Giảm thuế đất để “hâm nóng” thị trường

Sở Tài chính TPHCM vừa đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm mức thu tiền sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất để “hâm nóng” thị trường. Bà Trần Thị Ánh Nguyệt, phó giám đốc Sở Tài chính cho biết thêm về vấn đề này:

Từ khi áp dụng bảng giá đất mới (theo Luật đất đai năm 2003) đến nay, tình hình chuyển nhượng nhà đất có dấu hiệu chựng lại. Riêng nguồn thu từ tiền sử dụng đất mỗi năm giảm dần. Nếu như năm 2004 TP thu được hơn 2.400 tỉ đồng từ tiền sử dụng đất thì đến năm nay dự kiến còn 1.650 tỉ đồng, giảm đến 25% so với năm trước đó.

Ngoài ra, các khoản thu liên quan đến đất đai như chuyển quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế nhà đất, lệ phí trước bạ... tăng không đáng kể, trong khi các hoạt động này phụ thuộc việc giao dịch, nhu cầu hợp thức hóa nhà đất.

Nhiều ý kiến đều phân tích nguyên nhân chính do bảng giá đất mới cao hơn trước đây đã tác động đến người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các nghĩa vụ liên quan đến thuế đất. Ngoài ra nhiều người dân, doanh nghiệp cũng phản ảnh mức thuế đất hiện nay chưa phù hợp với bảng giá đất mới.

Vậy theo bà, mức thu bao nhiêu là hợp lý?

Giảm thuế đất để “hâm nóng” thị trường - 1
  

Bà Trần Thị Ánh Nguyệt.

Trước đây theo nghị định 38, mức thu đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở là 40% (trong hạn mức), đất ngoài hạn mức là 100%. Nhưng hiện nay chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở có hai mức 50% và 100% (mức chênh lệch giữa đất nông nghiệp và đất ở).

Khi hợp thức hóa, người dân cũng phải nộp (tiền sử dụng đất) theo mức tương tự. Người dân và các doanh nghiệp cho rằng mức thu này là quá cao. Vì vậy khi ban hành giá đất hằng năm, các tỉnh thành chưa đưa ra giá sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường như qui định.

Sở đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét giảm các mức thu này còn khoảng 20% để các tỉnh thành yên tâm đưa giá đất lên sát giá thị trường.

Lâu nay các doanh nghiệp cũng than phiền về việc thu thuế đất tại các dự án kinh doanh nhà ở chưa hợp lý. Sở có kiến nghị xem xét lại mức thu phù hợp hơn?

Ở TPHCM hiện nay, giá đất cao nhất của một số tuyến đường là 43 triệu đồng, chưa bằng khung giá của Chính phủ qui định (tối đa là 67,5 triệu đồng) nhưng bảng giá trên đã được TP cân nhắc rất kỹ. Nếu tăng giá đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân khi nộp các khoản thuế liên quan đến đất.

Trước đây ở các dự án chung cư cao tầng, cơ quan chức năng chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phần diện tích xây dựng chung cư; phần diện tích công cộng như sân chơi, bãi đậu xe, công viên... không cấp giấy chứng nhận nên chủ đầu tư không phải nộp tiền sử dụng đất.

Tuy nhiên, qui định hiện nay phần đất công cộng vẫn được cấp giấy chứng nhận nên chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất. Qui định này sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng chung cư nên sở kiến nghị chỉ thu phần đất xây dựng chung cư, phần diện tích công cộng nên miễn thu tiền sử dụng đất.

Đối với các dự án lớn, thường chỉ một phần nhỏ diện tích đất giáp mặt đường, phần còn lại bên trong là ruộng, vườn, không có hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, khi áp giá thu tiền sử dụng đất thì thu toàn bộ diện tích đất theo giá mặt tiền đường.

Vì vậy chúng tôi cũng đề xuất: đối với các dự án có qui mô từ 20ha trở lên chỉ thu tiền sử dụng đất theo giá mặt tiền đường phần diện tích đất trong phạm vi 200m, ngoài phạm vi 200m nên thu bằng 40% giá của mặt tiền đường như trước đây TP đã thực hiện.

Theo Phúc Huy
Báo Tuổi trẻ