Gian lận thi cử, trách nhiệm không "gói gọn" ở địa phương!

(Dân trí) - Đó là nhận định của đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nêu khi phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 30/5. Đề cập những chuyện làm “lung lay niềm tin của người dân”, đại biểu bất bình về việc xử lý trách nhiệm trong vụ gian lận thi TPHT quốc gia năm ngoái…

Gian lận thi cử, trách nhiệm không gói gọn ở địa phương! - 1

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) là Giám đốc Viện tim Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) là người lên tiếng đầu tiên tại phiên thảo luận. Ông Hiếu bày tỏ vui mừng vì những con số tăng trưởng đã đạt được. Đáng ra những con số thành tích đó cần được đón nhận hồ hởi. Nhưng thực tế, nhiều cử tri thể hiện sự hồ nghi về những con số đó.

Đại biểu phân tích, vì niềm tin của người dân đã bị lung lay khiến người ta nghi ngờ về những con số được báo cáo. Mà niềm tin bị lung lay do nhiều vấn đề bức xúc với người dân chưa được giải quyết kịp thời.

Ông Hiếu đề cập, về giao thông, kỳ họp trước ông đã rất mừng vì Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đến đoàn đại biểu Quốc hội An Giang tìm hiểu xem việc thúc đẩy dự án đường tránh Long Xuyên ở An Giang như nào. Nhưng sau đó dự án vẫn không “trôi” được, dẫn tới bức xúc của người dân khi đi qua trạm thu phí BOT T2.

Nỗi bức xúc khác về dân sinh là việc tăng giá điện. Đại biểu Hiếu phân tích, trong ngành y của ông, nhiều khi phác đồ điều trị rõ ràng đúng nhưng bệnh nhân vẫn ý kiến, phản ứng thì cần xem xét lại, điều chỉnh. Ông đặt vấn đề, ngành điện có nên xem lại khi một quyết định điều chỉnh giá điện vấp nhiều phản ứng vậy?

Trong lĩnh vực giáo dục, đại biểu nêu rõ, việc gian lận thi cử, cử tri trông đợi sự giải quyết tích cực, thoả đáng của Bộ Giáo dục – Đào tạo nhưng thực tế những động thái vẫn hết sức mờ nhạt. Theo ông Hiếu, người có trách nhiệm cụ thể trong vụ gian lận thi này, không thể nói là chỉ ở địa phương.

Nghịch lý là mỗi năm Bộ Giáo dục tổ chức cải cách việc thi cử một lần mà càng cải tiến thì càng kém đi. Bộ cũng chưa tổ chức tập huấn, chỉ rõ những kẽ hở có thể bị lợi dụng để tiêu cực trong việc thi 2 trong 1 để các địa phương dự liệu như việc bài thi không dọc phách, bài trắc nghiệm lại thực hiện tích bằng bút chì… Rồi khi có kết quả, Bộ Giáo dục cũng không sớm phát hiện việc phổ điểm của thí sinh ở những tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa lại còn cao hơn nơi thành phố lớn, đô thị…

“Nếu phúc tra cả nước, đại biểu cho rằng sẽ còn nhiều sai phạm hơn nữa được phát hiện” – đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhận định.

Đại biểu này cũng cho rằng, phương pháp của Bộ không thể đúng được khi mà trong lớp luôn có đến gần 100% học sinh giỏi.

Thảo luận về Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa qua, nhiều đại biểu "đòi) một triết lý giáo dục, nhưng theo đại biểu Hiếu thì trước mắt cần một nguyên tắc là nền giáo dục không gian dối.

Phiên thảo luận tại tổ trước đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đánh giá sâu sắc hơn về vụ việc gian lận trong kỳ thi trung học phổ thông năm 2018, trả lời chính thức về kết quả xử lý và làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan; công khai minh bạch và sớm có hướng xử lý kịp thời. Các đại biểu yêu cầu cần có biện pháp giải quyết tận gốc trong tất cả các khâu (việc nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, khâu tổ chức ở địa phương, khâu chấm thi, khâu quản lý, hình thức thi trắc nghiệm), để không tái diễn trong các kỳ thi tiếp theo.

Ngoài ra, các cơ quan cần làm rõ trách nghiệm của cơ quan nghiệm thu phần mềm chấm thi có lỗ hổng bảo mật trong quy trình, tạo điều kiện cho những vi phạm gian lận thi cử trong kỳ thi. Đưa ra mức xử lý đối với trường hợp con cán bộ, công chức có trong danh sách gian lận thi cử. Giải trình rõ lý do không xét thế chỗ những trường hợp bị thôi học vì sẽ làm xáo trộn hệ thống.

Ai đảm bảo tiêu cực thi sẽ không xảy ra nữa?

Một đại biểu khác cũng đồng tình với ông Hiếu, nhận định giáo dục luôn là điểm nóng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Bộ GD-ĐT vẫn loay hoay với các vấn đề, cải tiến tiếp nối cải tiến mà không mang lại hiệu quả. Cử tri thì liên tục phàn nàn về chất lượng giáo dục, bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục. Thử hỏi nền giáo dục đi về đâu khi hiện trạng giáo dục “nan giải” như vậy?

Phân tích vụ gian lận thi THPT quốc gia mùa 2018, đại biểu băn khoăn, Bộ GD-ĐT hẳn là chưa thấy hết hệ quả nghiêm trọng mà kỳ thi để lại? Bộ Giáo dục là cơ quan xây dựng kỳ thi nhưng không kiểm soát được tình hình. Mà ngay cả khi tiêu cực xảy ra, việc phát hiện cũng không phải do Bộ mà là do một nhóm thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác, dư luận bùng lên thì Bộ mới vào cuộc.

Đáng nói nữa, theo đại biểu, khi làm rõ được tiêu cực thì việc công khai danh tính phụ huynh có con em được nâng điểm, Bộ GD-ĐT cũng không có chính kiến rõ ràng. Đó là một dấu hiệu cho thấy cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực chưa thấy hết được những vấn đề, hệ luỵ của vụ tiêu cực.

“Bộ vẫn chỉ nói đang nỗ lực cải tiến kỳ thi cho 2019 nhưng ai đảm bảo sai phạm sẽ không xảy ra nữa?” – đại biểu đặt câu hỏi.

P.Thảo