“Gọi gạo” đêm giao thừa

Những ngày cận Tết, về thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang hỏi đến tục “gọi gạo” đêm Giao thừa là từ cụ già đến trẻ con đều có thể diễn tả lại với vẻ đầy háo hức. Hiếm có một phong tục đêm Giao thừa nào độc đáo, mang tính cộng đồng cao được duy trì đến tận ngày nay như phong tục này.

Không khí đêm Giao thừa

Khác với vẻ bình yên, ắng lặng thường ngày, cứ đến đêm Giao thừa hàng năm cả thôn Phúc Lễ lại rộn ràng, náo nức, già trẻ, gái trai đều tụ họp tại nhà văn hóa thôn từ 8h tối. Đám thanh niên và các em nhỏ là háo hức nhất, chỉ mong chờ nhanh đến thời khắc được tỏa đi các hướng, đến từng nhà người dân để “gọi” những nắm gạo nếp thơm ngon. Từ chập tối đến trước thời điểm Giao thừa, không khí ở đây vô cùng nhộn nhịp. Các cụ già ngồi trà nước, kể chuyện cho đám trẻ, các cháu thiếu nhi vui chơi, hát hò, các mẹ, các cô rôm rả chuyện gia đình, các chàng trai, cô gái thành nhóm cười nói, tâm sự…

“Gọi gạo” đêm giao thừa


Cứ thế, đến tận Giao thừa, khi hiệu lệnh của người trưởng đoàn cất lên, nhóm người tỏa đi các hướng khác nhau, trẻ con cầm đuốc dẫn đường, thanh niên thì gồng gánh, thúng mủng, chiêng trống. Đến cửa mỗi nhà, người trưởng đoàn cất tiếng gọi gạo và gia chủ cũng chờ sẵn, nghe thấy tiếng trống, tiếng hát ngoài ngõ, lập tức mở cửa rồi hồ hởi xúc một nắm gạo nếp mới thơm ngon trong nhà mang ra góp. Người trưởng đoàn sẽ đỡ lấy gạo, đổ vào thúng rồi chúc gia chủ những lời chúc năm mới tốt đẹp nhất, sau đó ra hiệu lệnh cho đoàn quân tiếp tục đi đến những nhà khác. Cứ đi như vậy đến gần sáng thì đi đủ các nhà, gạo cũng đầy thúng, đoàn người lại kéo nhau ra nhà văn hóa thôn nghỉ ngơi. Khi ấy những cụ bà, những người phụ nữ sẽ ra nấu xôi, đơm từng phần vào lá chuối chia cho mỗi người một suất chấm với muối trắng ăn. Xong xuôi, mọi người mới chia nhau ai về nhà nấy đón ngày mùng một Tết bên gia đình.

Tục gọi gạo ở thôn Phúc Lễ năm nào cũng diễn ra, nhưng về nguồn gốc của nó thì vẫn còn nhiều ý kiến, ngay cả các cụ cao niên trong làng cũng không biết phong tục độc đáo ở làng mình có từ bao giờ, trong hương ước, phả hệ cũng không còn tài liệu nào ghi chép về tục này. Chỉ biết rằng đời trước truyền cho đời sau, cứ thế tồn tại. Cũng có những năm chiến tranh ác liệt, tục lệ này bị gián đoạn nhưng sau đó lại được khôi phục lại vào khoảng năm 1990 và duy trì đến ngày nay. Theo ông Vi Văn Soạn, 66 tuổi, ở thôn Phúc Lễ kể lại thì từ ngày ông còn rất nhỏ, đêm 30 Tết đã được bố mẹ cho đi gọi gạo. “Hồi ấy đám trẻ con thích lắm, háo hức để được ra sân kho ăn xôi, có khi ở nhà bánh ngon đến mấy cũng chẳng ăn nhưng ra đến sân kho thì mỗi anh nắm xôi tranh nhau mà ăn”.

Trưởng thôn Vi Phúc Khương cho biết, tục “gọi gạo” ở Phúc Lễ đã tồn tại rất lâu đời. Trước đây cứ đêm 30 Tết, trai đinh trong làng dưới sự chỉ huy của ông Tộc trưởng ra nằm ngoài cánh rừng ở rìa làng chờ đến thời điểm Giao thừa là đi “gọi gạo”. Nửa đêm ông Tộc trưởng cho nổ 2 phát súng lệnh rồi kéo quân đi, trống mõ nổi lên, tù và rúc inh ỏi, đoàn trai đinh kéo vào làng gọi gạo từng nhà. Đoàn quân kéo đến từng nhà trong làng, đến cửa mỗi nhà, ông Tộc trưởng cất giọng gọi:

“Gạo ơi, gạo ởi, gạo ời
Nắm cơm, bát nước nấu xôi, gạo à”


Dứt câu gọi đó, đoàn người sẽ reo lên “À, à…” và gia chủ sẽ mở cửa xúc cho đoàn một nắm gạo. Sau khi đi đến nhà cuối cùng thì cả đoàn sẽ kéo nhau ra cánh rừng ngoài làng nghỉ ngơi, các cụ bà trong làng nấu xôi và đơm xôi cho từng người. Trước đây làng Phúc Lễ nhỏ thì chỉ có một đoàn đi gọi gạo, giờ Phúc Lễ có trên 400 hộ dân, với 1.700 nhân khẩu, nên vào đêm 30 Tết sẽ chia thành 7 đoàn tỏa đi các hướng. “Đây là một tục lệ rất đặc sắc, trong gần 400 thôn làng ở Phúc Hòa chỉ có duy nhất Phúc Lễ duy trì được tục này” - ông Vi Phúc Khương cho biết.

Ý nghĩa nhân văn

Ý nghĩa nhân văn

Cụ Vi Quốc Tuấn, một cao niên trong làng cho biết, về nội dung tục “gọi gạo” xưa và nay không khác nhau nhưng về hình thức thì có khác nhau một chút theo từng thời kỳ. Trước đây thì tục này có hai mục đích, thứ nhất là đánh thức mọi người trong đêm để sẵn sàng chống giặc, chống trộm ban đêm. Thứ hai là ý nghĩa nhân văn, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ, để ai ai, dù giàu hay nghèo thì sáng mồng 1 Tết cũng có nắm xôi ăn Tết. Cũng có ý kiến cho rằng đây là tục lệ dân gian cầu mong mưa thuận gió hòa, mọi người khỏe mạnh, lúa tốt cau sai… hay là sự mong muốn cho một năm mới nhiều may mắn cho các gia đình khi được chính những trai tráng khỏe mạnh trong làng xông đất. Ngày nay, phong tục “gọi gạo” ở Phúc Lễ còn hòa chung với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện cuộc vận động “Tết vì người nghèo” do Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động… để phong tục thêm phần ý nghĩa.

Ông Nguyễn Thành Trung, chuyên viên Phòng Văn hóa thể thao huyện Tân Yên cho biết, tục “gọi gạo” ở Phúc Lễ có lúc bị gián đoạn do chiến tranh và đời sống kinh tế khó khăn nhưng những năm gần đây, ngành văn hóa huyện đã có kế hoạch và đang tiến hành sưu tầm, tuyên truyền nhằm gìn giữ phong tục này cùng với nhiều giá trị văn hóa phi vật thể khác.

Theo An ninh Thủ đô