1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội: Chi 300 triệu để “vá” con đường gốm sứ

(Dân trí) - Thông tin từ Ban Quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội cho biết, 300 triệu đồng đã được chi ra từ ngân sách Nhà nước để thực hiện Kế hoạch duy tu, sửa chữa con đường gốm sứ trong năm 2014.

Dọc bức tranh gốm xuất hiện những mảng bong tróc lớn.
Dọc bức tranh gốm xuất hiện những mảng bong tróc lớn.
 
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trương Ngọc Quang - Trưởng phòng Thực hiện dự án thuộc Ban Quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) - cho biết, trước thực trạng một số điểm của bức tranh gốm ven sông Hồng xuất hiện những vết nứt dọc kéo dài, bong tróc, làm mất đi vẻ đẹp của một công trình mang ý nghĩa về văn hóa của Thủ đô, Ban Quản lý đã cùng với Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội (đơn vị thi công bức tranh gốm) khảo sát, kiểm tra thực tế, lập kế hoạch duy tu, sửa chữa.

 

Cũng theo ông Quang, nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho kế hoạch duy tu sửa chữa trong năm 2014 là 300 triệu đồng. Tổng diện tích sửa chữa khoảng 30m2. Thời gian thi công trong vòng 3 tháng, từ 15/5 - 15/8/2014 và chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn là 1 tháng. Đơn vị tiến hành thi công là Công ty TNHH Nghệ thuật Tân Hà Nội.

 

Ông Trương Ngọc Quang cho biết thêm, vì một số lý do nên việc sửa chữa, duy tu con đường gốm sứ chưa thực hiện được. Sắp tới Ban Quản lý cũng như đơn vị sửa chữa sẽ cố gắng đưa bức tranh gốm sứ trở về đúng nguyên trạng ban đầu.
 


Ông Trương Ngọc Quang trao đổi với PV Dân trí

Ông Trương Ngọc Quang trao đổi với PV Dân trí

 

Nói về nguyên nhân xuống cấp của bức tranh gốm sứ, ông Trương Ngọc Quang nhận định: Do thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa thất thường nên dẫn đến hiện tượng co ngót. Đặc biệt những chỗ nứt dọc hay còn gọi là nứt kết cấu là do kết cấu công trình khác nhau, vì trong quá trình thi công bức tranh gốm có những đoạn phải xây cao lên bằng gạch để phù hợp với thiết kế, do đó có sự khác nhau về vật liệu dẫn đến co giãn khác nhau. Ngoài ra, phương tiện giao thông đi lại nhiều cũng dẫn đến hiện tượng rung, làm bức tranh bị ảnh hưởng.

 

Về thực trạng rác thải được tập kết ngay dưới chân của bức tranh gốm và người dân thiếu ý thức tiểu tiện bừa bãi tại đây, ông Quang cho biết: “Vấn đề rác thải là thuộc trách nhiệm Ban Duy tu các công trình hạ tầng đô thị. Còn vấn đề người dân tiểu tiện bừa bãi, Ban Quản lý đã thông tin cho chính quyền khu vực giải quyết. Chúng tôi chỉ quản lý bề mặt bức tranh gốm, hàng tháng chúng tôi tiến hành rửa tranh 1 lần vào tuần cuối cùng của tháng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phối hợp với các bên liên quan để đảm bảo duy trì vẻ đẹp cho bức tranh”.

 

Nguyễn Dương