Gian nan đường “danh phận” của các hội nhóm xã hội

(Dân trí) - Một cơ sở từ thiện bảo trợ trẻ mồ côi 20 năm hành trình xin cấp phép hoạt động không thành, cánh cửa đại học khó hé mở cho những đứa trẻ lớn lên tại đây. Một nhóm thanh niên ưu tú của Tây Nguyên lận đận đã 7-8 năm tìm kiếm sự “chính danh” để có thể lan tỏa cơ hội giáo dục cho lớp đàn em ở quê nhà…

Chuyện 2 nữ sinh cầu cứu trước cánh cửa đại học

Mái ấm truyền tin là một cơ sở từ thiện nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ em dân tộc thiểu số điều kiện khó khăn, không nơi nương tựa đóng tại quận Bình Tân, TPHCM, đã hoạt động từ năm 1995 tới nay. Thực tế nhiều em đã được nuôi dưỡng, cho học hành tới trưởng thành từ ngôi nhà chung này, đi làm, lập gia đình… Trong hơn 20 năm hoạt động, mỗi năm mái ấm tiếp nhận, giúp đỡ trên dưới 20 trẻ nhỏ có hoàn cảnh éo le như vậy.

Mục tiêu của những người hoạt động thiện nguyện tại mái ấm là chăm lo để trẻ có thể hòa nhập cộng đồng, được đến trường học hành với môi trường giáo dục đảm bảo. Dù vậy, cơ sở từng gặp rất nhiều khó khăn để có được giấy phép hoạt động.


Năm 2016, một nữ sinh từ Mái ấm truyền tin đã viết tâm thư cầu cứu vì em không làm được chứng minh nhân dân để thi đại học (bàn đầu, bên phải).

Năm 2016, một nữ sinh từ Mái ấm truyền tin đã viết tâm thư cầu cứu vì em không làm được chứng minh nhân dân để thi đại học (bàn đầu, bên phải).

Trong suốt 20 năm ròng, mái ấm đã nỗ lực xin làm hộ khẩu tập thể, căn cứ để xác nhận quyền công dân cho các em mồ côi mà không được, lý do vì các nghị định điều chỉnh lĩnh vực hoạt động này thay đổi liên tục, cơ sở không kịp xoay chuyển để đáp ứng. Trong điều kiện hoạt động như thế, khó khăn nhất với cơ sở là việc làm các loại giấy tờ, thủ tục như giấy khai sinh, làm chứng minh nhân dân cho trẻ khi đến tuổi trưởng thành.

Giám đốc Mái ấm truyền tin – bà Nguyễn Thị Cư giải thích, theo quy định, xin cấp chứng minh thư hoặc thẻ căn cước công dân, người đi làm thủ tục phải xuất trình giấy khai sinh và sổ hộ khẩu. Vì mái ấm khi đó chưa được cấp phép nên chưa thể làm hộ khẩu tập thể.

Hơn 1 năm trước, từ câu chuyện của 2 nữ sinh trong mái ấm viết tâm thư cầu cứu Bí thư Thành ủy TPHCM đứng trước kỳ thi đại học mà không có chứng minh thư, không thể dự thi, lãnh đạo thành phố đã giúp tháo gỡ khó khăn, không chỉ để các em có được tấm thẻ căn cước công dân mà còn giúp cơ sở có được giấy phép hoạt động do quận Bình Tân cấp.

Bà Chu Đào, người phụ trách hoạt động của cơ sở hiện tại cho biết: “Chúng tôi cũng là cơ sở đầu tiên xin được con dấu tròn nhờ sự việc khi đó. Từ đó đến giờ hoạt động của chúng tôi đã thuận lợi hơn nhiều. Nhà nước không hỗ trợ gì thêm nhưng có tư cách pháp nhân rồi thì tiếng nói của Mái ấm cũng không bị hạn hẹp nữa, có thể chủ động hơn trong các hoạt động”.

Bà Đào dẫn chứng cụ thể, đã được cấp phép nên có thể làm giấy khai sinh, làm chứng minh nhân dân/căn cước công dân cho các em khi đến tuổi trưởng thành để tham gia các hoạt động trong xã hội. Việc đi học của trẻ đã được tháo gỡ nhiều vướng mắc, cơ sở bảo trợ có thể lo cho các cháu học hết cấp 3 thi vào đại học.

Dù vậy, mới chỉ là một cơ sở được cấp phép ở cấp quận nên Mái ấm truyền tin chưa có được hưởng các cơ chế như những trung tâm bảo trợ xã hội của nhà nước, ví như không được hỗ trợ hoàn toàn thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ, cũng chưa mua được bảo hiểm y tế hộ gia đình (chi phí giảm hơn nhiều so với mua bảo hiểm lẻ cho từng cá nhân - PV) vì phường vẫn chưa công nhận cho cơ sở là một gia đình để có thể nhận được chính sách đó.

Bà Nguyễn Thị Cư - Giám đốc Mái ấm truyền tin cho biết cơ sở đã lận đận suốt 20 năm để xin cấp phép mà không được, cho tới khi có chuyện nữ sinh cầu cứu lãnh đạo TPHCM
Bà Nguyễn Thị Cư - Giám đốc Mái ấm truyền tin cho biết cơ sở đã lận đận suốt 20 năm để xin cấp phép mà không được, cho tới khi có chuyện nữ sinh cầu cứu lãnh đạo TPHCM

Một “danh phận”, theo đó, có ý nghĩa rất lớn với hoạt động thực tế của nhiều hội nhóm thiện nguyện hiện nay.

Câu chuyện của nóm Nhà lãnh đạo trẻ Tây Nguyên rất điển hình cho những hội nhóm trên hành trình tìm kiếm một “danh phận” để có thể hoạt động, đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội hiện nay. Thực tế, nhóm đã tồn tại, hoạt động từ năm 2011, xây dựng được một chương trình có tiếng vang là Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên tổ chức thường niên. Dù vậy, nhóm vẫn chưa chính thức được “khai sinh”, đăng ký được tên tuổi với các cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước.

Với tổ chức Nhà lãnh đạo trẻ Tây Nguyên, khó khăn lớn nhất với hoạt động của nhóm trong suốt 7 năm qua, ngay từ những ngày đầu tiên cho tới thời điểm hiện tại là vấn đề tư cách pháp lý. Đại diện Ban điều hành nhóm – anh Nguyễn Vĩnh Công cho biết, hầu hết các tổ chức, cá nhân mà các thành viên trong nhóm tiếp cận để xin tài trợ đều hỏi về việc này. Khi những đóng góp và tên tuổi của nhóm được Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên ghi nhận và bảo trợ để có thể được tiếp chuyện nghiêm túc thì giấy tờ pháp lý cũng vẫn là một thách thức cần giải quyết.

“Vấn đề lớn nhất của chúng tôi là chưa trực thuộc một đơn vị chính thức nào vì vậy mỗi dự án của nhóm đều phải đi xin bảo trợ pháp lý từ các tỉnh Đoàn nơi chương trình được tổ chức. Và mỗi chương trình ở một tỉnh mới thì phải làm việc với một cơ quan mới mà không phải khi nào chúng tôi cũng được hiểu và ủng hộ ngay từ đầu và dễ dàng có được pháp lý. Ví dụ, Diễn đàn Tuổi trẻ Tây Nguyên 2016 ban đầu không được tỉnh đoàn Gia Lai đón nhận và tỉnh đoàn Lâm Đồng từ chối mặc dù đã tổ chức một lần khác tại Lâm Đồng trước đó” – anh Nguyễn Vĩnh Công kể lại.

Nút thắt cần gỡ với luật về Hội

Từ va vấp thực tế đã trải qua, Ban điều hành nhóm lãnh đạo trẻ Tây Nguyên bày tỏ sự quan tâm lớn đến việc xây dựng luật về Hội trong suốt thời gian qua.

Anh Công cho biết, tìm hiểu dự thảo luật về Hội, nhóm quan tâm đến việc các câu lạc bộ, tổ chức, đội nhóm không có tư cách pháp nhân, nghĩa là không có giấy chứng nhận từ nhà nước thì sẽ buộc phải giải tán. Tổ chức lãnh đạo trẻ Tây Nguyên trước đây và hiện tại vẫn nằm trong nhóm này, vì thế đối mặt với nguy cơ có thể bị buộc thôi hoạt động. Trong khi đó, thực tế, có tư cách pháp nhân để được hoạt động lại là một lợi ích rất lớn cho bất kỳ tổ chức nào, từ việc xin tài trợ, thực hiện các giao dịch về tài chính tới vấn đề đảm bảo về năng lực, uy tín hoạt động trong khu vực.

Theo đó, nhóm đang xúc tiến hoạt động xin cấp phép bằng việc gửi hồ sơ đến Trung tâm công tác xã hội Thanh thiếu niên trực thuộc TƯ Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam để có thể trở thành thành viên của tổ chức này. Hồ sơ gửi từ năm 2016, theo anh Công, đang trong quá trình chờ phê duyệt, dự kiến có thể hoàn tất quá trình kết nạp vào giữa năm nay, 2018.

Một nữ sáng lập viên khác của nhóm cũng nhận xét, nhóm đã tìm hiểu và nhận thấy dự thảo luật về Hội vẫn chưa thực sự bao quát được tính đặc thù và linh hoạt của một số tổ chức. Cụ thể như hoạt động của Diễn đàn tuổi trẻ Tây Nguyên - một tổ chức phi lợi nhuận đặc thù và rất linh động về quy chế tổ chức, nếu áp theo các quy định đề xuất trong luật thì nhóm sẽ bị hạn chế rất nhiều về điều kiện để trở thành đơn vị hoạt động phi lợi nhuận có tư cách pháp lý chính thức.

Nhóm lãnh đạo trẻ Tây Nguyên mong muốn có những điều luật cụ thể để việc đăng ký hoạt động của các đội, nhóm không phải là một việc quá khó khăn khiến các bạn bị đánh mất cảm hứng và động lực vì họ thực sự tin rằng có rất nhiều các nhóm bạn trẻ, dù hiện tại được đăng ký hay không, vẫn đang làm rất nhiều công việc có ý nghĩa và có ảnh hưởng ở Việt Nam.

Đối với những hội nhóm nghề nghiệp, việc thành lập, hoạt động có nhiều thuận lợi, đơn giản hơn. Tuy nhiên cũng không ít những vướng mắc trông đợi được tháo gỡ bằng một văn bản pháp lý ở tầm một đạo luật.

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng bày tỏ băn khoăn khi luật về Hội nhiều lần lên bàn nghị sự của Quốc hội mà vẫn chưa thể thông qua.
Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng bày tỏ băn khoăn khi luật về Hội nhiều lần lên bàn nghị sự của Quốc hội mà vẫn chưa thể thông qua.

Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM lấy ví dụ từ hoạt động của chính tổ chức mình để phân tích, hội hiện mang tính tự nguyện nhưng sự tự nguyện cũng chỉ ở mức độ… vừa phải.

“Ví dụ, khi cần, các cơ quan ban ngành địa phương cũng có lấy ý kiến của hội chúng tôi để tham khảo nhưng không cần thì thôi, tức cần thì người ta gặp, không cần thì thôi chứ cũng không có quy định rõ ràng cụ thể về quy chế hoạt động. Lâu lâu, khi có vấn đề, Hội chúng tôi cũng có kiến nghị gửi lên các cơ quan chức năng như thuế, hải quan, cơ quan bảo vệ môi trường, phản ánh ý kiến hội viên nhưng nói chung hiệu quả của việc đó có giới hạn. Người ta nghe và sửa đến đầu thì hoàn toàn là… tùy hứng, không có gì ràng buộc” – ông Hồng cho rằng, nếu có luật về Hội thì những biểu hiện này sẽ khác, việc xác định vai trò, hoạt động của hội sẽ rõ ràng, dễ thực hiện hơn.

Ông Hồng gợi ý, ở nhiều nước đã có luật điều chỉnh, các hội có vai trò rõ ràng, thậm chí có những việc phải thông qua hội mới làm được, giống như vai trò phân bổ quota dệt may trước đây từng có. Theo ông, có như vậy, việc tham gia hội nhóm mới thực chất và sôi nổi.

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan thành phố cũng băn khoăn vì sao Quốc hội đã qua 2 khóa bàn thảo mà vẫn chưa thống nhất, xây dựng được luật này. Ông chia sẻ quan điểm: “Vào CPTPP rồi, luật này rất cần để tăng cường bảo vệ DN, người lao động Việt Nam trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực”.

P.Thảo