Giảm thủ tục tố tụng là làm lợi cho xã hội

(Dân trí) - “Cố gắng làm sao giảm được các thủ tục tố tụng, tức là rút ngắn thời gian giải quyết các vụ kiện hành chính, đặc biệt khắc phục các sai sót trong hoạt động xét xử thì có lợi cho xã hội”.

Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/3 về dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - cho biết cơ quan này tán thành với việc bổ sung quy định về thủ tục rút gọn trong dự thảo nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức TAND năm 2014. Theo đó, thủ tục rút gọn được áp dụng ở cả giai đoạn xét xử sơ thẩm và giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hành chính.

“Tuy nhiên, dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) mới chỉ quy định thủ tục rút gọn ở giai đoạn xét xử sơ thẩm là chưa phù hợp. Mặt khác, dự thảo cũng chưa làm rõ được các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn (vụ án có tính chất đơn giản, rõ ràng, vụ án không có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, các bên đương sự đồng ý xét xử theo thủ tục rút gọn...), phạm vi áp dụng còn rất hẹp (chỉ áp dụng đối với khiếu kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính)”- ông Hiện nói.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng không đồng ý với quy định trong dự thảo: “Bản án, quyết định của tòa án theo thủ tục rút gọn có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án” vì quy định như thế thì bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm. Đây là thủ tục xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm, không phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức TAND năm 2014.

Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương (Ảnh: VOV).
Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương (Ảnh: VOV).

Đồng tình với việc quy định về thủ tục rút gọn, ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - phân tích: “Chúng ta biết hành chính có một đặc thù riêng, đó là các quyết định xuất phát từ việc áp dụng pháp luật bằng hành vi hành chính và quyết định hành chính thì nó có hiệu lực ngay”.

Ông Khánh ví dụ về việc phạt vi phạm giao thông, việc kiện hay không kiện, khiếu nại hay không khiếu nại thì người bị phạt phải chấp hành ngay hình phạt chứ không phải chờ xem xét khiếu nại đó có đúng hay không, có được chấp nhận hay không.

“Quyết định hành chính có hiệu lực ngay tại chỗ, đối tượng bị áp dụng do biện pháp quyết định hành chính phải thi hành. Vì vậy chúng ta cố gắng làm sao giảm được các thủ tục tố tụng, tức là rút ngắn thời gian giải quyết các việc kiện hành chính, đặc biệt khắc phục các sai sót trong hoạt động xét xử thì lợi cho xã hội. Do đó tôi đồng tình với việc cần những luật đơn giản, nên quy định thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính”- ông Khánh bày tỏ.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, giữa mặt rút gọn về mặt thủ tục và rút gọn về tố tụng là hai vấn đề khác nhau. Mặc dù có rút gọn trong xét xử phúc thẩm, nhưng tố tụng vẫn phải đầy đủ các quy trình trong xét xử hành chính. “Tức là đối với những án sơ thẩm vẫn bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định chung, đảm bảo quyền của các bên, đảm bảo sự tham gia của các cơ quan khác, đặc biệt là cơ quan kiểm sát và liên quan đến kiểm sát”- ông Khánh phân tích.

Trong khi đó, ông K'sor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc - vẫn phân vân về quy định này. “Ý kiến thứ nhất đưa ra giới hạn với những quyết định hành chính có mức phạt dưới 50 triệu đồng, tôi nghĩ không phải như vậy. Quan trọng nhất là tính phân minh của luật pháp, chứ không đặt đồng tiền lên để xem xét. Không nên ấn định số tiền, quan trọng là đưa ra nguyên tắc cơ bản, tiêu chí để rút gọn. Không nên đưa ra chỉ số 50 triệu, vì như thế là tự mình đẩy mình vào thế phiền hà về mặt hành chính”- ông nói.

Xác định rõ bản chất của đơn đề nghị giám đốc thẩm

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp không đồng ý quy định đương sự có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải nộp lệ phí trừ trường hợp được miễn.

“Để khắc phục cơ bản tình trạng đơn đề nghị giám đốc thẩm tràn lan và quá tải trong giải quyết dẫn đến tồn đọng quá nhiều đơn như hiện nay, Ủy ban Tư pháp đề nghị trong dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) cần xác định rõ bản chất của đơn đề nghị giám đốc thẩm không phải đơn khiếu nại và có cơ chế giải quyết phù hợp. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu quy định án phí xét xử giám đốc thẩm đối với trường hợp vụ án được đưa ra xét xử giám đốc thẩm do có kháng nghị của người có thẩm quyền”- ông Hiện nói.

Ngoài ra, Ủy ban Tư pháp tán thành với quan điểm đề nghị quy định trong dự thảo thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là 3 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật để phù hợp với thực tiễn xét xử và yêu cầu quản lý hành chính nhà nước.

Ông Hiện cho biết đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp tán thành với quy định trong dự thảo về việc mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Tuy nhiên, việc sửa bản án, quyết định phải rất thận trọng, cần quy định chặt chẽ những trường hợp cụ thể như: chứng cứ trong hồ sơ đã được thu thập đầy đủ, rõ ràng hoặc việc sửa bản án, quyết định đó không gây thiệt hại về tài sản, không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, người thứ ba hoặc lợi ích công cộng…

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, chỉ tiến hành khi có những điều kiện cụ thể theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và chỉ những chủ thể được quy định trong Luật Tố tụng hành chính mới có quyền kháng nghị. Giám đốc thẩm không phải là một cấp xét xử thứ 3, đây là thủ tục xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật (thủ tục phá án). Vì vậy, đề nghị không bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.

Thế Kha