Quảng Nam:

Giao địa phương quản lý rừng để hạn chế lâm tặc?

(Dân trí) - Sau hàng loạt vụ phá rừng gây xôn xao dư luận cả nước gần đây, ngày 10/4, tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc với Sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng lãnh đạo huyện Nam Giang, Phước Sơn để thực hiện cải tổ bộ máy quản lý, bảo vệ rừng từ cấp cơ sở.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ phân cấp mạnh về địa phương cấp huyện, quy rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện về việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Ông Lê Trí Thanh thị sát tại khu rừng phòng hộ Sông Kông (huyện Đông Giang) bị hạ sát
Ông Lê Trí Thanh thị sát tại khu rừng phòng hộ Sông Kông (huyện Đông Giang) bị hạ sát

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tại cuộc họp đã thống nhất giao Sở NN-PTNT tỉnh xây dựng đề án kiện toàn, tổ chức lại bộ máy kiểm lâm, Ban quản lý rừng. Trước mắt, sẽ áp dụng thí điểm tại huyện Nam Giang từ tháng 5/2018 để rút kinh nghiệm, triển khai trên địa bàn toàn tỉnh từ đầu năm 2019.

Theo đề án này thì việc quản lý, bảo vệ rừng sẽ phân cấp mạnh về địa phương cấp huyện, quy rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện về việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.

Điểm đáng chú ý là sắp xếp, tách Hạt Kiểm lâm thuộc Ban quản lý rừng giao về cho địa phương quản lý; như hiện nay Giám đốc Ban quản lý rừng kiêm luôn Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm của Ban quản lý rừng.

Bên cạnh đó, mỗi huyện sẽ có một Hạt kiểm lâm chịu trách nhiệm toàn diện thực thi pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện và nằm trong hệ thống ngành dọc, chịu sự quản lý của Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Các Ban quản lý rừng sẽ thuộc UBND huyện quản lý và là một đơn vị sự nghiệp về quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng.

Rừng lim xanh ở huyện Nam Giang bị lâm tặc hạ sát
Rừng lim xanh ở huyện Nam Giang bị lâm tặc hạ sát

Thực tế hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 170 xã, song chỉ có 70 cán bộ kiểm lâm phụ trách xã. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường ít nhất một xã có một kiểm lâm địa bàn, một số xã có rừng nhiều có thể có 2-3 kiểm lâm địa bàn. Số kiểm lâm địa bàn này chịu sự quản lý, chỉ huy trực tiếp của Chủ tịch UBND xã.

Theo ông Lê Trí Thanh, việc giao khoán rừng sẽ được triển khai đến cộng đồng thôn. Từ thôn sẽ thành lập các Đội quản lý rừng, tuyển chọn những thanh niên đủ sức khỏe, đủ điều kiện theo quy định để thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng và được hưởng chế độ cao.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh rà soát, thống kê số kiểm lâm già yếu để có sự chuyển đổi phù hợp. Đối với các kiểm lâm lớn tuổi thì chuyển về địa bàn đồng bằng, còn kiểm lâm sức khỏe yếu sẽ khuyến khích nghỉ hưu sớm theo chế độ hiện hành.

Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh: “Tỉnh Quảng Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt nhằm chấn chỉnh lại đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng từ cấp cơ sở. Qua đó, mong rằng sẽ kiểm soát được tình trạng phá rừng tự nhiên như hiện nay”.

Được biết, trước đây tiền chi trả dịch vụ rừng do các nhà máy thủy điện đóng góp nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, sau đó chuyển về các ban quản lý rừng để cấp tới người dân. Quy trình này được thay đổi lại, UBND các huyện miền núi sẽ ứng kinh phí để cấp về các xã, thực hiện chi trả tiền dịch vụ rừng cho những đội quản lý, bảo vệ rừng. Khi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng nhận tiền từ các nhà máy thủy điện sẽ cấp lại cho UBND các huyện miền núi.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, mặc dù thực tế Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên nhưng người dân miền núi vẫn có nhu cầu lấy gỗ để xây mới hoặc sửa chữa nhà. Nếu cấm tuyệt đối việc khai thác gỗ rừng tự nhiên là rất khó, không phù hợp với thực tiễn, đẩy người dân địa phương thành những người đi phá rừng, thành đối tượng phải bị xử lý hình sự.

Vì vậy, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ thực tế này, để chính quyền địa phương có sơ sở kiểm soát chặt chẽ việc khai thác gỗ tự nhiên của người dân bản địa ở miền núi để làm nhà.

C.Bính