộc nhà ga ngầm S9 chạy qua phố Kim Mã được thiết kế cao hơn 5 m, chỉ cách nhà dân xung quanh từ 2,5-3 m. “Nếu được xây dựng giếng thông gió sẽ gây tiếng ồn, xả khí độc hại làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe của hàng trăm hộ dân sinh sống xung quanh với hàng ngàn người”, ông Trần Dũng Sơn lo ngại.

Khu vực dự kiến xây dựng hệ thống giếng thông gió thuộc nhà ga ngầm S9 tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội
Khu vực dự kiến xây dựng hệ thống giếng thông gió thuộc nhà ga ngầm S9 tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội

Anh Dũng ở số nhà 429 Kim Mã cho biết, gia đình anh rất ủng hộ dự án và mong muốn chủ đầu tư hoàn thành công trình càng sớm cáng tốt để sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, thiết kế giếng thông gió của tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội khiến anh Dũng lo ngại sức khỏe của gia đình mình cũng bị ảnh hưởng.

Theo phương án, nhà anh Dũng sẽ bị giải phóng mặt bằng 2/3 diện tích để làm giếng thông gió tuyến đường sắt. “Nếu giếng thông gió chỉ xây dựng nằm cách nhà dân chỉ vài mét thì có lẽ chúng tôi phải tính tới phương án bỏ nhà mà tìm chỗ khác để ở. Bởi vì khói bụi, tiếng ồn từ giếng phả ra suốt ngày đêm làm sao chúng tôi chịu đựng được. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hô hấp cho người dân sống trong khu vực”, anh Dũng nói.

Vấn đề hàng chục hộ dân sống ở khu vực băn khoăn, phía đối diện nhà mình là bãi đỗ xe Ngọc Khánh rộng hàng nghìn mét vuông nhưng cơ quan chức năng lại không thiết kế đặt giếng thông gió đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội vào đó. “Nếu đặt giếng thông gió vào bãi đỗ xe công cộng, nhà nước có thể sẽ tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng, sức khỏe của những người dân không bị ảnh hưởng”, ông Trần Dũng Sơn kiến nghị.

Vi phạm quy chuẩn công trình ngầm đô thị?

Các hộ dân thuộc tổ 20 và tổ 22 phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) còn cho rằng, bản thiết kế giếng thông gió nằm chỉ cách nhà dân vài mét là vi phạm Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về công trình ngầm đô thị của Bộ Xây dựng. Cụ thể, Quy chuẩn chỉ rõ, khoảng cách từ các trạm thiết bị thông gió trên mặt đất của thông gió đường hầm đến các phố và đường chính, các khu vực thương mại và các cửa sổ nhà dân không được nhỏ hơn 25 m.

“Điều đó cho thấy bản thiết kế đã không tuân thủ quy phạm của pháp luật nên đã gây ảnh hưởng, thiệt hại và bức xúc cho người dân. Trong khi đó, phía bên kia đường là bãi đỗ xe và vỉa hè không có dân ở, đủ điều kiện để thiết kế giếng thông gió cách nhà ở 25 m”, đại diện các hộ dân bị ảnh hưởng giếng thông gió nhà ga ngầm S9 phân tích.

Phía đối diện khu vực dự kiến xây dựng hệ thống giếng thông gió là bãi đỗ xe rộng hàng nghìn mét vuông
Phía đối diện khu vực dự kiến xây dựng hệ thống giếng thông gió là bãi đỗ xe rộng hàng nghìn mét vuông

Liên quan đến việc áp dụng Quy chuẩn công trình ngầm đô thị cho thiết kế các giếng thông gió nhà ga ngầm thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội, ngày 25/11/2014, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng ký công văn gửi Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, trong đó ghi rõ: “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia là văn bản bắt buộc phải áp dụng. Đơn vị thiết kế và các bên tham gia cần tuân thủ hoặc có giải pháp thích ứng đảm bảo điều kiện quy định trong Quy chuẩn”.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng lưu ý, đối với các vị trí thiết kế giếng thông gió thuộc nhà ga ngầm S9 của dự án, đề nghị Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cần nghiên cứu mở rộng phạm vi giải phóng mặt bằng để đảm bảo khoảng cách từ các giếng thông gió đến nhà dân lân cận đáp ứng các quy định. Trường hợp trong thực tế không thể giải phóng được mặt bằng, đề nghị Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cần nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và biện pháp xử lý đảm bảo an toàn môi trường và an toàn cộng đồng đối với các vị trí đặt giếng thông gió và phải giải thích cho người dân hiểu.

Trong cuộc họp mới đây với các hộ dân bị giải phóng mặt bằng xây dựng giếng thông gió nhà ga S9, ông Nguyễn Phong Cầm – Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, quận này đã thực hiện các bước đúng theo quy định của pháp luật. “Có thể các hộ dân chưa thỏa mãn nhưng chúng tôi rất thận trọng để đáp ứng kiến nghị của bà con. Quận cũng đã báo cáo thành phố về đề nghị của dân là đưa ống thông khói sang phía đối diện vì bên đó không vướng nhà dân, nhưng thành phố đã họp 2 lần mà không tìm được vị trí mới phù hợp. Người dân cũng có quyền kiến nghị tiếp và quận luôn đứng sát cánh bên người dân”, ông Nguyễn Phong Cầm nói.

Quang Phong