DMagazine

Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những "tiếng còi sinh tử"

(Dân trí) - Rất nhiều y bác sĩ, lái xe cứu thương 115 bị hành hung khi đi... cứu chữa người bệnh. Người thì do tắc đường đến muộn vài phút. Người thì do va chạm trên đường mà bị đập cả mũ bảo hiểm vào đầu toe toét máu…

Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những "tiếng còi sinh tử"

Rất nhiều y bác sĩ, lái xe cứu thương 115 bị hành hung khi đi... cứu chữa người bệnh. Người thì do tắc đường đến muộn vài phút, bị người nhà bệnh nhân chửi bới, lăng mạ, đổ xô đến đánh "cảnh cáo”. Người thì do va chạm trên đường mà bị đập cả chiếc mũ bảo hiểm vào đầu toe toét máu…

Tiếng chuông báo hiệu vừa reo lên, anh Cường buông vội chiếc bánh mì đang ăn dở, chạy tức tốc lên chiếc xe cứu thương.

Chỉ sau chốc lát, anh đã nổ máy, đánh chiếc xe cứu thương đến trước phòng trực, chờ đợi các y bác sĩ nhận thông tin bệnh nhân.

Chiếc xe lăn bánh di chuyển khỏi Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chỉ sau đó chưa đầy 3 phút đồng hồ.

Mọi thao tác đều diễn ra nhanh nhất có thể.

Tiếng chuông báo hiệu cấp cứu đã “chen ngang” vào bữa sáng của anh Cường. Nhưng đó là chuyện xảy ra “như cơm bữa” với một người đã 30 năm làm nghề lái xe cứu thương như anh.

Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 1

Ám ảnh những chuyến xe giờ cao điểm

Chiếc xe cấp cứu của anh Cường bắt đầu di chuyển đúng vào thời điểm tắc đường đầu giờ sáng. Các ngả đường đều chật kín ô tô, xe máy. Người người, nhà nhà vội vã đến lớp, đến trường. Mặc cho tiếng chuông cấp cứu hú lên ầm ĩ, rất nhiều chiếc xe vẫn thản nhiên tạt ngang tạt dọc trước đầu xe, chăm chăm tìm cách “thoát” tắc. Anh Cường quan sát chăm chú, tìm cách qua khỏi khu vực này nhanh nhất có thể. Vẻ căng thẳng hiện rõ lên trên gương mặt.

Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 2

“Đi cấp cứu vào nửa đêm nửa hôm hay ngày mưa bão cũng không đáng sợ bằng giờ cao điểm. Người ta luồn lách vào chỗ trống, chăm chăm tìm đường “thoát” tắc chứ làm gì có ai để ý đến xe cấp cứu đâu”.

Chuyện chưa bao giờ kể trên những chuyến xe cứu thương 115

Anh Cường kể: “Có những khi họ đã không nhường đường còn cố tình chắn xe cứu thương đang làm nhiệm vụ. Trong 30 năm làm lái xe 115, tôi đã gặp đến hàng chục lần trường hợp như vậy. Nhiều khi mình bấm còi trong bất lực, hạ cửa kính lịch sự nhờ họ nhường đường, họ cũng không chịu. Có người chửi, lăng mạ mà chúng tôi cũng chỉ biết cúi đầu xin lỗi để mau chóng được đi tiếp”.

Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 3
Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 4

Anh Cường và đồng nghiệp thường đùa nhau: phải là người lí trí thép mới đủ can đảm làm lái xe cứu thương trong giờ cao điểm của Hà Nội. Vừa lái chiếc xe kềnh càng nhích từng centimet, vừa nghe tiếng điện thoại giục giã, có khi là tiếng khóc thét, tiếng càu nhàu của người nhà bệnh nhân mà vẫn phải bình tĩnh, tập trung vào công việc.

Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 5

“Cách đây 3 năm, tôi lái xe đến cấp cứu một bệnh nhân tại Khâm Thiên. Người nhà họ khẩn thiết kêu gọi tuyệt vọng, nhưng hôm đó, đường tắc kinh hoàng. Chiếc xe của tôi đứng chôn chân 30 phút không thể nhúc nhích. Tiếng chuông cứ hú ầm ĩ nhưng không át được tiếng còi inh ỏi xung quanh, cũng chẳng một ai nhường đường cho xe tôi cả. Cả kíp y bác sĩ và tôi nóng ruột như lửa đốt. Đoạn đường 5km mà chúng tôi đi mất 2 giờ đồng hồ. Còn may là vẫn kịp cấp cứu cho bệnh nhân. Khi đưa bệnh nhân về đến viện, tôi rời vô lăng thì người như lả đi, tay chân rã rời…”, anh Cường chia sẻ.

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Văn Chánh, Phó giám đốc trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 100 ca cấp cứu. Trên địa bàn Hà Nội có 1 trụ sở chính và 4 điểm cấp cứu khu vực. Với địa bàn rộng mà đường xá lại đông đúc như Hà Nội thì lái xe cứu thương rất vất vả. Phải nói là khổ trần ai".

Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 6

"Thời gian để một chiếc xe lên đường chỉ từ 2 - 3 phút sau khi nhận thông tin từ trạm điều hành. Trong khi các lái xe, y bác sĩ tiết kiệm từng giây, từng phút thì có những người đi đường lại không hợp tác, nhường đường, thậm chí cố tình gây khó dễ”.

“Đi cứu người… còn lo bị đánh”

“Mấy anh phóng viên nghe chắc thấy nực cười lắm nhỉ? Nhưng đó là sự thật. Chính tôi từng là nạn nhân chứ tìm đâu xa”, anh Cường cười cười kể lại.

Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 7

Một lần, anh Cường nhận nhiệm vụ lái chiếc xe đi cấp cứu bệnh nhân vào lúc 2h sáng. Theo thông tin ban đầu, nam thanh niên H. cắt tay tự vẫn sau một mâu thuẫn với gia đình. Anh Cường cùng các bác sĩ ngay lập tức lên đường để kịp thời cứu chữa.

Vừa đến nơi, nam thanh niên H. lao đến chiếc xe của anh Cường hỏi mượn điện thoại. Lúc đó, bàn tay của H. vẫn đang chảy đầm đìa máu. Do không mang theo điện thoại nên anh Cường từ chối. Bất thình lình H. chửi bới ầm ĩ rồi vung tay đấm thẳng vào mặt anh Cường khiến anh đau điếng, ngã ngửa ra sau.

Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 8

Và… người phải vào viện cấp cứu ngay sau đó lại chính là anh Cường.

Tiếc thay, câu chuyện đau xót này lại xảy ra với rất nhiều đồng nghiệp khác của anh Cường. Người thì do tắc đường đến muộn vài phút nên bị người nhà bệnh nhân chửi bới, lăng mạ, đổ xô đến đánh “ủ lò", "cảnh cáo”, người thì do va chạm mà bị người đi đường dùng mũ bảo hiểm hành hung vào đầu, vào người…

Theo nguyên tắc, trong nhiều trường hợp, bệnh nhân cần phải được giảm đau trước để chống sốc, sau đó băng vô khuẩn và băng nẹp cố định rồi mới vận chuyển về BV. Tuy nhiên, người nhà bệnh nhân cho rằng xe cứu thương phải chở đi ngay nên khi y bác sĩ đang lấy thuốc thì người nhà xông vào đấm liên tiếp vào vùng mắt, mũi, đầu của cả y bác sĩ lẫn lái xe đang hỗ trợ.

Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 9

Những chuyến xe tiễn đưa…

Làm nghề lái xe cứu thương, cứ có lệnh là đi, bất cứ nửa đêm hay sáng sớm, bất cứ khoảng cách xa hay gần, bất cứ ngày bão hay ngày mưa. Thế nhưng, nếu “chở sự sống” là cuộc chạy đua với thời gian thì những chuyến xe chở người đã khuất lại đầy đau đớn, tang thương và ám ảnh.

“Đau đớn nhất là khi chở thi hài của những em bé mới chỉ vài tuổi. Nhìn các con tím tái trong lòng cha mẹ rồi nghe thấy tiếng khóc nấc lên thảm thiết mà mình vừa lái xe vừa khóc. Dù biết không thể cứu chữa nhưng cha mẹ các con vẫn gọi cứu thương như tìm kiếm chút hy vọng sau cuối. Về đến nhà sau những chuyến xe đó mà mình cứ ám ảnh mãi không thôi. Giây phút ấy mới thấy sự sống quá mong manh”, một lái xe cứu thương thở dài chia sẻ.

Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 10
Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 11
Hà Nội: Chuyện chưa từng kể đằng sau những tiếng còi sinh tử - 12

“Những ngày mới vào nghề, mỗi lần nhìn thấy máu hay phải giúp bê, di chuyển xác người đã mất, chân tay tôi run lẩy bẩy, mặt mũi tái mét. Nhưng nhìn xung quanh, người nhà của họ đang đau đớn, gục ngã, vô vọng nên mình phải can đảm, phải xốc vác, đưa thi thể một cách chu đáo. Nghĩ rằng, việc làm của mình coi như an ủi phần nào nỗi đau của gia đình họ, tôi không còn sợ hãi nữa”.

"Cũng có người bảo, việc của chúng tôi giúp cứu người thật đấy nhưng có ai nhớ đến đâu. Lúc như thế, tôi chỉ cười trừ. Tôi nghĩ mình hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tâm mình vui là được còn việc người khác có nhớ đến hay không, không phải điều quan trọng".

Bài: Toàn Vũ

Ảnh - Video: Toàn Vũ - Đỗ Quân