Gói 30.000 tỷ đồng đã xong được hơn nửa sứ mệnh

(Dân trí) - Dù mọi kiến nghị, chất vấn của cử tri đã được các Bộ, ngành TƯ trả lời, giải quyết nhưng chất lượng giải quyết, trả lời còn hạn chế. Việc giải quyết về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi, chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… chưa thể đáp ứng được mong mỏi của cử tri.

Sáng 16/11, trong buổi làm việc đầu tiên phiên chất vấn chốt lại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền cho biết, đến trước kỳ họp thứ 10 này, các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu tiếp thu, giải quyết, trả lời toàn bộ 1.676 /1.676 kiến nghị của cử tri.

 


Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

 

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, Quốc hội đã xem xét kỹ, khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn và đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Quốc hội yêu cầu Chính phủ tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, phân kỳ đầu tư, khả năng huy động vốn, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành hàng không Việt Nam; trong đó quan tâm đến công tác giải phòng mặt bằng, tái định cư đối với người dân trong vùng dự án; báo cáo Quốc hội trước khi quyết định đầu tư và hằng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án.

Với khối cơ quan tư pháp, TAND tối cao và VKSND tối cao đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết, trả lời 42 kiến nghị. Cụ thể, 2 cơ quan này đã đề ra giải pháp khắc phục tình trạng xét xử án chậm; phòng, chống oan, sai trong tố tụng hình sự; áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng; thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa tiêu cực, vi phạm trong hoạt động xét xử; xem xét, giải quyết một số vụ án cụ thể.

Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ cũng nghiên cứu, tiếp thu, trả lời toàn bộ 1.500 kiến nghị của cử tri.

Về kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát, từ kỳ họp thứ 2 (cuối năm 2011) đến kỳ họp thứ 9 (đầu năm nay, 2015), qua giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, ông Nguyễn Đức Hiền cho biết, 24 nhóm vấn đề đã được UB Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ, các Bộ, khối cơ quan tư pháp giải quyết.

Một vấn đề cụ thể được đề cập là về quản lý, kinh doanh xăng, dầu. Trưởng Ban Dân nguyện nhận định, Nghị định 83 ban hành năm 2014 vừa qua để thay thế Nghị định 84 có từ năm 2009 đã cơ bản khắc phục những hạn chế, bất cập trong kinh doanh xăng dầu, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, nhất là sự vận hành của hệ thống đại lý kinh doanh xăng dầu. Việc điều hành giá bán lẻ, tạo cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Việc sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu được công khai, minh bạch…

Với yêu cầu khắc phục tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục và chính sách miễn giảm học phí, chi phí học tập cho học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành thông tư về điều lệ ban đại diện Hội cha mẹ học sinh; về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nhằm chấn chỉnh và hướng dẫn công tác thu, chi đối với các cơ sở giáo dục; đồng thời, hàng năm đã tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý thu, chi đầu năm tại một số cơ sở giáo dục.

Vấn đề khác bật ra sau giám sát là về chính sách hỗ trợ người dân xây dựng phát triển nhà ở. Ban Dân nguyện ghi nhận, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 188 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng nhà ở thông qua gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, năm 2014, Chính phủ cũng đã kịp thời sửa Nghị quyết số 02 và sau đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện.

Đến tháng 7/2015, tổng số tiền cam kết cho vay là hơn 17.000 tỷ đồng, đã giải ngân trên 10.100 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay đối với 24.000 hộ với số tiền trên 11.000 tỷ đồng, có 9.700 hộ vay để mua nhà ở xã hội với số tiền gần 4.000 tỷ đồng; 13.200 hộ vay để mua nhà ở thương mại với số tiền 6.700 tỷ đồng; xấp xỉ 1.200 hộ vay để cải tạo, xây mới nhà ở với số tiền 390 tỷ đồng. Đối với tổ chức, các ngân hàng cam kết cho vay 43 dự án với số tiền gần 6.000 tỷ đồng.

Nhận xét chung, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, việc tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và các kỳ họp trước, Quốc hội khóa XIII đã được các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức khác ở Trung ương thực hiện nghiêm túc, trả lời đầy đủ kiến nghị thuộc thẩm quyền. Một dẫn chứng được đưa ra là việc giải quyết khó khăn cho người dân trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói chung, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở tại đô thị đã có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Quốc hội có nghị quyết về vấn đề này, với gần 97% tổng diện tích đất ở, nhà ở được cấp.

Tuy nhiên, một số bộ, ngành giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 và một số kỳ họp trước còn chậm; báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết còn chưa đầy đủ, nội dung chưa rõ ràng; chưa xác định rõ giải pháp và lộ trình giải quyết; một số báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của UB Thường vụ Quốc hội còn chưa đáp ứng yêu cầu, sử dụng số liệu cũ, chưa bám sát nội dung kiến nghị như báo cáo về quản lý sử dụng đất nông, lâm trường.

Chất lượng giải quyết, trả lời còn những hạn chế nhất định. Một số kiến nghị thể hiện nguyện vọng và mong muốn rất lớn của cử tri, như về đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, các công trình phúc lợi, chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo… là những vấn đề cần có thời gian, nguồn lực, lộ trình cụ thể và sự thống nhất của nhiều bộ, ngành. Vì vậy, việc giải quyết chưa thể đáp ứng được nguyện vọng và mong mỏi của cử tri nhân dân cả nước.

P.Thảo