Hà Nội giám sát 24 chỉ tiêu đo mức ô nhiễm tại đô thị

(Dân trí) - Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí cao hàng đầu thế giới. Hà Nội mù mịt bụi, khốn khổ với những con đường thi công khiến cả khu vực… tắc thở. Đó là vấn đề nóng được đặt ra tại cuộc họp báo chiều 30/9 của Bộ Xây dựng. Giải pháp nào cải thiện những hình ảnh xấu của Hà Nội?

Hà Nội giám sát 24 chỉ tiêu đo mức ô nhiễm tại đô thị - 1
Đại diện Cục Quản lý đô thị, Bộ Xây dựng trả lời giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội và các thành phố lớn hiện nay.

Tại cuộc họp báo, trao đổi về tình trạng không khí ngày càng ô nhiễm tại các đô thị, đặc biệt là hai đô thị lớn Hà Nội và TPHCM, đại diện Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tốc độ đô thị hóa nhanh, sự tăng nhanh các hoạt động sản xuất kinh tế, đầu tư xây dựng, giao thông... trong đó cũng có ý thức của cư dân đô thị.

Đối với các công trình thi công xây dựng trong lòng thành phố, Bộ Xây dựng cũng đã có những quy định về bảo vệ môi trường. Các chủ đầu tư, các nhà thầu trong quá trình thì công cũng phải đáp ứng những điều kiện, quy định rõ ràng. Các Sở Xây dựng hiện đã tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động xây dựng trên địa bàn. Đây là những việc làm được xúc tiến ngay, trước mắt.

Còn về lâu dài, Bộ Xây dựng đã tổ chức triển khai 3 nhóm biện pháp nhằm bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển đô thị tăng trưởng xanh, bền vững. Ngay từ năm 2014, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Xây dựng đã cụ thể hoá kế hoạch từng bước của cả nước để có giải pháp căn cơ, giải quyết từ gốc vấn nạn ô nhiễm, hạn chế những tác động tới môi trường, ảnh hưởng tiêu cực tới tự nhiên trong quá trình phát triển kinh tế.

Cụ thể, đó là việc lồng ghép vào trong công tác quy hoạch đô thị, định hướng theo quy hoạch, giảm thiểu vấn đề giao thông con lắc, đi lại giữa các khu vực, lồng ghép với các vấn đề biến đổi khí hậu; Tăng cường các chương trình đầu tư để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh; Quản lý đô thị hướng tới tăng trưởng xanh.

Trong nhóm nghiệp vụ quản lý đô thị, Bộ Xây dựng cũng đã ký ban hành Thông tư số 01 năm 2018 hướng dẫn các đô thị tiến hành giám sát định kỳ môi trường tại các đô thị với 24 chỉ tiêu.

Hà Nội giám sát 24 chỉ tiêu đo mức ô nhiễm tại đô thị - 2
Hình ảnh không hiếm trên các tuyến phố của Hà Nội (ảnh: Quân Đỗ)

Đại diện Cục phát triển đô thị nhận định, đây là một nhiệm vụ khó với các thành phố lớn trong bối cảnh ngổn ngang các việc phải lo nhưng đáng mừng là Hà Nội đã tiên phong thực hiện. Tới nay, Hà Nội đã hoàn thành được bản báo cáo đầu tiên, đo đếm cụ thể theo 24 tiêu chí giám sát môi trường. Việc giám sát thực hiện đưa ra những con số chi tiết như tính xem một năm Hà Nội có bao nhiêu dự án xanh, dự án phát triển môi trường, có bao nhiêu xe đạp được sử dụng mới để giảm thiếu các phương tiện phát thải, tỷ lệ bao nhiêu phương tiện không phát thải được sử dụng…

Cơ quan quản lý nhà nước kỳ vọng, từng bước, trong thời gian không xa, Hà Nội, TPHCM sẽ quản lý tốt hơn môi trường. Hiện tại, nhiều thành phố lớn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ cũng đã và đang lập tiêu chí giám sát về môi trường tại đô thị.  

Cũng liên quan đến vấn đề môi trường sống tại các thành phố lớn, về việc quản lý chất thải rắn, bà Đặng Anh Thư - Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết, hiện nay, Thủ tướng đã ban hành Nghị quyết số 09 tháng 2/2019 giao Bộ Tài nguyên - Môi trường là cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về chất thải rắn, đồng thời phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý chất thải rắn.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng đề án về tổ chức hội nghị về quản lý chất thải rắn toàn quốc, trong đó Bộ Xây dựng là cơ quan phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách liên quan đến quản lý chất thải rắn.

Bà Đặng Anh Thư nhận định, nhìn chung, các văn bản pháp luật về quản lý chất thải rắn được ban hành khá đầy đủ. Bộ Xây dựng có thẩm quyền trong quản lý chất thải rắn cũng đã hướng dẫn 53/69 địa phương có quy hoạch chất thải rắn và các địa phương cũng đã triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, việc triển khai quy hoạch này còn nhiều khó khăn vướng mắc như không được sự đồng lòng của người dân trong giải phóng mặt bằng để địa phương có thể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư, công nghệ trong xử lý chất thải rắn chưa phù hợp với các địa phương, chi phí xử lý từ ngân sách chưa đáp ứng kịp thời, địa phương chưa có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, công tác phân loại chất thải rắn chưa được thực hiện tối đa...

P.Thảo