1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giao quyền điều tra cho Kiểm ngư là tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo

(Dân trí) - Một số ý kiến Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, nếu giao thêm thẩm quyền điều tra cho lực lượng Kiểm ngư sẽ góp phần tăng cường vai trò, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Sáng 27/5, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Chính phủ thuyết minh dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự gồm 10 chương với 75 điều, quy định chung những vấn đề như nhiệm vụ của cơ quan điều tra hình sự, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và công dân trong hoạt động điều tra, các hành vi bị nghiêm cấm…

Cấm bức cung, nhục hình

Theo dự thảo, cơ quan điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Tiến hành điều tra tất cả các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội. Lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

Cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra chỉ rõ hàng loạt hành vi nghiêm cấm. Dự thảo đưa ra việc cấm bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, dự luật cũng cấm làm sai lệch hồ sơ vụ án; truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội; ra quyết định trái pháp luật; ép buộc người khác làm trái pháp luật; làm lộ bí mật điều tra vụ án; can thiệp trái pháp luật vào việc điều tra vụ án hình sự.

Về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, dự thảo dẫn lại báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua: “Nếu mở rộng thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra lại tất cả các vụ án về tham nhũng xảy ra ngoài hoạt động tư pháp khi phát hiện bỏ lọt tội phạm hoặc oan, sai sẽ dẫn đến chồng chéo với thẩm quyền điều tra của các đơn vị điều tra chuyên trách thuộc Bộ Công an, đồng thời làm kéo dài việc điều tra vụ án.

Sáp nhập cơ quan điều tra tội tham nhũng, kinh tế

Báo cáo thẩm tra dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đề nghị sáp nhập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ bởi vì, tội phạm tham nhũng thường liên quan chặt chẽ với tội phạm về kinh tế và chức vụ.

“Việc sáp nhập hai Cục cảnh sát này đảm bảo tập trung lực lượng và phối hợp với lực lượng trinh sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra án tham nhũng, kinh tế, chức vụ”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.

Về bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, ông Hiện cho biết, trong Ủy ban Tư pháp cũng còn hai luồng ý kiến khác nhau, trong đó một số ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, một số ý kiến nhất chí với đề nghị bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Giao quyền điều tra cho Kiểm ngư là tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo

Theo Ủy ban Tư pháp, giao quyền điều tra cho lực lượng Kiểm ngư là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo

Thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, các lĩnh vực đặc thù có số vụ vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng, phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hiện nay, các cơ quan này chỉ có chức năng thanh tra các vụ việc và nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách. Trong nhiều trường hợp, hoạt động này không đủ sức ngăn chặn, xử lý và răn đe tội phạm.

Theo Ủy ban Tư pháp, nếu cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp giải quyết, xác minh, lấy lời khai ban đầu, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền (không tiến hành điều tra toàn diện một vụ án hình sự) thì sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này.

Hơn nữa, việc giao các cơ quan trên thẩm quyền điều tra ban đầu sẽ giảm tải cho các Cơ quan điều tra chuyên trách. “Riêng đối với cơ quan Kiểm ngư, thực tế cho thấy việc giao cơ quan này là cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra còn góp phần tăng cường vai trò quan trọng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo”, đại diện Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết.

Quang Phong