Gian dối trong thiết kế xây cầu gây nứt hàng loạt nhà dân

Gần 8 tháng nay, nhiều hộ dân thôn An Hưng, xã Triệu Tài (Triệu Phong, Quảng Trị) đứng ngồi không yên do nhà ở bị nứt, đứt gãy và sụt lún tường, trần, nền ở nhiều chỗ; nguy cơ bị sập đổ bất cứ lúc nào. Tìm hiểu được biết, nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do ảnh hưởng của giải pháp thi công xây mới cầu Phú Liêu trên địa bàn.

Giải pháp thi công gây hậu quả xấu này liên quan trực tiếp và gián tiếp đến các bên, gồm: Công ty CP Tư vấn thiết kế An Nguyên (kiệt 52 Huỳnh Thúc Kháng, phường Đông Lễ, TP Đông Hà, Quảng Trị); ông Nguyễn Chí Thức, Trưởng phòng Kỹ thuật - Thẩm định thuộc Sở GTVT Quảng Trị; Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Triệu Phong và UBND huyện Triệu Phong. Hạng mục xây mới cầu Phú Liêu thuộc công trình xây mới đường liên xã Triệu Tài - Triệu Vân, huyện Triệu Phong.

 
Cầu Phú Liêu đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng; trong khi việc xây mới cầu này phải dừng lại do giải pháp thi công bằng đóng cọc gây nứt, đứt gãy tường, trần nhà của nhiều hộ dân.
Cầu Phú Liêu đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng; trong khi việc xây mới cầu này phải dừng lại do giải pháp thi công bằng đóng cọc gây nứt, đứt gãy tường, trần nhà của nhiều hộ dân.

 

Công trình được đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn 176 tỷ đồng, do UBND huyện Triệu Phong làm chủ đầu tư, Công ty An Nguyên khảo sát thiết kế, Công ty CP Thành An (thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Quảng Trị) thi công.

Theo hồ sơ thiết kế, cầu được xây dựng 2 nhịp, mỗi nhịp dài 12m; rộng 7,5m; trên hệ móng cọc kích thước 35x35cm, thi công bằng phương pháp đóng cọc. Tuy nhiên, sau khi thi công chưa đầy một tháng (từ ngày 18-4 đến 13-5-2015), đơn vị thi công đã buộc phải dừng thi công hạng mục này. Nguyên nhân do việc thi công bằng phương pháp đóng cọc đã làm nứt, đứt gãy và sụt lún tường, trần, nền nhà dân ở xung quanh công trình; bà con đã nhiều lần phản ánh và ngăn cản...

 
Một hộ dân bị nứt nhà.
Một hộ dân bị nứt nhà.

 

Tìm hiểu thực tế sự việc, chúng tôi nhận thấy có tổng cộng 7 nhà dân ở thôn An Hưng xảy ra tình trạng nói trên. Trong đó, nhà của hộ ông Trần Minh Thông bị nặng nhất với rất nhiều vết nứt, đứt gãy chằng chịt khắp tường và trần nhà. Bà Trần Thị Thú, vợ ông Thông cho biết, gia đình bà đã 3 lần gửi đơn lên xã, huyện, tỉnh và nhiều lần khác trực tiếp lên các cấp chính quyền để khiếu nại, cầu cứu; nhưng UBND huyện Triệu Phong chỉ bồi thường cho gia đình bà 22,8 triệu đồng. Số tiền này không đủ cho công thợ tháo dỡ mái ngói; cắt, đập phần tường, trần nhà bị nứt, đứt gãy…

Chiều 8-1, chúng tôi đã có buổi làm việc, tìm hiểu sự việc trên với ông Hồ Viết Hy, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong và ông Bùi Văn Trúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Triệu Phong. Ông Hy cho biết, UBND huyện đã họp, kiểm tra thực tế, lắng nghe ý kiến và trả lời nhân dân. Hiện tại, UBND huyện đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện phối kết hợp với các đơn vị chức năng liên quan, thực hiện các công việc cần thiết, sớm đề xuất và bồi thường số tiền hợp lý cho bà con.

Ông Hy cũng chia sẻ, sau khi xảy ra sự cố, ông mới được bên Sở GTVT tỉnh thông tin đơn vị thiết kế công trình này kém năng lực chuyên môn(?!). Trong khi đó, bản thân ông vì tin tưởng vào khâu thẩm định của phòng chức năng của Sở GTVT, mới ký chấp nhận giải pháp thi công đó.

Về phía ông Trúc, ông này thừa nhận liên quan đến việc xây mới cầu Phú Liêu, nhưng không được đánh giá tác động môi trường là sai với quy định. Ông tiếp thu, rút kinh nghiệm và sau này sẽ thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện.

Tiếp tục làm sáng tỏ những khuất tất trong khâu thiết kế xây mới cầu Phú Liêu, chúng tôi đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Chí Thức, Trưởng phòng Kỹ thuật - Thẩm định thuộc Sở GTVT Quảng Trị. Ông Thức là người trực tiếp xem xét, đánh giá và ký duyệt đồng ý bản thiết kế công trình xây dựng trên của Công ty An Nguyên. Tuy nhiên, ông Thức từ chối không làm việc, với lý do phải liên hệ qua lãnh đạo Sở GTVT.

Chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với ông Hoàng Quang Vinh, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị qua số máy điện thoại cầm tay của ông này, nhưng ông Vinh không nghe máy.

Trong khi đó, ông Trần Sỹ, Giám đốc Công ty An Nguyên cho rằng, khi tiến hành thiết kế hạng mục công trình nói trên, cũng như khi đưa bản thiết kế này cho ông Thức xem xét, đánh giá và ký duyệt, ông đều nói việc thi công bằng giải pháp đóng cọc sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng nhà dân xung quanh, nhưng ông Thức một mực bảo rằng, nếu có xảy ra sự cố đó thì, UBND huyện Triệu Phong bằng nguồn vốn dự phòng của công trình này mà lo liệu(?!).

Ông Sỹ cũng thừa nhận bản thiết kế hạng mục xây mới cầu Phú Liêu do đơn vị ông thực hiện là sai. Cụ thể, bản thiết kế này không có phần đánh giá tác động môi trường, không xem xét đến các đối tượng xung quanh công trình được xây dựng, như nhà ở, các công trình khác. Tuy nhiên, ông Sỹ nói rằng, nếu thiết kế đúng thì kinh phí xây cầu sẽ “đội lên”, theo đó UBND huyện Triệu Phong sẽ không đồng ý và đơn vị của ông sẽ không nhận được phần thiết kế này, nên ông mới quyết định làm gian dối (?!)

Theo Phan Thanh Bình
Công an nhân dân