Hà Nội: Giật mình cảnh hàng trăm người đi đưa tang giữa dịch

Phúc Lâm

(Dân trí) - Đoàn người đi đưa tang đông đúc trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến địa phương vô cùng lo lắng nếu có trường hợp nhiễm bệnh trong đám đông này.

Hàng trăm người đi đưa tang ở Hà Nội

Hình ảnh hàng trăm người đi đưa tang tại cụm dân cư số 4 (cụm 4) xã Thọ An, huyện Đan Phượng (Hà Nội) được người dân ghi lại, phản ánh với chính quyền.

Đoạn clip cho thấy một đám tang diễn ra sáng ngày 19/8. Đoàn đưa tang đông đúc, lên đến cả trăm người, với nhiều bà vãi (phụ nữ lớn tuổi) cầm cờ, phường bát âm, nhóm thanh niên khiêng quan tài và rất đông họ hàng, người thân của người quá cố.

Sự việc diễn ra trong thời điểm Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 khiến nhiều người dân cụm 4 hoang mang, lo lắng về nguy cơ dịch bệnh Covid-19 có thể lây lan trong cộng đồng khi các quy định không được chấp hành nghiêm túc.

Còn "nể nang"?

Chiều 26/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hữu Hoàng - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng phủ nhận việc hàng trăm người đi đưa tang như phản ánh của người dân. Theo ông Hoàng, sau khi biết thông tin về sự việc, huyện đã yêu cầu xã báo cáo.

"Xã đã báo cáo trung thực, có việc ấy (việc đưa tang - PV). Lúc anh em gia đình đưa quan từ nhà ra xe tang, người nhà thì ít nhưng một số người dân đi chợ vướng đường nên đứng lại chứ không phải người đi đưa tang" - ông Nguyễn Hữu Hoàng nói và khẳng định, huyện đã phân tích hình ảnh đám tang được ghi lại.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cũng nhận định: "Xã Thọ An làm như thế là vẫn chưa được, phải rút kinh nghiệm. Chính quyền xã chưa sát sao. Việc gia đình còn kiểu nể nang, còn thế nọ thế kia".

Cũng giải thích về việc này, ông Nguyễn Trần Quyết - Chủ tịch UBND xã Thọ An cho rằng, thực tế, hình ảnh thể hiện người dân đi ra ngoài đường là chính.

"Người ta vin vào đấy nói là người nhà đi đưa tang đông người. Thực tế người nhà đi đưa tang có đông hơn so với quy định, nhưng chủ yếu là người dân đứng hai bên đường" - ông Quyết nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Thọ An, khi nắm sự việc gia đình người dân có người mất, xã đã cử cán bộ xuống làm việc với gia đình, yêu cầu ký cam kết thực hiện theo chỉ đạo giãn cách của thành phố trong việc tổ chức tang lễ.

Trả lời về phản ánh của người dân cũng như Tổ Covid cộng đồng cụm 4, ông Quyết khi thì nói chưa thấy ai phản ánh trực tiếp, lúc lại nói rằng "một số đồng chí trong chốt phản ánh".

Vị Chủ tịch xã Thọ An chỉ nhắc đi nhắc lại, xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn xuống yêu cầu gia đình ký cam kết.

"Trách nhiệm của cụm dân cư là phải tổ chức triển khai thực hiện theo các văn bản chỉ đạo… Sau đợt này, xã sẽ đề nghị cán bộ phụ trách cụm dân cư lên làm việc để làm rõ trách nhiệm…" - ông Quyết nói về vấn đề trách nhiệm.

Người dân lo lắng, bức xúc

Hình ảnh trong những đoạn clip về đám tang do người dân ghi được lại trái ngược với ý kiến của vị Chủ tịch UBND xã Thọ An.

Hà Nội: Giật mình cảnh hàng trăm người đi đưa tang giữa dịch - 1

Dòng người đông đúc đi đưa tang (Ảnh cắt từ clip).

Về trách nhiệm của cụm dân cư, các thành viên Tổ Covid cộng đồng cụm 4 khẳng định, họ không đủ chức năng, quyền hạn xử lý sự việc.

Theo bà Trần Thị Gấm, Cụm trưởng cụm 4, trưa ngày 18/8, trước giờ gia đình có người thân mất phát tang, toàn bộ Tổ đã họp ngay tại chốt.

"Do thẩm quyền Tổ Covid cộng đồng không có đủ chức năng, quyền hạn nên chúng tôi đã thống nhất gọi điện báo cáo UBND xã để Ủy ban chỉ đạo biện pháp phòng, chống dịch, cử công an chính quy và y tế xã xuống tăng cường. Tuy nhiên, không hiểu vì sao Ủy ban xã và Ban chỉ đạo phòng chống dịch của xã không xuống để phối hợp với Tổ covid chúng tôi" - bà Gấm trình bày.

Bà Nguyễn Thị Chính - Bí thư Chi bộ cụm 4 cũng cho hay, số người dân trong xã đến đám tang khá đông nhưng phần lớn đi qua các đường ngách để tránh chốt kiểm soát dịch bệnh. Một cán bộ trong Tổ Covid cộng đồng được cử đến gia đình có tang để đo thân nhiệt và ghi danh sách những người đến phúng viếng.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, cán bộ y tế cụm dân cư số 4, người được bố trí làm nhiệm vụ tại gia đình có tang, cho hay, chiều 18/8, số người đến đám tang này là trên một trăm người, không kể người nhà.

Theo bà Trần Thị Gấm, chiều ngày 18/8, khi lực lượng Công an xã Thọ An đi tuần tra qua chốt, bà cùng các thành viên trong chốt đã phản ánh việc UBND xã không tăng cường lực lượng xuống.

"Chúng tôi không có quyền phạt ai, không thể ngăn sông cấm chợ ai cả. Ai đi vào chỉ có thể ghi tên, không thể cấm được người ta" - bà Gấm nói.

Đáng chú ý, theo miêu tả của bà Chính cũng như bà Gấm, buổi đưa tang sáng 19/8 có rất đông người tham gia. Theo nhẩm tính của cả hai bà, có trên 100 người trong đoàn đưa tang.

"Chiều 19/8, tôi có lên Ủy ban hỏi tại sao lại quan liêu, tắc trách như vậy. Các đám khác, xã cử đủ ban bệ xuống để khống chế số lượng người tham gia mà đám này thì không thấy ai xuống phối hợp với cụm dân cư. Đồng chí Quyết (Chủ tịch UBND xã Thọ An - PV) nhận khuyết điểm, xin rút kinh nghiệm" - bà Gấm thông tin, sau sự việc, nhiều người dân địa phương tỏ ra lo lắng về nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan tại sự kiện tập trung đông người như vậy.

Cũng theo bà Gấm, Tổ Covid cộng đồng cụm 4 đã gửi đơn kiến nghị tới HĐND, UBND thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ trách nhiệm, xử lý những cá nhân liên quan.